Đà Nẵng: Ban hành kế hoạch công tác phòng, chống tác hại của rượu, bia
Đà Nẵng phấn đấu giảm 10% tỷ lệ uống rượu, bia ở mức có hại ở người trưởng thành.

Theo đó, trong năm 2022, 100% cơ quan, đơn vị ban hành kế hoạch triển khai thi hành Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia; 80% dân cư trong cộng đồng được tiếp cận thông tin, giáo dục, truyền thông về Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia, đặc biệt là những bệnh lý phát sinh hoặc bệnh lý tăng nặng do lạm dụng rượu, bia; 50% dân cư trong cộng đồng có nhận thức đúng về vấn đề này và tăng dần tỷ lệ trong các năm tiếp theo.

Đến năm 2025, 100% dân cư trong cộng đồng được tiếp cận thông tin, giáo dục, truyền thông về Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia, đặc biệt là những bệnh lý phát sinh hoặc bệnh lý tăng nặng do lạm dụng rượu, bia và 70% dân cư trong cộng đồng có nhận thức đúng về vấn đề này.

Đồng thời, giảm 10% tỷ lệ uống rượu, bia ở mức có hại ở người trưởng thành so với năm 2015. Mỗi năm phát hiện sớm qua sàng lọc, đánh giá nguy cơ và can thiệp tại cộng đồng, các cơ sở chăm sóc sức khỏe ban đầu cho 20% trên tổng số người uống rượu, bia mức nguy hại.

Ngoài ra, 30% số người nghiện rượu, bia được khám sàng lọc phát hiện sớm và được tư vấn, điều trị cai nghiện và tái nghiện tại cộng đồng, đến năm 2030 tỷ lệ tương ứng là 50%.

Bên cạnh đó, 20% số người nghiện rượu, bia được điều trị bệnh mãn tính phát sinh có liên quan đến rượu, bia; đến năm 2030, tỷ lệ tương ứng là 40% và tăng dần tỷ lệ trong các năm tiếp theo; 100% cán bộ y tế chuyên trách được tập huấn, nâng cao năng lực chuyên môn về phát hiện sớm, tư vấn, can thiệp giảm tác hại, điều trị hướng dẫn cai nghiện.