Tháo gỡ “điểm nghẽn” giải phóng mặt bằng

Công tác giải phóng mặt bằng (GPMB) luôn là nguyên nhân chính cản trở tiến độ giải ngân vốn đầu tư công. Nguyên nhân này năm nào cũng xảy ra, nhưng giải pháp để giải quyết triệt để lại chưa có.

Với quyết tâm không để việc GPMB là vật cản khiến tiến độ giải ngân vốn đầu tư công tại địa phương bị chậm đi, ngoài việc đẩy mạnh tuyên truyền, kiên trì vận động, tạo sự đồng thuận của các tầng lớp nhân dân, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Thái Bình đã ban hành chỉ thị yêu cầu các sở, ban, ngành tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện công tác GPMB phục vụ triển khai các dự án đầu tư trên địa bàn tỉnh.

Kinh nghiệm hay từ giải ngân vốn đầu tư công tại Thái Bình
Các cấp lãnh đạo của tỉnh Thái Bình đã tích cực vào cuộc giúp đẩy nhanh tiến độ gải ngân vốn đầu tư công tại địa phương. Ảnh minh họa: H.T

Bên cạnh đó, UBND tỉnh Thái Bình đã cụ thể hóa các kế hoạch nhằm huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, giao nhiệm vụ, trách nhiệm cụ thể đối với từng sở, ban ngành, các huyện, thành phố, các đơn vị. Đồng thời, tỉnh cũng xây dựng phương án, thực hiện cưỡng chế theo đúng quy định của pháp luật đối với những trường hợp cố tình chây ỳ, không chấp hành để thực hiện hiệu quả công tác GPMB trên địa bàn tỉnh.

Sớm hoàn thành phân bổ vốn

Việc giao kế hoạch đầu tư công cho các dư án rất được các cấp lãnh đạo của tỉnh quan tâm. Theo đó, kế hoạch vốn đầu tư công năm 2022 của tỉnh được Thủ tướng Chính phủ giao trên 3.907 tỷ đồng và kế hoạch vốn địa phương triển khai ngoài kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao là trên 836 tỷ đồng. Đến hết tháng 4/2022, UBND tỉnh Thái Bình đã hoàn thành việc phân bổ và giao chi tiết đến từng dự án. Đây cũng chính là yếu tố quan trọng góp phần đẩy nhanh giải ngân vốn đầu tư công của tỉnh Thái Bình trong 6 tháng đầu năm.

Ngay sau khi nhận bàn giao mặt bằng sạch tại các đoạn, tuyến vướng mắc, các đơn vị thi công đã tập trung huy động máy móc, phương tiện, tăng ca... để đẩy nhanh tiến độ xây dựng, giúp sớm hoàn thành các dự án đưa vào sử dụng phục vụ nhiệm vụ phát triển kinh tế, xã hội của địa phương.

Với các giải pháp đã thực hiện, thời gian qua, tỉnh Thái Bình luôn làm tốt công tác GPMB, tạo quỹ đất sạch giúp các chủ đầu tư, nhà thầu triển khai các dự án, công trình được thuận lợi.

Một yếu tố nữa khiến tiến độ giải ngân vốn đầu tư công của tỉnh Thái Bình luôn đạt cao chính là các cấp lãnh đạo tỉnh đã thường xuyên đi kiểm tra tiến độ thực hiện các dự án, công trình đầu tư công, nhất là các công trình trọng điểm có nguồn vốn đầu tư lớn. Qua kiểm tra trực tiếp, các cấp lãnh đạo tỉnh đã nắm bắt những khó khăn và kịp thời đưa ra những giải pháp phù hợp để tháo gỡ.

