Đảm bảo thông quan thuận lợi cho gần 7.000 doanh nghiệp

Theo đánh giá của Cục Hải quan Bình Dương, đến thời điểm này, đơn vị cơ bản đã hoàn thành nhiệm vụ được Bộ Tài chính, Tổng cục Hải quan, UBDN tỉnh Bình Dương giao năm 2022 trong bối cảnh hoạt động của doanh nghiệp (DN) còn nhiều khó khăn sau dịch Covid-19, tiếp tục duy trì là đơn vị trong top đầu về cải cách hành chính, hiện đại hóa hải quan, tạo thuận lợi cho hoạt động xuất nhập khẩu (XNK) trên địa bàn; giữ vững đoàn kết, xây dựng đơn vị ngày càng trong sạch vững mạnh.

Trong năm 2022, hoạt động của Cục Hải quan Bình Dương gặp khó khăn chung từ ảnh hưởng của dịch Covid-19 trên toàn cầu, chính sách Zero Covid ở Trung Quốc; Việt Nam thực hiện cam kết các hiệp định thương mại song phương, đa phương với các nước và khu vực trong việc cắt giảm thuế quan, các Hiệp định cắt giảm thuế quan ATIGA, ACFTA, VKFTA, CPTPP, EVFTA… nên phần lớn năm 2022 các dòng hàng đều cắt giảm thuế nhập khẩu về 0%; thực hiện chính sách giảm thuế giá trị gia tăng và tình hình xung đột Nga - Ukraina, tình hình lạm phát toàn cầu... Những khó khăn nêu trên đã tác động trực tiếp, ảnh hưởng lớn đến tất cả các lĩnh vực, DN gặp nhiều khó khăn trong sản xuất và hoạt động XNK cũng như việc thực hiện nhiệm vụ chính trị của đơn vị.

Nỗ lực hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, đến nay Cục Hải quan tỉnh Bình Dương đã cơ bản hoàn thành tốt các nhiệm vụ trọng tâm của năm 2022 theo kế hoạch.

Thống kê đến cuối tháng 11/2022, đơn vị đã làm thủ tục thông quan hàng hóa cho gần 6.888 DN, tăng gần 5% với hơn 1,6 triệu tờ khai; kim ngạch XNK đạt hơn 55 tỷ USD, tăng hơn 7% so với cùng kỳ.

Các chính sách về thuế đã hỗ trợ hiệu quả cho doanh nghiệp
Cán bộ Cục Hải quan Bình Dương thông quan hàng hóa qua hệ thống máy soi container. Ảnh: Phi Vũ

Để kịp thời tháo gỡ khó khăn vướng mắc cho DN, từ đầu năm đến nay, đơn vị tổ chức đối thoại với DN Hàn Quốc và Đài Loan; tổ chức hội nghị đối thoại hải quan – DN tại các chi cục trực thuộc, qua đó, thu hút được DN mới về làm thủ tục hải quan.

Bên cạnh đó, đơn vị duy trì có hiệu quả Tổ tư vấn trực tuyến, Tổ giải đáp vướng mắc theo 2 cấp gồm cấp cục và cấp chi cục; công khai Bộ thủ tục hành chính trên cổng thông tin điện tử của cục để DN tiện tra cứu khi có nhu cầu. Do làm tốt công tác tiếp xúc hỗ trợ DN mới đến làm thủ tục đã góp phần tăng thu hơn 101 tỷ đồng.

Đơn vị cũng đã thực hiện tốt Tuyên ngôn phục vụ khách hàng. Từ đầu năm 2022, đến nay, Cục Hải quan Bình Dương đã tiếp nhận hơn 1,6 triệu tờ khai và thực hiện đúng thời hạn, đúng cam kết 100% yêu cầu của DN; trả lời vướng mắc thỏa đáng, đúng thời hạn 75 hồ sơ của DN, đúng thời hạn 100%; kiểm tra thực tế 43.991 tờ khai của DN, đúng thời hạn 100%.

Phấn đấu thu ngân sách đạt 19.000 tỷ đồng

Đề cập tới việc thực hiện thu ngân sách năm 2022, Phó Cục trưởng Cục Hải quan Bình Dương Nguyễn Thanh Bình cho rằng, đơn vị phải nỗ lực rất nhiều trong tháng còn lại của năm 2022 trong bối cảnh hoạt động của DN đang đối mặt với khó khăn.

