Môi trường số và hệ thống công nghệ thông tin của Tổng cục Hải quan đã góp phần tạo thuận lợi tối đa cho doanh nghiệp. Ảnh: TL |
Ông Mạc Quốc Anh |
PV: Thấu hiểu những khó khăn của nền kinh tế hiện nay, cơ quan thuế và hải quan đã khẩn trương nỗ lực triển khai nhiều giải pháp đẩy mạnh cải cách, ứng dụng công nghệ thông tin, hiện đại hóa công tác quản lý thuế, góp phần tạo thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp (DN) phục hồi sản xuất, kinh doanh. Ông có cảm nhận thế nào về nỗ lực đồng hành với DN của cơ quan thuế, hải quan?
Ông Mạc Quốc Anh: Quốc hội đã ban hành Nghị quyết 43/2022/QH15 về chính sách tài khoá, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội và Nghị quyết 68/NQ-CP (ngày 12/5/2022), theo đó đẩy mạnh các hoạt động đầu tư công và lấy đầu tư công dẫn dắt sự phục hồi đầu tư cho hoạt động khu vực kinh tế tư nhân.
Trong thực hiện nhiệm vụ hỗ trợ DN thì cơ quan thuế, hải quan là những cơ quan của Chính phủ liên quan trực tiếp đến hoạt động sản xuất, kinh doanh, xuất nhập khẩu của DN Việt Nam. Trong hoạt động sản xuất, xuất khẩu của DN, hai ngành này đóng góp vai trò vô cùng quan trọng và đã thực hiện cắt giảm nhiều thủ tục, điều kiện để có thể thông quan hàng hoá xuất khẩu một cách nhanh chóng.
Trước đây, thủ tục xuất khẩu, nhập khẩu chiếm khá nhiều thời gian, chi phí của DN. Nhưng hiện nay, hàng hoá của DN được phân luồng xanh, vàng, đỏ; phân định hàng hoá nào thuộc diện tiền kiểm, hậu kiểm, qua đó rút ngắn thời gian DN làm thủ tục xuất nhập khẩu.
Đặc biệt, trong cải cách thủ tục hành chính, cơ quan hải quan đã nâng cấp độ giải quyết thủ tục hành chính dịch vụ công trực tuyến từ cấp độ 3 lên cấp độ 4. Từ việc sử dụng giấy tờ, hồ sơ bản cứng có đóng dấu chuyển sang chế độ sử dụng chế độ điện tử. Chúng tôi đánh giá là có 90% các hồ sơ, giấy tờ đã được điện tử hoá. Như vậy, người dân, DN tốn ít thời gian, chi phí hơn trước, khi phải trực tiếp đến làm thủ tục tại các cửa khẩu, gặp cơ quan hải quan để xử lý các thủ tục hành chính, điều kiện nhập khẩu, xuất khẩu.
Cơ quan thuế, hải quan đã lắng nghe, thấu hiểu doanh nghiệp Điểm đổi mới của cơ quan thuế, hải quan trong thời gian qua là luôn chủ động trong việc đề xuất các giải pháp chính sách hỗ trợ cho sự phục hồi, phát triển của cộng đồng DN. Cơ quan thuế, hải quan đã chủ động nắm bắt tâm tư của DN qua nền tảng công nghệ thông tin, số hoá, thông qua việc gửi các mẫu biểu đến cộng đồng DN. Từ đó hàng tháng, cơ quan thuế, hải quan luôn có bản báo cáo kịp thời lên cấp trên, cơ quan liên quan để giải quyết, tháo gỡ nhanh chóng vướng mắc cho người dân, DN, đặc biệt là hoàn thuế giá trị gia tăng, giảm thuế đất, các loại thuế phí… |
Đối với ngành Thuế, tôi đánh giá cao việc cơ quan thuế đã áp dụng toàn diện nền tảng công nghệ thông tin để giải đáp các vướng mắc, xử lý thủ tục hành chính liên quan đến chính sách thuế. Kết quả là trong hai năm qua, 100% các thủ tục liên quan đến hoá đơn điện tử được cơ quan thuế áp dụng, mang lại nhiều lợi ích cho DN, người dân.
PV: Ông có thể chia sẻ rõ hơn về tác động, lợi ích của hoá đơn điện tử đối với DN trong việc giảm thủ tục chi phí, tạo môi trường bình đẳng, minh bạch trong thực hiện nghĩa vụ thuế?
Ông Mạc Quốc Anh: Cảm nhận đầu tiên của tôi là thực hiện hoá đơn giá trị gia tăng bằng phương thức điện tử giúp DN cắt giảm, tiết kiệm được nguồn nhân lực. Hiện nay, khi sử dụng hoá đơn điện tử, các nhân viên kế toán không phải trực tiếp đến cơ quan thuế mà có thể xử lý công việc liên quan đến xuất hoá đơn ngày tại văn phòng. Đặc biệt đối với đơn vị bán lẻ, DN không phải tốn nhiều thời gian, chi phí cho việc in hoá đơn.