Với vai trò là cơ quan thực hiện kiểm soát và giải ngân vốn đầu tư công thuộc nguồn vốn ngân sách, Kho bạc Nhà nước (KBNN) Thái Bình luôn đôn đốc các chủ đầu tư, ban quản lý dự án hoàn thành các thủ tục, hồ sơ thanh toán vốn ngay khi có khối lượng hoàn thành gửi đến kho bạc để thanh toán vốn. Đồng thời, KBNN Thái Bình đã chỉ đạo các đơn vị KBNN trực thuộc đẩy mạnh triển khai dịch vụ công trực tuyến để nâng cao chất lượng phục vụ khách hàng và nâng cao chất lượng kiểm soát chi ngân sách nhà nước. Đặc biệt, KBNN Thái Bình luôn sẵn sàng nguồn vốn để thanh toán kịp thời cho các dự án, giúp phát huy hiệu quả nguồn vốn đầu tư công.

Kiên quyết không để tồn đọng hồ sơ

Để hoàn thành mục tiêu, nhiệm vụ kế hoạch đầu tư công năm 2022, tỉnh Thái Bình đang tiếp tục thực hiện nghiêm túc các quy định về tỷ lệ phân bổ kinh phí giữa việc thanh toán nợ xây dựng cơ bản và đầu tư các công trình cấp bách, thiết yếu ở địa phương.

Kinh nghiệm hay từ giải ngân vốn đầu tư công tại Thái Bình
Công chức KBNN thực hiện kiểm soát hồ sơ thanh toán vốn ngân sách. Ảnh minh họa: H.T

Bên cạnh đó, UBND tỉnh cũng yêu cầu các sở, ban, ngành nâng cao trách nhiệm của người đứng đầu, chịu trách nhiệm trước chủ tịch UBND tỉnh khi không bảo đảm tỷ lệ giải ngân theo từng mốc thời gian cụ thể.

Ngoài ra, tỉnh Thái Bình đang tiếp tục thực hiện chế độ giao ban định kỳ và đột xuất để xử lý kịp thời các khó khăn vướng mắc trong việc triển khai thực hiện các dự án đầu tư trọng điểm trên địa bàn tỉnh.

Báo cáo từ KBNN Thái Bình cho biết, tính đến hết tháng 6/2022, tổng số vốn đầu tư của tỉnh đã thực hiện giải ngân qua Kho bạc là 2.118 tỷ đồng, đạt gần 58% kế hoạch vốn Thủ tướng Chính phủ giao (3.680 tỷ đồng). Đây là tỷ lệ giải ngân vốn cao nhất cả nước hiện nay.

Với chức năng kiểm soát và thanh toán vốn, bà Nguyễn Thị Hải - Phó Giám đốc KBNN Thái Bình cho biết, đơn vị đang tiếp tục thực hiện rút ngắn thời gian kiểm soát chi và linh hoạt áp dụng phương thức "thanh toán trước, kiểm soát sau" và "kiểm soát trước, thanh toán sau" đối với từng hồ sơ, thủ tục thanh toán của từng dự án cụ thể và đẩy mạnh giao dịch trên dịch vụ công trực tuyến, giúp nguồn vốn đến được các dự án, công trình nhanh nhất.

Đặc biệt, theo Phó Giám đốc KBNN Thái Bình, đơn vị sẽ đảm bảo xử lý hồ sơ đúng thời hạn quy định, không để tồn đọng hồ sơ mà không có lý do. Đồng thời tăng cường quản lý, siết chặt kỷ cương, kỷ luật trong thực thi công vụ, nâng cao tinh thần, thái độ, năng lực làm việc của công chức trong đơn vị, đặc biệt là công chức giao dịch với khách hàng.

Bên cạnh đó, KBNN Thái Bình tiếp tục chủ động đôn đốc chủ đầu tư đẩy nhanh tiến độ thực hiện và nghiệm thu khối lượng xây dựng cơ bản hoàn thành, khẩn trương hoàn thiện hồ sơ chứng từ gửi KBNN để thực hiện kiểm soát thanh toán, đảm bảo trong vòng 4 ngày làm việc kể từ ngày có khối lượng được nghiệm thu làm thủ tục thanh toán ngay với KBNN, không để dồn thanh toán vào cuối năm./.