Nông nghiệp xuất siêu gần 6,3 tỷ USD trong 7 tháng

Theo Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) Phùng Đức Tiến, những tháng vừa qua, ngành nông nghiệp đối mặt với nhiều khó khăn, đặc biệt thị trường xuất khẩu (XK) có nhiều biến động do lạm phát xảy ra ở nhiều nước trên thế giới, tỷ giá Euro/USD giảm. Tuy nhiên, XK nông sản, thủy sản vẫn tăng mạnh với thặng dư thương mại 7 tháng đầu năm tăng gần 2 lần so với cùng kỳ năm ngoái.

Cũng theo số liệu từ bộ này, 7 tháng đầu năm, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu nông lâm thủy sản ước đạt khoảng 58,3 tỷ USD, tăng 7,2% so với 7 tháng năm 2021. Trong đó, XK đạt khoảng 32,3 tỷ USD, tăng 12,2% so với cùng kỳ năm trước; nhập khẩu (NK) ước khoảng 26 tỷ USD, tăng 1,6%. Như vậy, về cán cân xuất nhập khẩu, toàn ngành xuất siêu gần 6,3 tỷ USD trong 7 tháng năm 2022, tăng gần 2 lần so với cùng kỳ năm trước. Đặc biệt, trong 7 tháng đã có 4 sản phẩm/nhóm sản phẩm có giá trị XK đạt trên 2 tỷ USD là cà phê, gạo, tôm, sản phẩm gỗ.

Bất chấp khó khăn, ngành nông nghiệp đạt nhiều kết quả khả quan. Ảnh: Khánh Linh
Bất chấp khó khăn, ngành nông nghiệp đạt nhiều kết quả khả quan. Ảnh: Khánh Linh

Ông Phùng Đức Tiến nhấn mạnh, đạt kết quả trên do các cơ quan chức năng của Bộ NN&PTNT như Cục Thú y, Cục Chăn nuôi… tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động hợp tác song phương, đa phương, mở cửa thị trường. Điển hình, các đơn vị đã tích cực phối hợp triển khai các giải pháp thúc đẩy nhanh vấn đề khai thông XK chính ngạch sản phẩm tổ yến, các sản phẩm từ yến, sữa và các sản phẩm từ sữa… sang các thị trường tiềm năng, nhất là thị trường Trung Quốc. Cùng với đó, sau một thời gian đàm phán, đến nay, sầu riêng Việt Nam cũng đã được XK chính ngạch sang Trung Quốc; trái chanh leo cũng được đồng ý XK chính ngạch thí điểm. Không những vậy, một số sản phẩm động vật của Việt Nam đã được XK chính ngạch sang nhiều thị trường khác như thịt gà chế biến XK sang 7 nước và vùng lãnh thổ; thịt lợn sữa, lợn choai, lợn mảnh, trứng gia cầm... cũng đã được XK sang một số thị trường.

Bên cạnh tích cực đàm phán mở rộng thị trường, Bộ NN&PTNT đã tăng cường phổ biến tuyên truyền cho doanh nghiệp và người dân về những điều khoản quy định XK các mặt hàng nông, lâm, thủy sản; cập nhật, phổ biến thường xuyên những thay đổi về quy định nhập khẩu của các nước, đặc biệt là thị trường Trung Quốc. Theo ông Nguyễn Văn Long - Quyền Cục trưởng Cục Thú y, từ đầu năm đến nay, Cục Thú y cũng đã hỗ trợ 9 doanh nghiệp có sản phẩm động vật XK sang Hàn Quốc chuẩn bị hồ sơ đánh giá từ xa theo yêu cầu của Hàn Quốc. Cục đang hỗ trợ các công ty sữa có nhu cầu XK sang Trung Quốc theo quy định mới của Lệnh 248 và Lệnh 249 của Trung Quốc. Hiện nay, đã có 8 doanh nghiệp Việt Nam với 12 nhà máy sản xuất sữa đã được Trung Quốc cấp mã số XK sữa vào thị trường này.

Nguồn: Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Biểu đồ: Thủy Tiên
Nguồn: Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Biểu đồ: Thủy Tiên

Ngoài ra, trong tháng 7/2022 Bộ NN&PTNT đã tổ chức Hội nghị “Triển khai Kế hoạch thực hiện Hiệp định RCEP”; phối hợp với cơ quan Thương vụ Việt Nam, Tham tán Nông nghiệp xây dựng kế hoạch tổ chức các hội nghị trực tuyến kết nối ngành hàng nông sản với hiệp hội, doanh nghiệp các nước khối EU, Trung Quốc, Nhật Bản. Trong tháng, đã tổng hợp được 40 thông báo dự thảo quy định về SPS; đã xử lý 14 cảnh báo của EU.

Hướng tới hoàn thiện chuỗi sản xuất

Để đảm bảo kế hoạch tăng trưởng của ngành, đồng thời góp phần đảm bảo an ninh lương thực quốc gia, Bộ NN&PTNT cho biết, trong tháng 8/2022 ngành NN&PTNT tiếp tục theo dõi, khảo sát nắm bắt và tổng hợp thông tin, số liệu về giá cả, tình hình sản xuất, nguồn cung các mặt hàng nông sản tại các địa phương và tăng cường hỗ trợ kết nối, thúc đẩy chế biến, tiêu thụ trong nước và XK, đặc biệt tại các cửa khẩu.

