Đề xuất các chính sách thúc đẩy phục hồi, tăng trưởng kinh tế
Nguồn: Quyết định số 1658/QĐ-TTg ngày 1/10 của Thủ tướng Chính phủ. Đồ họa: Phương Anh

PV: Thưa ông, Diễn đàn Tài chính Việt Nam là sự kiện được Bộ Tài chính tổ chức thường niên kể từ năm 2017. Xin ông cho biết những vấn đề, nội dung chính được quan tâm của diễn đàn này năm nay?

Đề xuất các chính sách thúc đẩy phục hồi, tăng trưởng kinh tế
TS. Nguyễn Như Quỳnh

TS. Nguyễn Như Quỳnh: Diễn đàn Tài chính Việt Nam là nơi quy tụ các nhà khoa học, nhà quản lý, các chuyên gia đầu ngành lĩnh vực tài chính ở trong nước và quốc tế, các nhà khoa học, nhà quản lý, nhằm chia sẻ những góc nhìn, quan điểm, sáng kiến và giải pháp đổi mới chính sách tài chính và quản lý tài chính, NSNN.

Chủ đề của Diễn đàn Tài chính Việt Nam năm 2023 là “Chính sách tài chính vượt qua thách thức, hướng tới phát triển bền vững”, nên những nội dung trọng tâm của diễn đàn gồm:

Xem xét bối cảnh kinh tế, tài chính trong nước và quốc tế để xác định những thách thức nói chung, thách thức đối với chính sách tài chính nói riêng nhằm huy động, phân bổ có hiệu quả các nguồn lực cho việc thực hiện các mục tiêu phát triển KT-XH, hướng tới phát triển bền vững.

Đánh giá kết quả thực hiện các chính sách tài chính - NSNN trong thời gian qua để vượt qua thách thức, thúc đẩy phục hồi và phát triển KT-XH, hướng tới phát triển bền vững.

Tập hợp các sáng kiến, đề xuất đổi mới chính sách tài chính để Bộ Tài chính tham mưu cấp có thẩm quyền những cải cách chính sách tài chính - NSNN nhằm tháo gỡ khó khăn, vượt qua thách thức, hướng tới phát triển bền vững.

PV: Thúc đẩy tăng trưởng và phát triển kinh tế - xã hội là một chủ trương xuyên suốt của Đảng và Nhà nước. Xin ông cho biết, Bộ Tài chính đã triển khai thực hiện chính sách tài khóa như thế nào để hỗ trợ phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội?

TS. Nguyễn Như Quỳnh:

Cơ cấu lại ngân sách nhà nước một cách hợp lý

Để góp phần hiện thực hóa cam kết của Việt Nam tại Hội nghị COP26, thời gian qua, Bộ Tài chính tiếp tục thực hiện cải cách hệ thống thuế, quản lý nợ công và cơ cấu lại NSNN nhằm động viên nguồn lực một cách hợp lý; phân bổ và sử dụng hiệu quả các nguồn lực tài chính để giải quyết hài hòa các vấn đề phát triển kinh tế - xã hội và môi trường.

Để triển khai Nghị quyết số 43, Bộ Tài chính đã trình các cấp có thẩm quyền và ban hành theo thẩm quyền các chính sách miễn, giảm, gia hạn thuế, phí, lệ phí để hỗ trợ doanh nghiệp và người dân như: Giảm thuế suất thuế giá trị gia tăng (GTGT) từ 10% xuống còn 8% đối với hầu hết các mặt hàng đang áp dụng mức thuế suất thuế GTGT 10%; giảm thuế bảo vệ môi trường đối với nhiên liệu bay; giảm tiền thuê đất, thuê mặt nước và một số loại phí, lệ phí khác nhằm hỗ trợ, tiết giảm chi phí của doanh nghiệp, người dân... Đồng thời cũng thực hiện gia hạn thời hạn nộp thuế và tiền thuê đất cho người dân và doanh nghiệp.

