Góp phần tăng thu hàng trăm tỷ đồng
Theo Cục Thuế Bình Định, sau hơn 1 năm thực hiện Cổng giao tiếp điện tử với người nộp thuế (NNT), đến nay đã thu hút NNT, mọi tầng lớp dân cư và cả hệ thống chính trị tham gia vào công tác quản lý thuế, kết nối với NNT…
|
Nhờ có Cổng giao tiếp điện tử đã chủ động hỗ trợ NNT thông qua thông tin cảnh báo, công khai giúp NNT khắc phục sai sót, tự sửa sai, tránh bị xử phạt vi phạm hành chính về thuế, qua đó phục vụ đắc lực mô hình công tác kiểm tra tại trụ sở cơ quan thuế.
Thế mạnh riêng có của Cổng giao tiếp chính là chuyên mục công khai, thông qua thông tin công khai bảng giá chuyển nhượng bất động sản, bảng giá ô tô xe máy của hãng…, góp phần tăng thu qua quản lý thuế đối với chuyển nhượng bất động sản.
Số liệu tổng hợp qua 7 tháng thực hiện đã tăng thu thuế thu nhập cá nhân là 138,5 tỷ đồng, lệ phí trước bạ tăng 34,5 tỷ đồng. Điển hình là riêng Chi cục Thuế TP. Quy Nhơn đã tăng thu 90 tỷ đồng.
Cổng giao tiếp có chức năng là kênh thông tin vừa là công cụ để thực hiện mô hình quản lý thuế mở, kết nối với NNT đồng thời lấy NNT làm trung tâm và phục vụ tối đa lợi ích NNT, qua đó tăng cường hiệu lực hiệu quả công tác quản lý thuế trên nền tảng số.
Cổng giao tiếp của Cục Thuế Bình Định có 5 chuyên mục: vinh danh NNT; công khai; hỏi-đáp; liên kết và dịch vụ công. Đặc biệt, Cổng giao tiếp có thiết kế công cụ Chat kết nối với nền tảng xã hội của Cục Thuế như Zalo, Messenger có thể hỗ trợ NNT mọi nơi mọi lúc 24/7.
Số lượng người truy cập tại Cổng Biditax.vn từ tháng 5/2022 đến tháng 5/2023 là 310.000 lượt, bình quân lượng truy cập năm 2022 là 10.000 lượt/tháng, năm 2023 là 46.000 lượt/tháng, tăng 3,6 lần so với 2022.
Khảo sát mức độ hài lòng của NNT đối với dịch vụ công của Cục Thuế Bình Định trên Cổng: NNT đánh giá hài lòng và rất hài lòng là 97%.
Hoàn thiện mô hình quản lý thuế hiện đại phục vụ người nộp thuế
Theo Cục Thuế Bình Định, để phát huy hết chức năng của Cổng giao tiếp, đơn vị sẽ hoàn thiện và khắc phục điểm còn hạn chế về mặt kỹ thuật; đồng thời đẩy mạnh công tác tuyên truyền về vai trò chức năng của Cổng giao tiếp và kịp thời mở các chuyên mục mới có tính thời sự phục vụ NNT kê khai thuế và công tác quản lý thuế.
Ngành Thuế sử dụng đa kênh hỗ trợ người nộp thuế. |
Thời gian tới, Cổng giao tiếp sẽ phát huy đối với quản lý thuế lĩnh vực kinh doanh ô tô xe máy và hứa hẹn sẽ tăng thu thuế thu nhập doanh nghiệp nhờ công khai tỷ suất lợi nhuận bình quân của doanh nghiệp theo ngành năm 2022.
Theo ông Nguyễn Đẩu - Cục trưởng Cục Thuế Bình Định, Cổng giao tiếp điện tử với người nộp thuế, được ví như “mảnh ghép” cuối cùng hoàn thiện mô hình quản lý thuế phục vụ NNT, cho phép cơ quan thuế thực hiện chức năng hỗ trợ, cảnh báo, công khai, đối thoại và tiếp nhận phản hồi một cách nhanh nhất, thiết thực và hiệu quả nhất.
Trong đó, chuyên mục hỏi đáp chính sách thuế, hỗ trợ người nộp thuế trực tiếp và liên tục 24/7 kể cả hình thức chat qua zalo, Facebook thông qua điện thoại di động.
Chuyên mục công khai đăng tải các thông tin liên quan đến hộ kinh doanh, doanh nghiệp; mức thuế, tỷ suất lợi nhuận/doanh thu bình quân của từng ngành nghề, lĩnh vực cụ thể; bảng giá bất động sản tham chiếu; doanh nghiệp dây dưa nợ thuế; doanh nghiệp có sai phạm trong chấp hành pháp luật thuế…
Chuyên mục chính sách liên tục cập nhật, thông tin kịp thời các chính sách mới trên lĩnh vực thuế. Chuyên mục tôn vinh doanh nghiệp đăng tải các thông tin về người nộp thuế chấp hành tốt pháp luật thuế và nghĩa vụ thuế, được các cấp quyết định khen thưởng hàng năm và đột xuất.
Cổng giao tiếp điện tử với người nộp thuế mở ra không gian quản lý mới: “Quản lý mở, công khai toàn bộ", nhằm huy động toàn dân, doanh nghiệp, hộ kinh doanh, các cấp, các ngành, tổ chức, cá nhân cùng tham gia quản lý thuế với cơ quan thuế, tạo cơ chế cùng giám sát chéo trong công tác quản lý, từ đó nâng cao tính minh bạch, công khai các vấn đề liên quan đến lĩnh vực thuế trên địa bàn tỉnh./.
Cơ quan thuế hỗ trợ NNT nhanh nhất, thiết thực, hiệu quả Theo ông Nguyễn Đẩu - Cục trưởng Cục Thuế Bình Định, Cổng giao tiếp điện tử với người nộp thuế, được ví như “mảnh ghép” cuối cùng hoàn thiện mô hình quản lý thuế phục vụ NNT, cho phép cơ quan thuế thực hiện chức năng hỗ trợ, cảnh báo, công khai, đối thoại và tiếp nhận phản hồi một cách nhanh nhất, thiết thực và hiệu quả nhất. |