Phóng viên tác nghiệp bên lề kỳ họp Quốc hội. Ảnh: Đức Minh

Phóng viên tác nghiệp bên lề kỳ họp Quốc hội. Ảnh: Đức Minh

Báo chí chính là cầu nối giữa QH với nhân dân. Các phóng viên nghị trường dịp này thường hết sức vất vả nhưng không quản ngại, mỗi cơ quan báo chí với mục tiêu riêng, đã liên tục mang đến cho bạn đọc các góc nhìn khác nhau từ nghị trường. Nhân dịp 94 năm Ngày Báo chí cách mạng Việt Nam, một số đại biểu QH (ĐBQH) đã chia sẻ và gửi gắm tới báo chí điều mình kỳ vọng, với cùng một mục đích chung, vì sự phát triển của báo chí Việt Nam hiện đại, đồng hành cùng sự phát triển của đất nước. ĐBQH mong báo chí tiếp tục dấn thân, chống tham nhũng, lãng phí.

* ĐB Đỗ Văn Sinh, Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội:

Góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế

ĐB Đỗ Văn Sinh
ĐB Đỗ Văn Sinh

Báo chí là kênh thông tin quan trọng, hữu ích đối với tất cả các hoạt động của đời sống xã hội. Báo chí đã phản ánh trực tiếp, kịp thời, nhanh nhạy và chính xác hơi thở của cuộc sống, đặc biệt sát với yêu cầu của người dân trên tất cả các lĩnh vực.

Đặc biệt trong lĩnh vực kinh tế, báo chí đã góp phần không nhỏ thúc đẩy phát triển kinh tế của đất nước ta trong thời gian qua. Báo chí với vai trò của mình, có thể định hướng, dẫn dắt thị trường, phổ biến các kinh nghiệm thành công hay thất bại trong sản xuất kinh doanh, những tiến bộ khoa học kỹ thuật mới, giải pháp tiết kiệm chi phí cho người dân và doanh nghiệp… Ví dụ như những phản ánh của báo chí gần đây về cắt giảm điều kiện đầu tư kinh doanh cho các doanh nghiệp của các bộ, ngành. Dưới “sức ép” của báo chí, các bộ, ngành đã cắt giảm hàng nghìn điều kiện, tháo gỡ khó khăn, tiết kiệm chi phí cho doanh nghiệp và nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia. Được biết, đây vẫn là mục tiêu ưu tiên của Chính phủ trong thời gian tới, bên cạnh nỗ lực của Chính phủ, có công lớn của báo chí trong công tác tuyên truyền.

Tuy nhiên, trong nền kinh tế thị trường, báo chí cũng có thể gây ra những mặt trái tác động đến tiêu dùng, doanh nghiệp và người dân. Do đó, cần nâng cao hơn nữa trách nhiệm xã hội, nâng cao nghề nghiệp chuyên môn và đạo đức của người làm báo, tránh hiện tượng “con sâu làm rầu nồi canh”.

Nhắc tới báo chí không thể không nhắc đến việc báo chí đã góp phần tích cực phản ánh và chống các vấn đề tiêu cực của xã hội, như phòng chống tham nhũng, tệ nạn xã hội, hách dịch cửa quyền… Trong công tác đấu tranh chống tiêu cực, chống lợi ích nhóm, rất cần sự đồng hành của các cơ quan báo chí. Báo chí thời gian qua đã làm tốt chức năng này của mình, tuy nhiên, tôi mong trong thời gian tới báo chí tiếp tục phát huy thế mạnh để cùng với dân tộc, cùng đất nước phát triển mạnh mẽ hơn nữa.

Trong thời đại hiện nay với sự phát triển của công nghệ nhanh, mạnh, vai trò và vị thế, trách nhiệm của báo chí càng phải ở tầm cao mới. Đồng thời, cần nâng cao hơn nữa trách nhiệm nhà báo, đạo đức của người làm báo. Báo chí cần phản ánh đa chiều theo xu hướng tích cực và xây dựng trên tất cả các lĩnh vực, kể cả công tác xây dựng pháp luật cũng như trong tổ chức thực hiện và phản ánh các vấn đề khác được dư luận xã hội quan tâm.