Đồng thời, Bộ tiếp tục triển khai chương trình hợp tác chuyển đổi số, kết nối tiêu thụ nông sản cho doanh nghiệp nhỏ và vừa, hợp tác xã, hộ kinh doanh; phối hợp tổ chức thực hiện các diễn đàn 970 hỗ trợ kết nối tiêu thụ nông sản. Trong các hoạt động đối ngoại, Bộ sẽ đẩy mạnh hoạt động hợp tác song phương, đa phương, mở cửa thị trường nông sản với các nước; kịp thời cung cấp các thông tin, các quy định thị trường, kiểm soát xuất nhập khẩu Việt Nam - Trung Quốc.

Việt Nam có thể đảm bảo tốt vấn đề an ninh lương thực

Trong khi nhiều quốc gia đang phải tìm cách ứng phó để đảm bảo an ninh lương thực thì Việt Nam nhờ cơ bản kiểm soát được dịch bệnh Covid-19 trong nước, sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản tiếp tục đạt kết quả tốt.

Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) Phùng Đức Tiến thông tin, trong các diễn đàn doanh nghiệp, Cao ủy Nông nghiệp Châu Âu liên tiếp phát các thông tin cảnh báo về an ninh lương thực, cho thấy vấn đề an ninh lương thực đang là vấn đề nóng được Cao ủy Nông nghiệp Châu Âu và cả thế giới quan tâm. Trong nước, Bộ NN&PTNT đang tập trung đẩy mạnh chỉ đạo để đảm bảo các mục tiêu kế hoạch năm 2022, tạo đà cho tăng trưởng năm 2023. Cụ thể, trong 7 tháng đầu năm 2022, riêng về sản lượng lúa gạo, Bộ đang thúc đẩy để đạt được 43 triệu tấn. Với số lượng này, ngành nông nghiệp hoàn toàn đảm bảo cung ứng cho 98 triệu dân (khoảng 14 triệu tấn gạo); ngoài ra còn dành cho chế biến 7,5 triệu tấn; giống: 1 triệu tấn; chăn nuôi: 3,4 triệu tấn; dự trữ: 3 triệu tấn; còn dư để XK khoảng 6,5-6,7 triệu tấn gạo.

Về chăn nuôi, hết tháng 7 đàn lợn tăng trưởng 4,8%; đàn gia cầm tăng 1,6%; đàn bò tăng 2,6%; trứng đạt 18,4 tỷ quả; sữa 7 tháng đạt xấp xỉ 620 nghìn tấn. Về thủy sản, năm nay Việt Nam có thể đạt sản lượng 8,5-8,6 triệu tấn. Thời gian gần đây giá dầu giảm bà con ngư dân đã vươn khơi bám biển, XK thủy sản chắc chắn đạt trên 10 tỷ USD.

Từ kết quả sản xuất nêu trên, ông Phùng Đức Tiến tin tưởng trong bối cảnh thế giới đầy biến động, rủi ro về dịch bệnh, lạm phát tăng cao, các nền kinh tế lớn cũng gặp nhiều thách thức, nhưng Việt Nam có thể đảm bảo tốt vấn đề an ninh lương thực.

Trước tình trạng giá vật tư đầu vào phục vụ sản xuất lương thực, thực phẩm tăng cao, ngành nông nghiệp đẩy mạnh khuyến cáo nông dân áp dụng các quy trình sản xuất tiên tiến giảm chi phí đầu vào, thúc đẩy sản xuất nông nghiệp tuần hoàn, gia tăng sử dụng phế phụ phẩm trong nông nghiệp nhằm nâng cao hiệu quả sản xuất. Đặc biệt là đổi mới tư duy sản xuất, đó là chuyển từ tư duy sản xuất nông nghiệp sang tư duy làm kinh tế nông nghiệp; tập trung vào nâng cao giá trị, hiệu quả, đa dạng theo chuỗi giá trị phù hợp với yêu cầu của thị trường

Theo Cục Bảo vệ thực vật (Bộ NN&PTNT), mỗi thị trường XK khác nhau có những hàng rào kỹ thuật khác nhau, những sản phẩm nông sản XK đều có mã số vùng trồng, chỉ dẫn địa lý, canh tác theo tiêu chuẩn, đảm bảo hàng rào kỹ thuật... nhưng nhìn chung xu hướng các thị trường đều khuyến khích canh tác bằng phân hữu cơ, sản xuất sạch.

Để tận dụng cơ hội khi Việt Nam hội nhập, đặc biệt trong bối cảnh cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4 diễn ra mạnh mẽ, các chuyên gia, doanh nghiệp cho rằng, nông sản Việt cần tiếp tục hoàn thiện chuỗi sản xuất cùng với việc nâng cao chất lượng, khả năng truy xuất nguồn gốc sản phẩm.