Đảm bảo an toàn thông suốt hệ thống công nghệ thông tin ngành Tài chính
Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc phát biểu chỉ đạo hội nghị. Ảnh: Đức Minh

Sắp có cổng kê khai thuế riêng cho kinh doanh thương mại điện tử

Theo báo cáo phát ra tại hội nghị, tổng thu ngân sách nhà nước 7 tháng năm 2024 ước đạt 1.188,1 nghìn tỷ đồng, bằng 69,8% dự toán, tăng 14,6% so cùng kỳ năm 2023 (thu ngân sách trung ương ước đạt khoảng 74,7% dự toán; thu ngân sách địa phương ước đạt khoảng 65% dự toán).

7 tháng, thu nội địa ước đạt 995 nghìn tỷ đồng

Trong 7 tháng năm 2024, thu nội địa ước đạt 995 nghìn tỷ đồng, bằng 68,9% dự toán, tăng 15,8% so cùng kỳ năm 2023. Thu từ dầu thô ước đạt khoảng 34,4 nghìn tỷ đồng, bằng 74,7% dự toán, giảm 2,7% so với cùng kỳ năm 2023. Thu cân đối từ hoạt động xuất nhập khẩu ước đạt 158,5 nghìn tỷ đồng, bằng 77,7% dự toán, tăng 11,7% so với cùng kỳ năm 2023.

Chia sẻ về công tác thu tại hội nghị, ông Mai Xuân Thành – Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế cho hay, 7 tháng năm 2024, tổng thu ngân sách nhà nước do cơ quan thuế quản lý ước đạt 68,6% so với dự toán pháp lệnh, bằng 114,9% so với cùng kỳ. Số thu đạt khá chủ yếu tập trung tại các khoản thu thuế thu nhập doanh nghiệp, lợi nhuận chênh lệch của các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh và khối các công ty xổ số,...

Cũng theo số liệu của ngành Thuế, có 26/63 địa phương có tiến độ thực hiện dự toán đạt khá (trên 65%); còn 37/63 địa phương có tiến độ thu dưới 65%.

Lãnh đạo Tổng cục Thuế cho biết, bên cạnh những nỗ lực từ các hoạt động nghiệp vụ, việc ứng dụng công nghệ thông tin của ngành Thuế đem lại nhiều hiệu quả chống thất thu, tăng thu cho ngành.

Cùng với các cổng thông tin đang hoạt động, Tổng cục Thuế đang chuẩn bị thí điểm cổng kê khai riêng dành cho đối tượng kinh doanh thương mại điện tử. Trong quá trình này sẽ hoàn thiện quy trình chuẩn trong quản lý thương mại điện tử.

Tổng cục Thuế sẽ trình Bộ Tài chính ký văn bản gửi Bí thư các tỉnh, trong đó kiến nghị để cơ quan Thuế đóng tại địa phương tham mưu với tỉnh, thành phố về các giải pháp chống thất thu mảng thương mại điện tử.

Tổng cục Thuế cũng đã có thư gửi cho cộng đồng kinh doanh thương mại điện tử để hướng dẫn cách thức kê khai, nộp thuế. “Trường hợp tuyên truyền, hướng dẫn rồi mà vẫn vi phạm thì sẽ xử lý” – ông Mai Xuân Thành nhấn mạnh.

Về quản lý hải quan, theo ông Nguyễn Văn Thọ - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan, thương mại những tháng qua có nhiều điểm tích cực.

7 tháng năm 2024, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu cả nước đạt 440 tỷ USD, tăng 17% so với cùng kỳ năm trước. Xuất siêu đạt 14,53 tỷ USD. Điều này cũng tác động tích cực tới công tác thu, giúp số thu ngành Hải quan đạt 337 nghìn tỷ đồng, đạt 63% dự toán. “Với tiến độ này, ngành Hải quan sẽ đảm bảo hoàn thành và vượt dự toán” – ông Thọ khẳng định.

Liên quan đến sự cố về Hệ thống hải quan điện tử vừa qua, lãnh đạo Tổng cục Hải quan cho hay, toàn ngành đã tập trung chỉ đạo giải quyết và cơ bản xử lý xong trong 1 ngày. Hoạt động thông quan cục bộ tại một số điểm có chút ùn tắc nhưng cơ bản vẫn giải quyết thông suốt. Vấn đề cấp bách nhất là hàng hóa, hành lý xếp lên tàu bay và phương tiện vận tải biển cũng được cơ quan hải quan kịp thời thảo luận với các cảng, các hãng vận tải để giải quyết, không làm ảnh hưởng đến tiến độ các chuyến vận chuyển.

Với thị trường chứng khoán, ông Bùi Hoàng Hải – Phó Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước nêu: Tuy thời gian qua, có một số phiên giao dịch chỉ số giảm mạnh, song tình hình vẫn đảm bảo ổn định, một số ngành vẫn có tăng trưởng. Vị này khẳng định, thị trường biến động trong một số thời điểm không phải do tình hình kinh tế trong nước mà chủ yếu do thế giới và tâm lý của nhà đầu tư. Ủy ban sẽ báo cáo kịp thời để có hướng xử lý nếu có diễn biến bất thường.