Ngoài ra, trước diễn biến giá xăng, dầu tăng mạnh, để kiểm soát lạm phát, giảm bớt khó khăn cho doanh nghiệp và người dân, Bộ Tài chính đã trình Chính phủ để báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành các Nghị quyết về giảm mức thuế bảo vệ môi trường (BVMT) đối với xăng, dầu, mỡ nhờn với tổng quy mô dự kiến khoảng 70 nghìn tỷ đồng, qua đó góp phần ổn định giá xăng dầu trong nước, thực hiện các mục tiêu về kiềm chế lạm phát và ổn định kinh tế vĩ mô, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp.

Số tiền miễn, giảm, gia hạn tiền thuế, phí, lệ phí và tiền thuê đất trong 02 năm 2022 - 2023 ước lên đến khoảng 400 nghìn tỷ đồng là số tiền rất lớn, chưa từng có trong tiền lệ. Nhờ gói kích thích này đã góp phần quan trọng giúp doanh nghiệp và người dân giảm thiểu khó khăn, qua đó thúc đẩy kinh tế phục hồi, được coi là điểm tựa, là bệ đỡ để thực hiện nhiều chính sách vĩ mô quan trọng.

Trong những tháng cuối năm 2023, Bộ Tài chính sẽ tiếp tục triển khai hiệu quả các chính sách hỗ trợ người dân và doanh nghiệp phục hồi sản xuất và tiêu dùng. Đồng thời, Bộ Tài chính đã đề xuất và đang trình các cấp có thẩm quyền một số giải pháp tài khóa trong thời gian tới như giảm thuế GTGT 2%, giảm thuế BVMT đối với xăng dầu, nhằm góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, tạo điều kiện thuận lợi để thúc đẩy phục hồi và tăng trưởng kinh tế.

PV: Tăng trưởng xanh và phát triển bền vững đang trở thành xu thế tất yếu và là mục tiêu hướng tới của nhiều quốc gia. Để thực hiện mục tiêu tăng trưởng xanh và phát triển bền vững tại Việt Nam, Bộ Tài chính đã và sẽ triển khai những giải pháp gì trong thời gian tới?

TS. Nguyễn Như Quỳnh: Về chính sách thu NSNN, tại Việt Nam, hệ thống chính sách thuế hiện hành đối với BVMT, hướng đến phát triển xanh và bền vững được thể hiện thông qua 2 nhóm chính sách: các chính sách nhằm hạn chế các hành vi gây ô nhiễm môi trường và các chính sách ưu đãi, hỗ trợ, khuyến khích các hoạt động BVMT, giảm thiểu ô nhiễm và biến đổi khí hậu.

Đề xuất các chính sách thúc đẩy phục hồi, tăng trưởng kinh tế
Ảnh minh họa.

Về chính sách chi SNN, ưu tiên cho tăng trưởng xanh đã ngày càng được hoàn thiện thông qua các quy định của Luật Bảo vệ môi trường, Luật Đầu tư công, Luật Đấu thầu... Các quy định về chi NSNN cho sự nghiệp BVMT ngày càng được cụ thể, rõ ràng. Đối với đầu tư công, ngân sách cho tăng trưởng xanh đã được lồng ghép trong các ưu tiên đầu tư ngành, lĩnh vực, địa phương và các CTMT.

Về phát triển thị trường cổ phiếu, trái phiếu xanh, cổ phiếu xanh, năm 2017, HOSE đã xây dựng và công bố Chỉ số phát triển bền vững VNSI. Để phát triển thị trường trái phiếu xanh, Bộ Tài chính đã phối hợp với Bộ Tài nguyên Môi trường, Bộ Kế hoạch Đầu tư và các bộ, ngành liên quan xây dựng Điều khoản về trái phiếu xanh tại Luật BVMT năm 2020 và Nghị định số 08/2022/NĐ-CP hướng dẫn Luật BVMT...

PV: Xin cảm ơn ông!