Thêm giải pháp mạnh để “bứt tốc” giải ngân vốn đầu tư công |
PV: Hiện nay đã có rất nhiều giải pháp được đưa ra để thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công nhưng tiến độ giải ngân vẫn chậm. Theo đánh giá của ông thì vì sao lại như vậy, phải chăng các giải pháp này chưa thực sự phù hợp?
TS. Vũ Đình Ánh: Vấn đề dẫn đến chậm giải ngân đã được nhìn ra, kể cả nguyên nhân chủ quan và khách quan. Thậm chí đã có nhiều giải pháp được đưa ra nhưng việc thực hiện các giải pháp đó trong thực tế chưa được bao nhiêu và dường như vẫn dừng ở việc trình bày hoàn cảnh, trình bày nguyên nhân.
Đơn cử như biến động của giá nguyên vật liệu xây dựng. Hiện nay chúng ta cũng có quy định khi giá nguyên vật liệu vượt dự toán khoảng 10% chẳng hạn thì phải điều chỉnh. Quy định là như thế nhưng nếu cứ theo quy trình, trình lên, trình xuống, xin ý kiến thì rõ ràng giải ngân vốn đầu tư tiếp tục chậm. Một căn bệnh cố hữu vẫn tồn tại lâu nay đó là né tránh, đùn đẩy trách nhiệm thì chắc chắn vấn đề giải ngân vốn đầu tư công sẽ lại tiếp tục được bàn tiếp và bàn mãi mà không có hồi kết.
![]() |
TS. Vũ Đình Ánh |
Một vấn đề nữa mà tôi cho rằng, chúng ta hoàn toàn có thể học hỏi và rút kinh nghiệm từ việc triển khai các dự án của khu vực ngoài nhà nước. Họ cũng đối mặt với những khó khăn, vướng mắc tương tự như các dự án đầu tư công, thậm chí còn bị thắt chặt nguồn vốn nhưng họ vẫn triển khai rất tốt, trong khi đó chúng ta đang ở tình trạng thừa vốn, đầy vốn nhưng lại không triển khai được. Theo tôi đã đến lúc phải nhìn thẳng vào bộ máy vận hành thực hiện các dự án đầu tư công chứ không chỉ bàn về câu chuyện chính sách, giải pháp hay là lối thoát nào cho tình trạng bế tắc hiện nay.
Ngoài ra, hiện nay chúng ta đã xây dựng được một quy trình đầu tư công rất chặt chẽ với nhiều bên tham gia. Tuy nhiên, quy trình đó mang tính hành chính rất nặng mà lại không đề ra được phương án để xử lý những biến động bất thường. Đặc biệt, quy định về thẩm quyền của người ra quyết định và trách nhiệm của người ra quyết định hiện nay đang có sự vênh nhau rất lớn, đó chính là lý do giải thích vì sao các cơ quan chức năng từ trung ương đến địa phương đã thúc rất nhiều nhưng tiến độ giải ngân các nguồn vốn đầu tư công vẫn không cải thiện được.
PV: Một trong những khó khăn trong công tác giải ngân hiện nay, đó là giá nguyên vật liệu tăng. Chính việc tăng giá này đã cản trở tiến độ giải ngân của các dự án đầu tư công. Theo ông, chúng ta cần giải pháp gì để khắc phục khó khăn này?
TS. Vũ Đình Ánh: Theo quy định, trong các dự án đầu tư vẫn dành một khoản tiền để dự phòng cho sự biến động giá lên, xuống của nguyên vật liệu xây dựng. Đối với các dự án không phải là đầu tư công thì sẽ có cơ chế khá linh hoạt giữa chủ đầu tư và nhà thầu khi có sự biến động về giá nguyên vật liệu. Do đó trong suốt mấy tháng vừa qua, mặc dù giá cả nguyên vật liệu có biến động mạnh như vậy nhưng các dự án của tư nhân vẫn được triển khai thông suốt với tốc độ rất nhanh, thậm chí còn về trước tiến độ cam kết với khách hàng.
![]() |
Nguồn: Bộ Tài chính Đồ họa: Thế Dương |
Tuy nhiên, đối với các dự án đầu tư công thì các nhà thầu đã dừng thi công hoặc thi công chậm lại để chờ đàm phán với chủ đầu tư về sự tăng giá nguyên vật liệu và cách xử lý như thế nào để tiếp tục triển khai dự án. Như vậy, rõ ràng là các quy định về việc bù giá hiện nay trong các dự án đầu tư công đang quá cứng nhắc và còn mang nặng tính hành chính. Vì thế, đã khiến cho các dự án đầu tư công không có sự linh hoạt trong quá trình triển khai khi có sự biến động về giá như hiện nay. Do đó theo tôi, các nhà quản lý, các cơ quan thực thi không cần phải học hỏi kinh nghiệm ở đâu xa mà nên tham khảo những kinh nghiệm của các chủ dự án, chủ đầu tư khu vực ngoài nhà nước xem họ đã làm như thế nào để xử lý vấn đề này.
Đặc biệt theo tôi, ngay bây giờ, các cơ quan có thẩm quyền cần có ngay 1 cơ chế để bảo vệ lợi ích của chủ đầu tư và nhà thầu trong quá trình triển khai thực hiện các dự án đầu tư công. Theo tôi, nếu có cơ chế này, chúng ta vẫn đảm bảo được tiến độ đầu tư công đồng thời giảm nhẹ được các tác hại của sự tăng giá tới việc triển khai các dự án. Tuy nhiên, cơ chế này cần phải được thiết kế và có tính khả thi cao để có thể áp dụng ngay được.
PV: Hiện Thủ tướng Chính phủ đang giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Văn phòng Chính phủ tiếp thu các ý kiến từ các bộ, ngành, địa phương, khẩn trương xây dựng, hoàn thiện, trình Chính phủ ban hành nghị quyết để thúc đẩy tiến độ giải ngân vốn đầu tư công mạnh hơn nữa. Ông đánh giá như thế nào về quyết định này của Chính phủ?
TS. Vũ Đình Ánh: Tôi cho rằng đây là một quyết định đúng trong bối cảnh giải ngân vốn đầu tư công vẫn còn chậm như hiện nay.
Ngoài ra, như tôi đã nói, vấn đề then chốt để tăng tốc độ giải ngân vốn đầu tư công, đồng thời nâng cao hiệu quả đầu tư công, chống tham nhũng, lãng phí, thất thoát trong đầu tư công chính là cần chuyển từ cơ chế xin - cho sang cơ chế giao nhiệm vụ, gắn trách nhiệm thực hiện và giải ngân vốn đầu tư công với nhiệm vụ chính trị của mỗi tổ chức, mỗi cá nhân có liên quan trong bộ máy nhà nước từ trung ương đến địa phương. Chỉ có như vậy, đầu tư công mới khắc phục được những bất cập hạn chế cố hữu, đồng thời trở thành công cụ hữu hiệu trong phục hồi kinh tế - xã hội sau đại dịch.
PV: Xin cảm ơn ông!