* ĐB Nguyễn Văn Hòa, Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Tháp:

Không có gì phải “ngại” báo chí

ĐB Nguyễn Văn Hòa
ĐB Nguyễn Văn Hòa

Nhắc đến vai trò của báo chí, không thể không nhắc đến vai trò là cầu nối, thông tin đa chiều về đời sống xã hội của báo chí đến QH, cử tri và đồng bào nhân dân cả nước. Những nhà báo, biên tập viên đã lăn xả ở hiện trường, phỏng vấn, xác minh, tìm hiểu nội dung cử tri phản ánh rất trung thực, khách quan, cặn kẽ. Vì vậy, những vấn đề báo chí đưa ra được cử tri và các đại biểu QH rất đồng tình, ủng hộ. Đặc biệt, báo chí đã góp phần quan trọng khi tham gia phanh phui những vụ tiêu cực, tham nhũng, lãng phí. Tôi đánh giá cao đối với công tác đấu tranh chống tham nhũng của báo chí. Từ những thông tin ban đầu của báo chí, các cơ quan chức năng như kiểm toán, thanh tra, ủy ban kiểm tra của Đảng đã vào cuộc, sau đó giải quyết đến nơi đến chốn.

Là đại biểu dân cử, tôi rất tin tưởng kênh thông tin của báo chí, cũng như sẵn sàng trao đổi, không có gì phải e dè hay ái ngại, bởi qua đó, sẽ tuyền tải được những vấn đề mà cử tri quan tâm. Tôi cho rằng, các cơ quan, đơn vị, địa phương nên sẵn sàng trao đổi, cung cấp thông tin cho báo chí theo quy định của pháp luật trên tinh thần chia sẻ, khách quan, trung thực. Không có vấn đề gì phải giấu giếm cả, càng giấu giếm, bưng bít thông tin thì người ta sẽ hiểu cơ quan đó bất hợp tác với báo chí.

Chúng ta đã có Luật Báo chí, khi tác nghiệp, báo chí có những quyền được pháp luật quy định. Do đó, nếu có cơ quan, hay cá nhân có hành vi cản trở báo chí tác nghiệp, kể cả cung cấp thông tin không đúng sự thật thì phải xử lý nghiêm minh. Khi không cung cấp thông tin cho báo chí cũng phải xem xét trách nhiệm tại sao lại né tránh, tại sao lại không có sự hợp tác với báo chí.

* ĐB Dương Trung Quốc (Đồng Nai):

Muốn có đội ngũ “nghị sĩ” làm báo để giám sát đến cùng sự việc

ĐB Dương Trung Quốc
ĐB Dương Trung Quốc

Không chỉ mình là người làm báo mới nhận ra được vai trò của báo chí quan trọng như thế nào, mà báo chí đã được xã hội thừa nhận, ngay trong QH cũng khẳng định vai trò, tầm quan trọng của báo chí.

Lâu nay chúng ta chỉ quan tâm đến chất lượng báo chí qua số người đọc, điều đó rất quan trọng, nhưng quan trọng hơn là nó tác động gì đến đời sống xã hội, từ nội dung nghiệp vụ của người làm báo, cần có phương thức để cân đong đo đếm được. Do đó, tôi nghĩ rằng, bên cạnh việc tôn vinh thì phê bình cũng rất đáng trân trọng.

Hiện nay, trong chừng mực nào đó như là một nghịch lý, đó là cơ quan giám sát không hiệu quả bằng chính sự giám sát của nhân dân thông qua báo chí. Từ phát hiện tiêu cực, đấu tranh chống tham nhũng, lãng phí đều có vai trò của báo chí. Vấn đề là phải đi đến cùng sự việc sau khi báo chí phát hiện, điều tôi muốn nhắc đến đó là, sự giám sát của báo chí phải được nối dài bằng quyền lực của Nhà nước.

