bao-ve.jpg
Quang cảnh Hội thảo “Nhận diện, đấu tranh, phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trong xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam” do Tạp chí Cộng sản và Học viện Chính trị khu vực II tổ chức, tháng 12/2023. Ảnh: Nguyên Anh

Phù hợp với quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước

Một số trang mạng của cá nhân, tổ chức thù địch, phản động, hội đoàn chống cộng hải ngoại lu loa rằng, việc Đảng ban hành quy định những điều đảng viên không được làm là để “vá những lỗ thủng quá nhiều của chế độ”; điều đó cho thấy “Đảng đứng trên pháp luật, lấn át vai trò của pháp luật”. Những luận điệu xuyên tạc này còn được cổ xúy trên đài BBC, RFA, VOA… Chúng viện dẫn nhiều ý kiến vô căn cứ của những đối tượng có hiềm khích và tư tưởng chống đối Đảng, Nhà nước Việt Nam.

Chúng cho rằng: “Những quy định cấm đảng viên chỉ là chiêu bài chứ không có hiệu quả trong thực tế” hoặc các đối tượng suy diễn: “Đảng loay hoay, mò mẫm soạn ra các văn bản giấy tờ quy định cấm cho thêm rắc rối, chồng lấn pháp luật, vì những điều ấy pháp luật cũng cấm rồi, đảng viên cũng là công dân, thêm điều cấm là Đảng đứng trên, đứng ngoài pháp luật, vi phạm Hiến pháp”…

Trước hết, cần khẳng định những luận điệu trên là phản động, xảo trá, vu khống, hòng làm giảm niềm tin của cán bộ, đảng viên và nhân dân đối với Đảng, Nhà nước ta. Đảng ta là đảng cầm quyền, trước yêu cầu mới ngày càng cao của công cuộc đổi mới, nếu Đảng không giữ vững bản chất cách mạng của mình, không thật vững vàng về chính trị, tư tưởng; không thống nhất cao về ý chí và hành động; không trong sạch về đạo đức, lối sống; không chặt chẽ về tổ chức; không được nhân dân ủng hộ thì không thể đứng vững và đủ sức lãnh đạo đưa đất nước đi lên. Vì vậy, xây dựng tổ chức Đảng vững mạnh, chấn chỉnh lại đội ngũ đảng viên, siết chặt kỷ luật, kỷ cương của Đảng là việc làm cần thiết và hết sức bình thường của một chính đảng.

Thứ hai, xuất phát từ vai trò của đảng viên, công tác rèn luyện đảng viên phải được tiến hành thường xuyên “như đánh răng, rửa mặt hằng ngày”. Quy định số 37-QĐ/TƯ đã nêu rõ: “Đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam là chiến sĩ cách mạng trong đội tiên phong của giai cấp công nhân, nhân dân lao động và dân tộc Việt Nam; cùng với việc gương mẫu chấp hành Cương lĩnh chính trị, Điều lệ Đảng, các nghị quyết, chỉ thị, kết luận, quy định, quy chế, quyết định của Đảng và Hiến pháp, pháp luật của Nhà nước, các quy định của Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội mà mình là thành viên, phải chấp hành nghiêm những quy định của Đảng về những điều đảng viên không được làm”. Điều này có nghĩa rằng, đã là đảng viên, ngoài việc gương mẫu thực hiện các quy định của Đảng còn phải chịu những ràng buộc nhất định, để bảo đảm rằng mỗi đảng viên phải luôn thể hiện tinh thần hết lòng hết sức phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân.

Với mỗi đảng viên, việc thường xuyên tu dưỡng, rèn luyện là việc làm “như đánh răng, rửa mặt hằng ngày”, đòi hỏi phẩm chất, tư cách đạo đức phải gương mẫu hơn người dân bình thường. Đảng viên, bên cạnh việc tuân thủ, thực hiện tốt nhiệm vụ đã được quy định trong Điều lệ và văn bản của Đảng, thì với vai trò là công dân cũng phải nghiêm chỉnh chấp hành Hiến pháp, pháp luật.

Do đó, Đảng ban hành các quy định là để thực hiện tốt hơn công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, góp phần nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức Đảng và nâng cao chất lượng đội ngũ đảng viên chứ không phải là “dẫm chân” hay “chồng lấn” pháp luật.

Thứ ba, những điều đảng viên không được làm theo Quy định số 37-QĐ/TƯ là cần thiết, khoa học, đáp ứng yêu cầu thực tiễn. Cần thống nhất một số nhận thức: Khi ban hành những điều đảng viên không được làm có nghĩa rằng trên thực tế đã có những vi phạm, những hiện tượng chưa lành mạnh của một bộ phận đảng viên. Tức là Đảng đã nhìn nhận trong Đảng hình thành và tồn tại những loại hành vi không phù hợp, sai trái, vi phạm pháp luật, có thể bị xử lý theo quy định của pháp luật hoặc chưa (khó) xử lý bằng luật pháp, do đó cần được xử lý bằng các quy định của Đảng. Điều đó cho thấy Đảng thẳng thắn, mạnh dạn với các khuyết điểm, hạn chế trong nội bộ của mình, như đã từng thể hiện điều đó trong suốt quá trình phát triển của Đảng.

