Máy soi container được ngành Hải quan áp dụng vào để quản lý hàng hóa xuất nhập khẩu, giảm thiểu thời gian kiểm tra hàng hóa. Ảnh: Văn Tá |
Cải cách đồng bộ trên tất cả lĩnh vực quản lý
Để đáp ứng được mức độ gia tăng nhanh chóng của hoạt động thương mại quốc tế trong gần một thập kỷ trở lại đây, ngành Hải quan đã thực hiện nhiều giải pháp hiện đại hóa theo hướng đẩy mạnh chuyển đổi số; cải cách, đơn giản hóa thủ tục hành chính và thủ tục kiểm tra chuyên ngành và hiện đại hóa công tác kiểm tra, giám sát hải quan nhằm tạo thuận lợi cho hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa.
225 thủ tục hành chính trong lĩnh vực hải quanHiện nay, có 225 thủ tục hành chính trong lĩnh vực hải quan; 214 thủ tục do cơ quan hải quan thực hiện gồm: 132 thủ tục được cung cấp dịch vụ công trực tuyến toàn trình; 61 thủ tục được cung cấp dịch vụ công trực tuyến một phần; 21 thủ tục được cung cấp thông tin trực tuyến. Thời gian tới, Tổng cục Hải quan tiếp tục theo dõi, rà soát, cập nhật cung cấp dịch vụ công trực tuyến đối với các thủ tục hành chính được sửa đổi, bổ sung và ban hành mới. |
Về hoàn thiện thể chế, Luật Hải quan có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2015, để triển khai thi hành Luật, Bộ Tài chính, Tổng cục Hải quan đã báo cáo cấp có thẩm quyền ban hành 18 văn bản hướng dẫn thi hành, gồm: 3 Nghị định, 3 Quyết định của Thủ tướng Chính phủ và 12 Thông tư của Bộ Tài chính. Đến nay, phần lớn các văn bản quy phạm pháp luật nêu trên đã được sữa đổi, bổ sung một hoặc nhiều lần hoặc được thay thế phù hợp với định hướng cải cách hành chính của Chính phủ, phù hợp với thông lệ và cam kết quốc tế mà Việt Nam là thành viên.
Việc hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật hải quan cũng tạo nền tảng pháp lý để đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý hải quan; áp dụng quản lý rủi ro trong các hoạt động nghiệp vụ hải quan; đơn giản hóa thủ tục hành chính về hải quan, giảm bớt các giấy tờ không cần thiết, sắp xếp lại các khâu trong quy trình thủ tục hải quan để loại bỏ các khâu trung gian, giảm thời gian thông quan, tạo thuận lợi cho hoạt động xuất khẩu khẩu nhưng vẫn đảm bảo nguồn thu ngân sách nhà nước và kiểm soát phòng ngừa, ngăn chặn hành vi buôn lậu, gian lận thương mại.
Về chuyển đổi số trong lĩnh vực hải quan, đến năm 2020, ngành Hải quan đã hoàn thành mục tiêu triển khai 5 hệ thống điện tử để các khâu thực hiện thủ tục hải quan đối với hàng hóa xuất nhập khẩu, phương tiện vận tải xuất nhập cảnh đều được thực hiện thông qua hệ thống xử lý dữ liệu điện tử hải quan.
Công tác giám sát quản lý hàng hóa tại các khu vực kho, bãi cảng, cửa khẩu, địa điểm đều được thực hiện tự động thông qua Hệ thống quản lý, giám sát hải quan (VASSCM) đã giúp loại bỏ các bước thao tác thủ công, cắt giảm việc sử dụng văn bản giấy trong quá trình xử lý nghiệp vụ, giảm tiếp xúc trực tiếp giữa công chức hải quan và doanh nghiệp, góp phần giảm thời gian thông quan, tiết kiệm chi phí cho doanh nghiệp xuất nhập khẩu.