Kể từ nhiệm kỳ năm trước, tôi đã gợi ý anh em làm báo tham gia QH. Tôi muốn có một bộ phận nhóm nghị sỹ QH làm báo. Họ sẽ theo dõi các câu chuyện hàng ngày trên các phương tiện thông tin đại chúng và sẽ theo sát các vụ việc để xem được giải quyết đến đâu, hỗ trợ để đi đến cùng của chức năng giám sát. Phải làm sao cho các cơ quan giám sát nhà nước như QH, hội đồng nhân dân cùng đồng hành báo chí, bằng quyền lực của mình hỗ trợ báo chí, không những bảo vệ, khích lệ báo chí mà đi đến cùng sự việc ấy.

Thỉnh thoảng có anh em báo chí đưa tôi hồ sơ báo chí để đi đến cùng sự việc với tư cách người có chức năng giám sát, tôi thấy hiệu quả rất tốt. Tuy nhiên, tôi cho rằng việc giám sát báo chí, phải mang ý nghĩa hỗ trợ chứ không phải là giám sát để làm cho đúng. Với những hành vi ngăn cản báo chí, các cơ quan pháp luật phải vào cuộc.

Ngoài chức năng giám sát, nhắc đến vai trò của báo chí, các lãnh đạo Đảng, Nhà nước đều thừa nhận vai trò của báo chí trong đấu tranh phòng, chống tham nhũng. Có thể thấy rằng, nếu không có báo chí, thì các cơ quan chức năng vẫn sẽ làm việc của mình, nhưng rõ ràng là tính quảng bá, tính năng động, nhạy bén, không thể bằng khi có sự tham gia của báo chí.

* ĐB Bùi Sỹ Lợi - Phó Chủ nhiệm Ủy ban về Các vấn đề xã hội:

Báo chí mang đến “bức tranh” toàn cảnh về xã hội

ĐB Bùi Sỹ Lợi
ĐB Bùi Sỹ Lợi

Với vai trò truyền thông cho xã hội, báo chí đã luôn kề vai, sát cánh với các cơ quan, tổ chức. Báo chí không chỉ tuyên truyền những điển hình tiên tiến mà còn phản ánh, phát hiện những hiện tượng tiêu cực của xã hội, từ đó, được các cơ quan chức năng nghiên cứu, xem xét. Có những vụ việc, từ dư luận xã hội, thông qua báo chí, các cơ quan chức năng đã phát hiện ra những sai phạm, tham nhũng. Như vậy, có thể thấy rằng, báo chí có vai trò rất tích cực trong công cuộc đổi mới, xây dựng đất nước. Báo chí đã phản ánh sinh động cuộc sống, đáp ứng thông tin cho xã hội và người dân.

Điều tôi muốn nói đến, báo chí không chỉ tập trung ở đô thị, trung du, đồng bằng, mà đã có mặt trên tất cả các tuyến biên giới của cả nước, gắn bó với cơ sở là điều hết sức đáng trân trọng. Nói cách khác, báo chí đã phác họa một bức tranh tổng thể về mọi miền đất nước, kể cả đồng bào dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa, đối tượng người nghèo, những người yếu thế trong xã hội.

Tôi rất ấn tượng khi báo chí đã tham gia vào các hoạt động từ thiện nhân đạo. Qua thông tin các hoạt động của xã hội, đời sống nhân dân, nhiều cơ quan báo chí đã kêu gọi các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp, người dân ủng hộ những hoàn cảnh khó khăn, hiểm nghèo và chính cơ quan báo chí cũng làm từ thiện nhân đạo. Đây là một nét đẹp mà nhiều cơ quan báo chí đang đeo đuổi, cần được nhân rộng. Những đóng góp đối với xã hội của báo chí là không nhỏ, tuy nhiên, chúng ta cũng phải thẳng thắn với nhau rằng, vẫn còn một số cơ quan báo chí đưa thông tin chưa được kiểm duyệt, thiếu chính xác, dẫn tới những tác động không tốt.