Hơn nữa trong việc báo cáo của DN, hoá đơn điện tử cho phép cập nhật nhanh trên hệ thống dữ liệu số, giúp DN nâng cao năng lực quản trị qua việc kiểm soát đầu vào, đầu ra, doanh số, doanh thu nhanh chóng, đặc biệt đối với DN dịch vụ bán lẻ, ăn uống, khách sạn, bán vé máy bay có lượng xuất hoá đơn lớn; cân đối được thu - chi, dòng tiền, hàng.
Nguồn: Tổng cục Thuế. Đồ họa: Văn Chung |
Khi sử dụng hoá đơn điện tử thì việc báo cáo thuế hàng tháng, tờ khai thuế hàng quý, tài chính hàng năm của DN được nhanh chóng, tránh sai sót. Việc này tiết kiệm được chi phí khoảng 25% cho DN so với trước đây. Đơn cử, trước đây 1 phòng kế toán thường bao gồm kế toán trưởng, kế toán tổng hợp, kế toán công nợ, kế toán viên, thủ quỹ. Hiện nay, có thể cắt giảm được từ 1 đến 2 nhân sự…
Đặc biệt, sử dụng hoá đơn điện tử giúp cho người lãnh đạo, quản trị DN nâng cao năng lực điều hành thông qua sử dụng chữ ký số, cùng lúc có thể kiểm soát và xuất hoá đơn cho các chi nhánh mọi lúc, mọi nơi, không phụ thuộc vào giờ hành chính.
PV: Cũng như cơ quan thuế, cơ quan hải quan đã có sự đổi mới trong phương thức phục vụ DN. Trong những cải cách này, ông ấn tượng nhất với cải cách nào của cơ quan hải quan?
Ông Mạc Quốc Anh: Đối với cơ quan hải quan tôi ấn tượng nhất là việc đã chủ động hướng dẫn, tiếp cận hỗ trợ DN trong quá trình làm thủ tục xuất nhập khẩu hàng hoá.
Đối với những bộ hồ sơ xuất nhập khẩu có vướng mắc, cơ quan hải quan cử cán bộ có chuyên môn sâu để hỗ trợ DN thông quan hàng cho DN, đặc biệt là DN đang có lượng hàng lớn, kim ngạch xuất nhập khẩu lớn, nhằm đảm bảo giảm chi phí lưu kho bãi và thời hạn giao hàng mà DN đã ký kết với đối tác.
Yếu tố nữa là các thủ tục liên quan đến hoạt động xuất nhập khẩu được cơ quan hải quan cập nhật trên các cổng thông tin từ Tổng cục Hải quan cho đến cục hải quan tỉnh, thành phố. Sự công khai này, giúp cho DN thực hiện thủ tục xuất nhập khẩu được thuận tiện hơn.
PV: Cải cách là một quá trình “dài hơi”. Ông có đề xuất gì đối với cơ quan thuế, hải quan để tiếp tục cải cách, ngày càng đáp ứng yêu cầu phát triển của DN, vượt qua khó khăn hiện nay?
Ông Mạc Quốc Anh: Để giúp DN “vươn ra biển lớn”, chúng tôi mong muốn, việc giải quyết thủ tục về thuế, hải quan được số hoá mạnh mẽ hơn nữa, mang lại nhiều lợi ích thiết thực cho cộng đồng DN.
Đối với Đề án 06 của Chính phủ, chúng tôi cũng mong muốn, Bộ Tài chính, cơ quan thuế, hải quan tổ chức nhiều hơn nữa các khoá đào tạo, huấn luyện cho DN, người dân, người nộp thuế trong việc thực hiện, cụ thể hoá các giải pháp về số hoá. Đây là đề án gốc để Bộ Tài chính triển khai các chương trình, giải pháp chuyển đổi số trong cơ quan thuế, hải quan thông minh, hải quan số trong thời gian tới.
PV: Xin cảm ơn ông!
100% thủ tục hải quan sẽ được số hóa vào năm 2025 Trong kế hoạch chuyển đổi số, ngành Hải quan đặt mục tiêu phấn đấu đến năm 2025 hoàn thành hải quan số, với các chỉ tiêu: 100% thủ tục hải quan được số hóa và thực hiện bằng phương thức điện tử; 95% chứng từ thuộc hồ sơ hải quan được chuyển sang dạng dữ liệu số; 100% hồ sơ về tổ chức, cá nhân liên quan đến hoạt động xuất khẩu, nhập khẩu; người, phương tiện vận tải xuất cảnh, nhập cảnh, quá cảnh; 100% hồ sơ nghiệp vụ kiểm soát hải quan cơ bản được chuyển sang dữ liệu điện tử, tiến tới số hóa. Đồng thời, ngành Hải quan đặt mục tiêu 100% thủ tục hành chính có nhu cầu sử dụng cao được cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 cho người dân, doanh nghiệp và được thực hiện trên nhiều phương tiện truy cập khác nhau; 80% hoạt động kiểm tra của cơ quan hải quan được thực hiện thông qua môi trường số và hệ thống công nghệ thông tin của Tổng cục Hải quan; 100% thủ tục hành chính trong lĩnh vực cấp phép, kiểm tra chuyên ngành cho hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu, quá cảnh được thực hiện thông qua cơ chế một cửa quốc gia... |