Cùng với đó, cơ quan hải quan đã tổ chức, vận hành có hiệu quả Cổng thông tin một cửa quốc gia, một cửa ASEAN. Đến nay, Cơ chế một cửa quốc gia đã kết nối 13 bộ, ngành, với 250 thủ tục hành chính và trên 6,7 triệu bộ hồ sơ của gần 70.000 doanh nghiệp được xử lý.
Tổng cục Hải quan đã triển khai kết nối để trao đổi thông tin chứng nhận xuất xứ (C/O) mẫu D điện tử với tất cả 9 nước thành viên ASEAN; trao đổi thông tin C/O điện tử giữa Việt Nam - Hàn Quốc và đang phối hợp với các nước ASEAN để chuẩn bị trao đổi chính thức dữ liệu tờ khai hải quan ASEAN theo kế hoạch và chuẩn bị kết nối thử nghiệm trao đổi chứng nhận kiểm dịch thực vật trong năm 2024. Các nước cũng đang xây dựng giải pháp, lộ trình kết nối trao đổi chứng từ điện tử giữa ASEAN và các đối tác khác như: Nhật Bản, Trung Quốc, Hàn Quốc.
Bên cạnh đó, Tổng cục Hải quan cũng không ngừng đầu tư mua sắm trang thiết bị phục vụ công tác kiểm tra, giám sát hải quan để thay thế con người. Cụ thể, Tổng cục Hải quan đã trang bị 27 máy soi container tại 12 cục hải quan các tỉnh, thành phố; trang bị 98 máy soi hành lý tại các khu vực cửa khẩu đường bộ, cảng hàng không sân bay quốc tế, cảng biển; 7.000 seal định vị điện tử để phục vụ công tác giám sát; 125 hệ thống camera giám sát tại các khu vực cửa khẩu, địa điểm làm thủ tục hải quan, khu vực kho, bãi, địa điểm kiểm tra; 15 phòng quan sát camera tại 15 cục hải quan tỉnh, thành phố và 28 hệ thống cân ô tô tại các chi cục hải quan.
Ngoài ra, cơ quan hải quan chủ động và tích cực phối hợp với các bộ quản lý chuyên ngành đẩy mạnh cải cách công tác quản lý, kiểm tra chuyên ngành đối với hàng hóa xuất nhập khẩu nhằm tạo thuận lợi cho doanh nghiệp, giảm thời gian thông quan hàng hóa.
Phấn đấu làm hài lòng 95% doanh nghiệp trở lên
Những năm qua, kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam tăng trưởng đáng kể, trung bình mỗi năm tăng khoảng 23%. Chỉ tính riêng 8 tháng đầu năm 2024, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa đã đạt 511 tỷ USD, tăng 16,7% so với cùng kỳ năm trước.
Theo Chiến lược phát triển ngành Hải quan đến năm 2030 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, Tổng cục Hải quan phấn đấu đến năm 2030 sẽ hoàn thành xây dựng hải quan thông minh và mức độ hài lòng của doanh nghiệp đạt từ 95% trở lên.
Theo ông Đào Duy Tám – Phó Cục trưởng Cục Giám sát, quản lý về hải quan (Tổng cục Hải quan), để đạt được mục tiêu này, việc tiếp tục những nỗ lực cải cách để đồng hành với doanh nghiệp luôn được nganh Hải quan xác định là một nhiệm vụ trọng tâm, thường xuyên, được triển khai thực hiện ở cả 3 cấp: Tổng cục, Cục và Chi cục.
Tại cấp Tổng cục, tập trung vào các vấn đề hoàn thiện, giải đáp chính sách, pháp luật, phương thức quản lý nhà nước về hải quan; cấp cục hoạt động đối tác gắn với vấn đề tổ chức thực thi pháp luật; tại cấp chi cục hoạt động đối tác gắn với các hoạt động thực tế, trực tiếp thường xuyên hàng ngày của đơn vị.
Ngành Hải quan luôn lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm, tạo điều kiện tốt cho cộng đồng doanh nghiệp tiếp cận các biện pháp hỗ trợ của cơ quan hải quan trong bối cảnh khó khăn mà doanh nghiệp gặp phải./.