Tôi cho rằng, thời gian tới, báo chí nên tận tâm hơn trong việc đánh giá những mặt tích cực của đời sống xã hội, nhân lên các tấm gương đẹp của cuộc sống, cùng với đó, các nhà báo với ngòi bút sắc, tiếp tục dấn thân, tham gia vào công cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí, đấu tranh với các tiêu cực trong xã hội để nhân lên cái tốt, xóa dần cái xấu. Pháp luật và quan điểm của Đảng đã quy định không có vùng cấm và báo chí là một trong những công cụ tham gia vào công cuộc này. Tất nhiên, cũng có những vụ việc chưa thể thông tin ngay cho báo chí vì có thể đang trong quá trình điều tra, chưa rõ nguyên nhân hoặc chưa có kết luận. Với những vấn đề nào đã rõ, báo chí đều có quyền thông tin và các cơ quan, đơn vị không được giấu giếm báo chí.

* ĐB Trương Minh Hoàng - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật:

Đấu tranh chống tiêu cực, nhà báo phải mạo hiểm

ĐB Trương Minh Hoàng
ĐB Trương Minh Hoàng

Với công việc chuyên môn và hoạt động của mình, tôi không thể thiếu báo chí. Tôi thường xem các thông tin được đăng tải trên các loại hình báo chí từ báo giấy, báo hình, báo nói đến báo điện tử. Ở nhiều lĩnh vực và góc độ, báo chí có vai trò rất quan trọng. Báo chí đã phản ánh trung thực những mặt tích cực của cuộc sống, gương người tốt, việc tốt, giáo dục đạo đức, nếp sống… Báo chí cũng tham gia đấu tranh các vụ việc tiêu cực, tham ô, tệ nạn xã hội, chống ô nhiễm môi trường… thời gian qua rất hiệu quả. Tuy nhiên, tôi cho rằng, bên cạnh những mặt được, vẫn còn vài “con sâu làm rầu nồi canh”, làm ảnh hưởng ít nhiều đến uy tín của báo chí. Những trường hợp như vậy, tôi nghĩ, ở lĩnh vực nào cũng có chứ không riêng gì báo chí.

Theo tôi, với vai trò và trách nhiệm của mình, những người đứng đầu các cơ quan chức năng phải tạo điều kiện thuận lợi cho nhà báo tác nghiệp, thực hiện đúng Luật Báo chí. Tôi vẫn thường nghe đâu đó phàn nàn rằng, báo chí tiếp cận thông tin cũng như gặp vị này, vị kia rất khó khăn. Trong đấu tranh chống tiêu cực, tệ nạn xã hội, phóng viên phải mạo hiểm xâm nhập các ổ tệ nạn, nhóm hoạt động xã hội đen… là hết sức nguy hiểm.

Tôi mong muốn báo chí được thuận lợi tiếp cận các nguồn tin để phản ánh đến nơi, đến chốn, tạo dư luận chung trong xã hội giúp nhân lên cái tốt, loại bỏ cái xấu. Tuy nhiên, vẫn còn hiện tượng có cơ quan, đơn vị bưng bít thông tin. Trừ những trường hợp pháp luật quy định chưa cung cấp thông tin, như những vụ trọng án đang điều tra, còn lại, các cơ quan nên sẵn sàng hợp tác, cung cấp thông tin cho báo chí, nhất là chống các hiện tượng tiêu cực, tuyên truyền giáo dục pháp luật… Tôi cho rằng, các cơ quan chức năng và kể cả cơ quan báo chí phải thực hiện đúng Luật Báo chí để hỗ trợ lẫn nhau, để người đọc có được những thông tin tốt nhất trên mọi mặt của đời sống xã hội.

Minh Anh - Duy Thái (thực hiện)