Đối với các hành vi thao túng, nửa đầu năm 2024, Ủy ban Chứng khoán nhà nước đã triển khai 9 đoàn kiểm tra các giao dịch có dấu hiệu bất thường và xử lý rất nghiêm các hành vi vi phạm.

Quán triệt tinh thần ưu tiên tạo thuận lợi cho doanh nghiệp

Một số đơn vị cũng nêu vấn đề thảo luận tại hội nghị xung quanh việc thực hiện kế hoạch xây dựng hoàn thiện chính sách pháp luật; tiến độ sửa một số luật thuế quan trọng; tiến độ giải ngân vốn đầu tư công; định hướng một số chính sách hỗ trợ doanh nghiệp thời gian tới cũng như tiến độ xây dựng dự toán ngân sách nhà nước năm 2025.

Phát biểu kết luận hội nghị, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc nhấn mạnh một số điểm trọng tâm cần thực hiện trong những tháng cuối năm 2024.

Trước tiên là hoàn thiện pháp luật. Bộ trưởng yêu cầu việc sửa đổi, bổ sung các luật trong phạm vi của Bộ Tài chính phải đảm bảo bao trùm hết các mảng lĩnh vực đang phát sinh vướng mắc, cần phải thay đổi. Với những luật, văn bản do bộ, ngành khác quản lý, đề xuất sửa những nội dung có liên quan đến Bộ Tài chính, các đơn vị cũng phải tập trung tham gia một cách có trách nhiệm, hiệu quả, tránh sửa rồi vẫn vướng.

Người đứng đầu ngành Tài chính cũng yêu cầu các đơn vị đặc biệt quan tâm đến công nghệ thông tin, nhất là Tổng cục Thuế, Tổng cục Hải quan và Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, bởi đây là 3 lĩnh vực trọng yếu, liên quan đến toàn bộ nền kinh tế chứ không riêng 1 bộ 1 ngành.

“Phải tập trung xây dựng dự phòng, dự kiến đến tình huống thấp nhất, khó khăn nhất để xây dựng hệ thống công nghệ thông tin phù hợp” – Bộ trưởng yêu cầu.

Bộ trưởng cũng nêu quan điểm điều hành chính sách tài khóa dần theo hướng trở lại bình thường sau nhiều năm mở rộng để hỗ trợ nền kinh tế phục hồi sau đại dịch Covid-19.

Những công tác khác, lãnh đạo Bộ Tài chính lưu ý các đơn vị chuyên môn quán triệt tinh thần là ưu tiên tạo thuận lợi cho hoạt động của doanh nghiệp. “Cái gì trong thẩm quyền thì phải giải quyết ngay, hết trách nhiệm, cái gì vượt thì báo cáo cấp trên tháo gỡ” – Bộ trưởng Hồ Đức Phớc nói.

Cân đối ngân sách từ trung ương đến địa phương được đảm bảo

Theo thống kê của Bộ Tài chính, tổng chi cân đối ngân sách nhà nước 7 tháng năm 2024 ước đạt 948,3 nghìn tỷ đồng, bằng 44,7% dự toán, tăng 0,6% so cùng kỳ năm 2023. Trong đó: chi đầu tư phát triển ước đạt khoảng 232,1 nghìn tỷ đồng, bằng 34,3% dự toán Quốc hội quyết định, bằng 34,68% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao, giảm 8,4% (-21,3 nghìn tỷ đồng) so cùng kỳ; chi trả nợ lãi ước đạt khoảng 63,2 nghìn tỷ đồng, bằng 56,5% dự toán, tăng 7,7% so cùng kỳ; chi thường xuyên ước đạt 652,5 nghìn tỷ đồng, bằng 51,8% dự toán, tăng 3,7% so cùng kỳ.

Cân đối ngân sách trung ương và ngân sách các cấp địa phương được đảm bảo. Tính đến ngày 25/7/2024, đã thực hiện phát hành gần 188 nghìn tỷ đồng trái phiếu chính phủ, kỳ hạn bình quân 10,9 năm, lãi suất bình quân 2,4 %/năm.

Các nhiệm vụ chi ngân sách trong 7 tháng đầu năm được thực hiện theo dự toán, đảm bảo nguồn đáp ứng kịp thời các nhiệm vụ chi đầu tư phát triển, chi trả nợ, đảm bảo quốc phòng, an ninh và hoạt động của bộ máy Nhà nước. Đồng thời, đã tăng lương tối thiểu (từ 1.800.000 đồng/tháng lên 2.340.000 đồng/tháng) cho các đối tượng hưởng lương từ ngân sách nhà nước và tăng lương hưu, trợ cấp cho các đối tượng thuộc ngân sách nhà nước đảm bảo. Bên cạnh đó, thực hiện quyết định của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Tài chính đã xuất cấp gần 16,3 nghìn tấn gạo dự trữ quốc gia để khắc phục hậu quả thiên tai, cứu trợ, cứu đói cho nhân dân trong dịp Tết Nguyên đán và giáp hạt đầu năm.