Hoàn thành vượt mức một số chỉ tiêu đề ra

Công tác phát triển người tham gia bảo hiểm xã hội (BHXH), bảo hiểm y tế (BHYT), bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) là nhiệm vụ chính trị quan trọng trong việc mở rộng độ bao phủ, tiến tới mục tiêu BHXH, BHYT toàn dân. Tính đến hết ngày 31/12/2021, số người tham gia BHXH hơn 16,5 triệu người, tăng 2,2% so với năm 2020, đạt 33,77% lực lượng lao động trong độ tuổi. Số người tham gia BHTN gần 13,4 triệu người, tăng 0,4% so với năm 2020, đạt 27,34% lực lượng lao động trong độ tuổi. Số người tham gia BHYT hơn 88,8 triệu người, tăng 0,9% so với năm 2020, đạt tỷ lệ bao phủ 91,01% dân số. Đây là một trong những chỉ tiêu quan trọng ngành đã hoàn thành trong năm 2021 theo chỉ tiêu kế hoạch Chính phủ giao. Đáng chú ý, số người tham gia BHXH tự nguyện tiếp tục tăng trưởng mạnh, là một trong những điểm sáng của ngành, được các đại biểu Quốc hội khóa XV ghi nhận, đánh giá cao. Trong năm 2021, có hơn 1,45 triệu người tham gia BHXH tự nguyện, tăng 28,9% so với cùng kỳ năm 2020, đạt 2,96% lực lượng lao động trong độ tuổi là nông dân và lao động khu vực phi chính thức, cao hơn 1,96% so với chỉ tiêu được giao tại Nghị quyết số 28-NQ/TW (năm 2021 là 1%).

Đảm bảo tốt nhất quyền lợi của người dân, doanh nghiệp

Cán bộ bảo hiểm xã hội TP. Hồ Chí Minh tuyên truyền chính sách bảo hiểm xã hội
tới người dân.

Năm qua, trong bối cảnh số lượng phục vụ ngày càng tăng, khối lượng công việc ngày càng nhiều (quản lý trên 16 triệu lao động tham gia BHXH, BHTN; trên 88 triệu người tham gia BHYT, tương tác thường xuyên với trên 90% dân số, trên 600 nghìn đơn vị, doanh nghiệp), ngành BHXH Việt Nam đã cải cách thủ tục hành chính, ứng dụng mạnh mẽ công nghệ thông tin, giao dịch điện tử trong các mảng nghiệp vụ… Ngành đã đảm bảo chi trả đầy đủ, kịp thời, an toàn cho 3,3 triệu người hưởng lương hưu, trợ cấp BHXH hàng tháng với gần 15 nghìn điểm chi trả đến cấp xã; trên 738 nghìn người hưởng trợ cấp thất nghiệp; trên 7,8 triệu lượt người hưởng chế độ trợ cấp ốm đau, thai sản, dưỡng sức phục hồi sức khỏe; 125,96 triệu lượt người khám chữa bệnh BHYT…

Bên cạnh đó, công tác hỗ trợ doanh nghiệp (DN), người dân gặp khó khăn do đại dịch Covid-19 được triển khai quyết liệt, hiệu quả, kịp thời. Thực hiện Nghị quyết số 68/NQ-CP, Quyết định số 23/2021/QĐ-TTg, chỉ sau 7 ngày, ngành BHXH đã hoàn thành việc điều chỉnh giảm mức đóng vào quỹ bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp cho 375 nghìn đơn vị, với số tiền khoảng 4.322 tỷ đồng; rút ngắn thời gian giải quyết hồ sơ từ 5 ngày còn 1 ngày làm việc. Đến hết 2021, đã giải quyết cho 851 đơn vị với 161.531 lao động tạm dừng đóng quỹ hưu trí và tử tuất với số tiền hơn 1.119,8 tỷ đồng; xác nhận danh sách cho 3.071.500 lao động của 71.142 DN để hưởng các chính sách. Thực hiện Nghị quyết số 116/NQ-CP, Quyết định số 28/2021/QĐ-TTg, trong vòng 5 ngày (đến 5/10/2021), toàn ngành đã hoàn thành gửi thông báo giảm mức đóng (1% xuống 0%) vào quỹ BHTN đến 363,6 nghìn DN với số tiền trên 7.595 tỷ đồng. Đến cuối tháng 12/2021, đã chi trả chế độ hỗ trợ cho gần 13 triệu lao động với tổng số tiền hỗ trợ là 30,73 nghìn tỷ đồng. Các thủ tục đảm bảo nhanh, đơn giản, được DN, người lao động đánh giá cao.

