Bên lề kỳ họp Quốc hội sáng 21/11, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải đã trao đổi với các PV về những chủ đề nóng đang được quan tâm như lũ lụt, quy trình xả lũ của thủy điện, sự an toàn của các hồ chứa...

Đánh giá tổng quát về tình hình mưa lũ ở miền Trung vừa qua, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải cho biết thiệt hại do lũ rất lớn và đến nay đã có 43 người chết, 4 người mất tích và gần 70 người bị thương, trên 400 căn nhà bị sập, hàng trăm nghìn căn nhà bị ngập trong nước, gần 400 nghìn gia cầm và trên 30 nghìn gia súc bị chết. Ngoài ra, diện tích hoa màu bị ngập rất lớn.

Về các hồ chứa, các địa phương có hồ chứa lớn như Bình Định (160 hồ chứa), Quảng Ngãi (120 hồ), Đà Nẵng (hơn 70 hồ) đều rà soát các hồ chứa trước khi mưa lũ về. Các hồ chứa yếu đều được tách ra và không tích nước. Do vậy, dù mưa rất lớn so với những lần trước, nhưng vỡ hồ chứa không xảy ra. Bên cạnh đó, các địa phương đã kiểm soát chặt được các hồ thủy lợi lớn. Các địa phương có hồ thủy điện cũng nắm rất chặt các quy trình thông báo thời gian hạ mức nước, xả lũ.

Phó Thủ tướng cho biết: “Từ trước đến nay, nước ta đã đầu tư xây dựng được 7.000 hồ chứa, vì chúng ta cần hồ chứa và tiếp tục phải đầu tư mới bảo đảm được cân bằng nước, bảo đảm nước cho sinh hoạt, sản xuất. Tuy nhiên, phải sống chung với hồ chứa một cách an toàn. Muốn vậy phải quản lý chặt, nếu quản lý hồ chứa không khoa học, để lũ quá một chút là hồ vỡ. Nhưng điều hành theo cách cực đoan, sẽ không có nước dùng”.

Đối với việc xả lũ, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải đánh giá: "Việc xả lũ là bình thường, bởi mưa xối xuống lưu vực, nước chứa đầy hồ đương nhiên phải xả, bởi không chảy xuống lưu vực thì nước đi đâu? Vấn đề là phải xả đúng, nếu xả sai thì lại lũ chồng lũ. Đây chính là vấn đề cần phải kiểm soát chặt”.

Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải trả lời phỏng vấn của báo chí bên lề kỳ họp Quốc hội. Ảnh: TTX

* Vậy thưa ông, thông tin thời tiết, mưa lũ được truyền đạt đến người dân rất nhiều, nhưng tại sao số người chết vẫn cao như vậy?

- Thực tế, khi địa phương báo cáo và phân tích các trường hợp thì thấy số tai nạn chết người khi đúng lũ về, đúng nước xiết là ít nhất và những vùng ngập sâu, lũ nặng không chết người bằng những vùng ngập ít hơn và lũ nhẹ hơn, chết sau lũ lại nhiều hơn. Trong các chỉ đạo PCLB chúng ta vẫn nêu là tránh tối đa chủ quan trong bão. Ví dụ như đi qua ngầm, qua đường…. nước ngập sâu, xối, nhưng thường tâm lý chúng ta vẫn chủ quan rằng mình biết bơi, không sao.

Vì thế, chúng ta phải tiếp tục công tác tuyên truyền, công tác cộng đồng, tiếp tục đầu tư vào các hệ thống cơ sở hạ tầng, vì cơ sở hạ tầng có rất nhiều đường cấp huyện, kể cả đường quốc lộ là chưa bảo đảm yêu cầu chống lũ, nên mưa là ngập. Cần thiết phải đầu tư những đường cứu hộ, cứu nạn, đặc biệt là ở những vùng ngập sâu như Đại Lộc, Điện Bàn... để tránh tai nạn trong ứng phó lũ bão.

Trong những năm qua, chúng ta đã xây dựng cơ sở hạ tầng, đã phát huy hiệu quả. Tuy vậy, khi một cơn lũ mới về như lũ năm nay cũng đã đưa ra những tín hiệu điều chỉnh, vì khi chúng ta xây dựng cơ sở hạ tầng như thế thì đồng thời cũng tạo ra vật cản cho dòng lũ. Khi có vật cản như vậy thì dòng lũ sẽ tìm đường mới để đi. Những đường mới đó đánh vào vùng dân cư, thậm chí là ổn định, mà trước kia không bao giờ bị lũ.

Cụ thể như tôi đi Quảng Ngãi, Bình Định đều có. Người dân bảo tôi ở đây từ bé đến giờ không bị, nhưng đến giờ lại bị. Người dân phát hiện ra là do làm đường này ngăn, làm khẩu độ thoát lũ không tương ứng. Chúng ta đang ở thời kỳ của biến đổi khí hậu và những tính toán trước đây của chúng ta về khẩu độ thoát lũ không còn phù hợp nữa. Đây là một bài học rất lớn.

Chúng ta đã gặp những trường hợp ở miền núi, lũ quét vào các khu dân cư rất ổn định. Ở đây, có vấn đề về rừng, phá rừng, tạo ra dòng lũ mới, có vấn đề về cơ sở hạ tầng, cái chính là chúng ta phải đánh giá được để sơ tán. Các địa phương và trung ương phải biết để điều chỉnh phương án phòng chống.

* Phó Thủ tướng đánh giá thế nào về nguyên nhân, vai trò của thủy điện trong mùa bão lũ vừa qua?

- Qua kiểm tra, tôi thấy tất cả các địa phương và các bộ kiểm tra đều đánh giá là các thủy điện vận hành đúng quy trình, còn quy trình hợp lý hay không thì chưa thấy tỉnh nào nói là không hợp lý. Tôi đã nói kể cả quy trình đúng như vậy, nhưng địa phương và các bộ phải đánh giá có hợp lý hay không và có gì cần sửa.

* Ở các nước, có những công trình thủy điện quy mô lớn, kể cả vận hành rồi nhưng nếu thấy tác động môi trường lớn, thì cũng bị ra quyết định đình chỉ. Vậy, qua đợt này, nếu có công trình nào ở miền Trung không hợp lý thì Chính phủ có đình chỉ hay không?

- Nếu công trình nào không hợp lý, chỉ gây hại, không có lợi, tất nhiên là phải đình chỉ. Vì thế phải tiếp tục rà soát, đánh giá, tiếp tục ban hành quy trình liên hồ chứa. Ban hành cả các quy trình liên hồ chứa cho cả mùa lũ và mùa cạn.

* Xin cảm ơn Phó Thủ tướng!

Hoàng Yến