Hải quan Quảng Ninh thu ngân sách từ than nhập khẩu đạt trên 5.500 tỷ đồng Chi cục Hải quan cửa khẩu Hoành Mô cán đích sớm nhiệm vụ thu ngân sách nhà nước |
Tại hội nghị, những khó khăn vướng mắc đã được cộng đồng doanh nghiệp chia sẻ. Nhiều ý kiến cho rằng, sau cơn bão số 3 (bão Yagi), hoạt động sản xuất kinh doanh và XNK qua địa bàn gặp nhiều khó khăn (có trên 30 doanh nghiệp trên địa bàn chịu ảnh hưởng, thiệt hại khoảng trên 1.000 tỷ đồng), việc mất hệ thống thông tin liên lạc, mất điện diện rộng trong toàn tỉnh đã ảnh hưởng trực tiếp tới hoạt động sản xuất, hoạt động XNK hàng hoá của doanh nghiệp; Hệ thống thông quan điện tử, 1 cửa quốc gia bị gián đoạn.
Lãnh đạo Cục Hải quan tỉnh cùng lãnh đạo sở, ngành, đại diện hiệp hội doanh nghiệp tỉnh Quảng Ninh trả lời các vướng mắc của doanh nghiệp tại hội nghị. Ảnh: Thế An. |
Trong tháng 9/2024, cơn bão số 3 (Yagi) đổ bộ trực tiếp vào tỉnh Quảng Ninh đã gây thiệt hại nghiêm trọng đến đời sống, tài sản của người dân cũng như doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp FDI, doanh nghiệp sản xuất hàng hoá, doanh nghiệp tại các khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh, ảnh hưởng trực tiếp đến kết quả phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. |
Cục Hải quan tỉnh đã chủ động phối hợp với Cục CNTT, Cục GSQL về Hải quan (Tổng cục Hải quan) thiết lập kênh truyền riêng để đảm bảo việc thông quan hàng hoá tại các cửa khẩu; Thành lập nhóm hỗ trợ trực tuyến 3 cấp (Tổng cục Hải quan, Cục Hải quan tỉnh, Chi cục Hải quan) để tiếp nhận và giải quyết nhanh sự cố/vướng mắc phát sinh tại các cửa khẩu trên địa bàn tỉnh, đảm bảo hoạt động thông quan ổn định, không để ách tắc hàng hóa ngay sau bão.
Ghi nhận và chia sẻ những khó khăn của cộng đồng doanh nghiệp, phát biểu tại hội nghị, ông Trịnh Văn Nhuận - Phó Cục trưởng Cục Hải quan tỉnh Quảng Ninh cho biết “Trên tinh thần đối tác – hợp tác – đồng hành cùng phát triển, Cục Hải quan Quảng Ninh sẽ thực hiện các giải pháp để doanh nghiệp tiếp cận các biện pháp hỗ trợ của cơ quan hải quan đối với doanh nghiệp trong năm 2024; những khó khăn vướng mắc ảnh hưởng đến hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa của doanh nghiệp, đặc biệt là những thiệt hại sau cơn bão số 3 sẽ được đề xuất những biện pháp hỗ trợ cụ thể”.
Bên cạnh đó, ông Nhuận cũng đề nghị chính quyền địa phương phối hợp Cục Hải quan tỉnh Quảng Ninh tạo môi trường sản xuất, xuất khẩu hàng hóa tại các cửa khẩu thuận lợi. Các công ty sản xuất, hoạt động liên quan đến xuất nhập khẩu duy trì các kênh thông tin liên lạc, phản ánh những vướng mắc, khó khăn gặp phải với cơ quan Hải quan, các ngành chức năng, chính quyền địa phương để kịp thời xử lý, sao cho hoạt động xuất nhập khẩu được thông suốt.
"Cục Hải quan Quảng Ninh cam kết và mong muốn đồng hành cùng doanh nghiệp, nhất là trong thời gian khó khăn hiện nay"- ông Nhuận khẳng định.
Ông Trịnh Văn Nhuận - Phó Cục trưởng Cục Hải quan tỉnh Quảng Ninh phát biểu tại hội nghị. Ảnh: Thế An. |
Số thu ngân sách nhà nước của Cục Hải quan tỉnh Quảng Ninh tính đến ngày 15/10/2024 đạt 14.388,27 tỷ đồng, tăng 8,44% so với cùng kỳ năm 2023, đạt 115,11% chỉ tiêu Thủ tướng giao (12.500 tỷ đồng), đạt 110,68% chỉ tiêu UBND tỉnh giao (13.000 tỷ đồng), đạt 95,92% chỉ tiêu phấn đấu (15.000 tỷ đồng). Trong đó, các nhóm hàng hoá nhập khẩu tăng mạnh như: Than, thức ăn chăn nuôi, hàng nhập tiêu dùng, nguyên liệu máy móc của doanh nghiệp FDI đều có mức tăng trên 30% so với cùng kỳ. |
Cùng với cơ quan hải quan, tại hội nghị, các lãnh đạo, sở, ban ngành, địa phương, hiệp hội doanh nghiệp tỉnh cũng đã ghi nhận các khó khăn mà cộng đồng doanh nghiệp đang gặp phải, chia sẻ, giải đáp các thắc mắc để cộng đồng doanh nghiệp có thể sớm khắc phục hậu quả thiên tai, mau chóng khôi phục, ổn định hoạt động sản xuất, XNK.
Bằng những biện pháp hữu hiệu, thời gian tới Cục Hải quan tỉnh sẽ chỉ đạo các Chi cục Hải quan bám sát tình hình hoạt động của doanh nghiệp, thống kê những vướng mắc của các doanh nghiệp bị ảnh hưởng từ bão Yagi (thiệt hại về nguyên liệu, máy móc nhập khẩu bị hư hỏng; sản phẩm sản xuất theo loại hình gia công, sản xuất xuất khẩu bị hư hỏng sau bão; việc quản lý, lưu trữ chứng từ liên quan đến hàng hoá XNK…) để có giải pháp kịp thời hỗ trợ doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp FDI đang hoạt động tại các khu công nghiệp.
Tập trung nghiên cứu, đề xuất các cấp có thẩm quyền có chính sách ưu đãi, hỗ trợ doanh nghiệp bị thiệt hại sau bão. Tiếp tục duy trì các Tổ giải quyết khó khăn, vướng mắc từ cấp Cục tới Chi cục kịp thời nắm bắt và giải quyết khó khăn vướng mắc cho doanh nghiệp.