lao động nông thôn

Mô hình trồng dưa chuột cho năng suất cao sau học nghề. Ảnh: Bùi Tư

Tuy nhiên, trong 6 tháng đầu năm 2020, việc đào tạo chỉ dừng ở con số trên 700.000 lao động ở trình độ sơ cấp và các trình độ nghề nghiệp khác.

Điển hình cho các tỉnh đang đối mặt với khó khăn trong việc triển khai công tác dạy nghề là Điện Biên. 6 tháng đầu năm 2020, toàn tỉnh mới đào tạo nghề cho 2.114 người, đạt 26,43% kế hoạch năm. Trong đó chia theo cấp trình độ đào tạo, gồm: cao đẳng 28 người; trung cấp 41 người; sơ cấp 780 người và đào tạo dưới 3 tháng 1.265 người.

Tương tự như Điện Biên, tỉnh Bắc Ninh cũng gặp khó khăn trong triển khai dạy nghề do tác động từ dịch bệnh. Sau 6 tháng "bế tắc" không thể dạy nghề vì dịch Covid -19, đầu tháng 7 vừa qua, Trung tâm dạy nghề Hội nông dân tỉnh Bắc Ninh mới triển khai được 8 lớp dạy nghề; còn 3 lớp chưa khai giảng được.

Ông Đào Trọng Đại - Giám đốc Trung tâm Dạy nghề hỗ trợ nông dân cho biết: "Để đẩy mạnh tốc độ triển khai và hoàn thành mục tiêu, chúng tôi đã tăng cường mời thêm giáo viên cơ hữu, sắp xếp chương trình đào tạo phù hợp. Thế nhưng việc này sẽ rất khó khăn, thậm chí có nguy cơ ảnh hưởng tới chất lượng đào tạo do hạn chế thời gian, tiến độ".

Ông Đào Trọng Độ - Phó Vụ trưởng Vụ Đào tạo thường xuyên (Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp) cho biết, trong những tháng cuối năm, các địa phương cần nâng cao đào tạo kiến thức kỹ năng cho các đối tượng bị thôi việc, mất việc do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19. Đặc biệt, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đã có nhiều văn bản hướng dẫn yêu cầu các địa phương rà soát, đánh giá việc hỗ trợ cho các đối tượng này.

Tổng cục cũng đề nghị phải tăng cường việc kiểm tra giám sát việc thực hiện đào tạo nghề cho lao động nông thôn. Hiện nay tại nhiều nơi xảy ra những sai phạm trong việc tổ chức đào tạo nên các địa phương cần tăng cường giám sát việc này.

Vấn đề quan trọng nữa là tập trung tổ chức tổng kết việc thực hiện đề án đào tạo nghề lao động nông thôn trong 5 năm. Đây là căn cứ quan trọng để Tổng cục đưa ra chỉ tiêu nhiệm vụ và nguồn lực trong giai đoạn tới.

Ông Độ cho biết thêm, chỉ tiêu kế hoạch cho giai đoạn 2021- 2025 sẽ chú trọng đào tạo lại cho người lao động, đào tạo nâng cao kiến thức phục vụ chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động xây dựng nông thôn mới tương ứng với những thay đổi của công nghệ và chuyển đổi số./.

Bùi Tư