Nỗ lực cao nhất để hoàn thành nhiệm vụ năm 2022

Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Nguyễn Thế Mạnh cho biết, dịch Covid-19 có thể vẫn còn tiếp tục diễn biến phức tạp, nguy hiểm, khó lường, ảnh hưởng trực tiếp đến thực hiện nhiệm vụ của ngành khi thực hiện các chính sách an sinh… Thống nhất quan điểm chỉ đạo “lấy người dân, doanh nghiệp làm chủ thể, trung tâm phục vụ”, với phương châm hành động trong toàn ngành “Đoàn kết, kỷ cương, trách nhiệm, sáng tạo, linh hoạt, hiệu quả”, trong năm 2022, BHXH Việt Nam xác định, tập trung cao độ, nỗ lực cao nhất, quyết tâm hoàn thành chỉ tiêu, kế hoạch được giao; thực hiện hiệu quả công tác phòng chống dịch Covid-19.

Theo đó, BHXH Việt Nam sẽ thường xuyên rà soát, xây dựng, kịp thời phát hiện, đề xuất, kiến nghị sửa đổi những điểm bất cập, hoàn thiện chính sách, pháp luật BHXH, BHYT; tăng cường phân cấp, phân quyền, phân công rõ người, rõ việc, rõ trách nhiệm, rõ kết quả, cá thể hóa trách nhiệm và tăng cường giám sát, kiểm tra việc tổ chức thực hiện nhiệm vụ.

Ngành cũng sẽ chủ động phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành hỗ trợ kịp thời, tốt nhất cho công tác phòng chống dịch Covid-19 theo chức năng, nhiệm vụ được giao. Tích cực, chủ động tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp, người dân; thực hiện đồng bộ các giải pháp nhằm tăng cường đảm bảo an sinh xã hội, nhất là đối với người yếu thế, người dân, người lao động gặp khó khăn do đại dịch Covid-19.

Bên cạnh đó, năm 2022, ngành vẫn tiếp tục tập trung đẩy mạnh chuyển đổi số, phát huy tối đa nền tảng, nguồn lực về cán bộ, cơ sở vật chất, công nghệ thông tin trong các hoạt động quản lý, nghiệp vụ để phục vụ doanh nghiệp, người dân. Đồng thời, đổi mới hơn nữa nội dung, hình thức, phương pháp truyền thông, đảm bảo thiết thực, hiệu quả, đúng trọng tâm, trọng điểm, đa dạng, linh hoạt phù hợp với đặc điểm từng vùng miền, phong tục tập quán, truyền thống văn hóa, tâm lý từng nhóm dân cư; chú trọng phát huy ưu thế của các hình thức, phương pháp truyền thông hiện đại, đa phương tiện, trên môi trường Internet, mạng xã hội; bảo đảm người dân có thể tiếp cận tốt nhất mọi thông tin về chính sách BHXH, BHYT…

Trong năm 2022, các chỉ tiêu đối với ngành Bảo hiểm Xã hội được đề ra trong Nghị quyết số 01/NQ-CP bao gồm: tỷ lệ tham gia bảo hiểm xã hội đạt khoảng 37 - 38% lực lượng lao động trong độ tuổi; tham gia bảo hiểm thất nghiệp đạt khoảng 31% lực lượng lao động trong độ tuổi; tham gia bảo hiểm y tế đạt tỷ lệ bao phủ 92% dân số.