Bên cạnh đó, khi Đảng yêu cầu đảng viên không được làm một số điều thì không có nghĩa là Đảng hạn chế quyền tự do của đảng viên hay rộng hơn là quyền tự do của công dân. Trong xã hội pháp quyền, thượng tôn pháp luật, mỗi cá nhân phải tuân thủ pháp luật, nhưng cá nhân đó là đảng viên thì phải tuân thủ thêm các quy định khác của Đảng. Điều đó hoàn toàn phù hợp với thông lệ và thực tiễn của các xã hội…

Từ đó có thể thấy, tư tưởng chỉ đạo trong Quy định số 37-QĐ/TƯ thể hiện rõ quan điểm phát triển, bởi chính quy định này càng làm mạnh thêm tổ chức, bộ máy và các cán bộ, đảng viên ngày càng thể hiện tính kỷ luật, kỷ cương, tiên phong, gương mẫu để phục vụ nhân dân ngày càng tốt hơn, hoàn toàn khác với ý kiến cho rằng “cái gì không quản được thì cấm” như các thế lực thù địch đã rêu rao.

“Chiếc gương” để mỗi đảng viên “tự soi, tự sửa”

Quy định số 37-QĐ/TƯ thay thế Quy định số 47-QĐ/TƯ ngày 1/11/2011, trên cơ sở đánh giá kết quả 10 năm thực hiện Quy định số 47-QĐ/TƯ. Quá trình thực hiện Quy định số 47-QĐ/TƯ đã bộc lộ một số nội dung hạn chế như, chưa bao quát đầy đủ các nội dung không được làm, chưa theo kịp thực tiễn phát triển của đời sống xã hội và đáp ứng yêu cầu nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức Đảng, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, đảng viên. Một số nội dung chưa cập nhật, bổ sung kịp thời nhiều quy định mới của Đảng, pháp luật của Nhà nước, các quy chuẩn về đạo đức, lối sống, có điểm không còn phù hợp nên khi áp dụng còn vướng mắc… Từ thực tiễn đó, tại Hội nghị Trung ương 4 khóa XIII, Trung ương đã thống nhất ban hành Quy định mới về những điều đảng viên không được làm.

Có thể khẳng định, Quy định số 37-QĐ/TƯ ra đời được ví như “chiếc gương” để mỗi tổ chức Đảng, đảng viên “tự soi, tự sửa”, không để mình bị tha hóa, biến chất. Thực hiện tốt những điều đảng viên không được làm trong Quy định số 37-QĐ/TƯ của Ban Chấp hành Trung ương (khóa XIII) sẽ góp phần xây dựng Đảng ta thật sự trong sạch, vững mạnh, xứng đáng “là đạo đức, là văn minh” như Chủ tịch Hồ Chí Minh đã căn dặn.

Để phòng, chống, đấu tranh có hiệu quả những luận điệu xuyên tạc, chống phá của các thế lực thù địch, trước hết, mỗi cơ quan, đơn vị cần quản lý, nắm chắc tình hình hoạt động của các thế lực thù địch, phản động trên các trang mạng xã hội; chủ động đề ra các biện pháp đấu tranh, ngăn chặn từ sớm, từ xa với những luồng dư luận trái chiều. Cùng với đó, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục, làm cho mỗi cán bộ, đảng viên trong đơn vị nắm chắc và thực hiện nghiêm những nội dung trong Quy định số 37-QĐ/TƯ, gắn với vạch trần tính chất nguy hiểm của chiêu trò thổi phồng mặt trái, khuyết điểm mà các thế lực thù địch đang tiến hành, nhằm chống phá cách mạng Việt Nam, chống phá Đảng ta.

Thời gian tới, để thực hiện tốt Quy định số 37-QĐ/TƯ và các quy định khác của Đảng, trước hết, đội ngũ cán bộ, đảng viên phải nhận diện rõ âm mưu và những luận điệu sai trái, xuyên tạc Quy định số 37-QĐ/TƯ cũng như thủ đoạn chống phá Đảng, Nhà nước ta của các phần tử phản động, cơ hội chính trị, thế lực thù địch. Điều quan trọng hơn cả là mỗi cán bộ, đảng viên, nhất là người đứng đầu cơ quan, đơn vị cần “tự soi”, “tự sửa”, cùng với đó là phát huy vai trò, trách nhiệm của tổ chức Đảng trong giáo dục, quản lý, kiểm tra, giám sát đảng viên tu dưỡng, rèn luyện, kịp thời phát hiện, chấn chỉnh, uốn nắn và xử lý nghiêm minh những khuyết điểm, sai phạm của đảng viên trong quá trình thực hiện Quy định về những điều đảng viên không được làm. Đó chính là biện pháp hữu hiệu để mỗi cán bộ, đảng viên tự "miễn dịch" trước những thủ đoạn tinh vi, xảo quyệt của các thế lực thù địch./.

Phùng Phương Thảo

Chủ tịch UBND phường Trần Hưng Đạo, quận Hoàn Kiếm