Năm 2022, Cục Hải quan Bình Dương được Bộ Tài chính giao dự toán thu ngân sách nhà nước là 17.800 tỷ đồng; Tổng cục Hải quan giao chỉ tiêu phấn đấu 19.000 tỷ đồng (tăng 6,7% so với dự toán Bộ Tài chính giao).

Xác định thu ngân sách là nhiệm vụ cốt lõi đòi hỏi phải nỗ lực hoàn thành, ngay từ đầu năm 2022, đơn vị tăng cường công tác tiếp xúc hỗ trợ DN, kịp thời hướng dẫn giải quyết các vướng mắc liên quan đến chính sách thuế, chính sách mặt hàng đảm bảo tạo thuận lợi tối đa cho hoạt động XNK của DN.

Đặc biệt, đơn vị tiếp tục duy trì, tuyên truyền, vận động DN thực hiện nộp thuế, lệ phí theo đề án nộp thuế 24/7, nhờ đó đến nay đã đạt 100% thu thuế qua môi trường điện tử.

Nhờ sự chủ động nêu trên, tính đến cuối tháng 11/2022 đơn vị đã thu đạt 17.337 tỷ đồng, đạt 97,4% chỉ tiêu Bộ Tài chính giao, đạt hơn 91% chỉ tiêu phấn đấu Tổng cục Hải quan giao.

Hoàn thành 100% chỉ tiêu thu hồi nợ thuế

Năm 2022, Cục Hải quan Bình Dương rà soát, xử lý 100% các trường hợp tồn đọng nợ thuế, nợ phạt, chậm nộp và phí hải quan.

Kết quả, đơn vị đã thu hồi và xử lý 100% số nợ thuế được Tổng cục Hải quan giao năm 2022 là 107,69 tỷ đồng và có 100% các trường hợp tồn đọng nợ thuế, nợ phạt, chậm nộp đã được rà soát lại để xử lý và sẽ tiếp tục bổ sung hoàn chỉnh đầy đủ hồ sơ xử lý nợ thuế theo đúng quy định hiện hành đến hết 31/12/2022.

Theo ông Nguyễn Thanh Bình, số thu nêu trên vẫn giảm 0,7% so với cùng kỳ, phần nào phản ánh khó khăn thách thức trong công tác thu ngân sách những tháng cuối năm 2022.

Nguyên nhân số thu của đơn vị giảm do chi phí logistics tăng cao đột biến do giá xăng dầu, khí đốt bị tác động từ cuộc xung đột giữa Nga và Ukraina dẫn đến kim ngạch nhập khẩu hàng hóa giảm hơn 7% so cùng kỳ và tổng kim ngạch XNK chịu thuế giảm hơn 3% so cùng kỳ.

Trong đó, gỗ nhập khẩu để sản xuất xuất khẩu giảm thu 15% so với cùng kỳ; một số DN giảm nhập khẩu máy móc thiết bị tạo tài sản cố định do đã nhập hầu hết trong năm 2021, một số dự án mới chưa kịp triển khai năm 2022 làm giảm thu 12% so với cùng kỳ năm trước. Ngoài thị trường Mỹ, nhiều thị trường khác trong khối châu Âu cũng đang đối mặt với tình hình lạm phát tăng cao, người tiêu dùng thắt chặt chi tiêu, điều này đã tác động lớn đến xuất khẩu gỗ và đồ gỗ Việt Nam sang thị trường này.

“Mặc dù có những khó khăn trong quá trình thu ngân sách, đơn vị tiếp tục tăng cường công tác hỗ trợ các doanh nghiệp mở rộng đầu tư, thu hút DN mới về làm thủ tục hải quan; rà soát công tác áp mã, áp giá tính thuế; tăng cường quản lý các doanh nghiệp để phòng tránh phát sinh nợ xấu. Với những giải pháp tạo thuận lợi cho hoạt động của DN từ đầu năm đến nay và nỗ lực khai thác tốt các nguồn thu mới, đơn vị quyết tâm hoàn thành 100% chỉ tiêu pháp lệnh và chỉ tiêu phấn đấu được Tổng cục Hải quan giao năm 2022 là 19.000 tỷ đồng”- ông Nguyễn Thanh Bình khẳng định.