luat lao

Hội thảo thu hút nhiều chuyên gia, người lao động tham dự. Ảnh: MĐ.

Đây là vấn đề được bàn luận tại hội thảo tham gia ý kiến dự thảo Bộ luật Lao động (sửa đổi) về điều chỉnh tuổi nghỉ hưu đối với người lao động và quy định về quấy rối tình dục do Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam (LĐLĐVN) tổ chức, ngày 15/5.

Lao động trực tiếp không muốn tăng tuổi nghỉ hưu

Điều chỉnh tuổi nghỉ hưu là một trong những nội dung lớn được lấy ý kiến tại dự thảo Bộ luật Lao động (sửa đổi) lần này. Vấn đề nhận được rất nhiều ý kiến từ phía người lao động tại hội thảo. Chị Nguyễn Thị Huyền, năm nay 48 tuổi hiện đang làm công nhân may tại Công ty cổ phần Đầu tư và Thương mại TNG Thái Nguyên cho rằng, đặc thù công việc hàng ngày của ngành may đòi hỏi cần chính xác, khi tuổi cao mắt sẽ bị mờ dần nên tăng tuổi nghỉ hưu là rất khó khăn với lao động ngành này.

“Chúng tôi dù chỉ ngồi may 8 tiếng một ngày nhưng vẫn ảnh hưởng đến xương khớp, thị lực, nên nếu tăng tuổi nghỉ hưu thì lao động trực tiếp chúng tôi khó theo kịp mà lương lại không cao. Nếu về đúng tuổi, chúng tôi còn có thể đi làm thêm tăng thu nhập với tay nghề có sẵn” – chị Huyền bộc bạch.

Đến từ một doanh nghiệp sản xuất trực tiếp, bà Phạm Hải Hà - Chủ tịch công đoàn Công ty TNHH Linh kiện điện tử SEI cũng cho rằng, chưa nên tăng tuổi nghỉ hưu với nhóm lao động trực tiếp. Bà Hà dẫn chứng ngay tại doanh nghiệp này, khi biết quy định sẽ điều chỉnh tuổi nghỉ hưu, công ty đã thực hiện khảo sát ý kiến của đại diện các bộ phận trong nhà máy với hơn 400 người là lao động trực tiếp và cả gián tiếp.

Kết quả thu được chỉ có 2 lao động đồng ý tăng tuổi nghỉ hưu và đều thuộc lao động gián tiếp ở khối quản lý và văn phòng, riêng lao động nam cũng chỉ nhận được 4 ý kiến đồng ý. Theo bà Hà, lý do người lao động không đồng tình là do đặc thù sản xuất của công ty chuyên về bảng vi mạch điện tử rất nhỏ, người lao động hầu hết làm công việc chân tay và sử dụng mắt rất nhiều, chưa kể yêu cầu phải đứng gần như 100% trừ lúc ngồi vào giờ giải lao và nghỉ ăn trưa.

Do đó, dù có các chế độ nghỉ ngơi nhưng khi tuổi càng cao, thị lực của người lao động càng kém đi thì sẽ khó đảm bảo độ chính xác của sản phẩm. Thậm chí đại diện của doanh nghiệp này còn cho biết, sau 20 năm thành lập công ty thì đến nay mới chỉ có một trường hợp người lao động nghỉ hưu đúng tuổi song cũng thuộc khối gián tiếp, còn hầu hết lao động đều nghỉ ở tuổi dưới 45.

Có lộ trình tăng chậm để không gây sốc

Trước những băn khoăn của người lao động, ông Lê Đình Quảng - Phó trưởng ban Quan hệ lao động, TLĐLĐVN thừa nhận, việc điều chỉnh tuổi nghỉ hưu trong lần sửa đổi luật này sẽ có tác động rất lớn đến nhiều nhóm đối tượng.

Dưới góc độ tổ chức đại diện người lao động, ông Quảng khẳng định dù quan điểm của TLĐLĐVN là đồng ý với quy định điều chỉnh tuổi nghỉ hưu trong dự thảo Bộ luật Lao động (sửa đổi), tuy nhiên nhấn mạnh đến việc phải quán triệt đầy đủ theo tinh thần Nghị quyết số 28/NQ-TW về cải cách chính sách bảo hiểm xã hội. Hơn hết, việc điều chỉnh tuổi nghỉ hưu có tầm nhìn dài hạn và lộ trình tăng dần để tránh gây sốc cho thị trường lao động, để tác động tốt hơn đến tâm lý xã hội.

Bên cạnh đó, phải tính toán đến các yếu tố về giải quyết việc làm,thất nghiệp; chất lượng và cơ cấu dân số; bình đẳng giới; cân đối quỹ bảo hiểm xã hội trong dài hạn; xu hướng già hóa dân số cũng như tính chất, loại hình lao động. Dù vậy, đại diện TLĐLĐVN cũng nhấn mạnh thêm rằng, điều băn khoăn nhất hiện nay là cân nhắc, xem xét tuổi nghỉ hưu của các đối tượng là công nhân, lao động trực tiếp trong khu vực sản xuất, dịch vụ và một số ngành nghề đặc thù. Do đó, đối với những đối tượng lao động này có thể xem xét chưa tăng hoặc có lộ trình tăng chậm hơn hoặc có các chính sách hỗ trợ linh hoạt.

Thay mặt cơ quan soạn thảo, ông Nguyễn Văn Bình - Phó Vụ trưởng phụ trách Vụ Pháp chế, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội ghi nhận việc một số nhóm lao động không thể đáp ứng được khi tăng tuổi nghỉ hưu là rất đúng. Tuy nhiên, để giải bài toán này cần nhiều giải pháp tổng thể bằng các chính sách khác của thị trường lao động.

“Không thể vì lí do mà không đặt vấn đề điều chỉnh tuổi nghỉ hưu vì còn liên quan đến nhiều vấn đề khác. Tư duy người lao động chỉ làm một công việc cho đến tuổi nghỉ hưu chắc cũng phải dần thay đổi. Một công nhân còn trẻ, mắt còn sáng thì làm may nhưng đến 55 tuổi dù mắt không còn sáng song lại có kinh nghiệm thì phải có cơ hội để chuyển sang công việc khác, đây chính là tính linh hoạt của thị trường” - ông Bình nói.

Với những thắc mắc của người lao động, ông Bình khẳng định rằng, luật sẽ mở rộng cho rất nhiều nhóm khác nhau, nhưng để giải quyết căn bản sẽ cần đặt thêm ở các luật khác. Liên quan đến hai mốc tuổi 62 đối với nam và 60 đối với nữ, đại diện Vụ Pháp chế nhấn mạnh sẽ không phải tăng ở năm 2021 mà có lộ trình tăng chậm. "Việc tăng chậm để đảm bảo nhiều yếu tố không gây sốc cho thị trường lao động và yếu tố tâm lý, không phải ngày mai mà là hàng chục năm nữa” – đại diện Vụ Pháp chế cho biết./.

"Dự thảo Bộ luật Lao động (sửa đổi) đề xuất quy định mốc tuổi nghỉ hưu lên 62 đối với nam, 60 đối với nữ theo hai lộ trình. Phương án 1 là từ ngày 1/1/2021, tuổi nghỉ hưu của người lao động trong điều kiện lao động bình thường, cứ mỗi năm tăng thêm 3 tháng đối với nam, 4 tháng đối với nữ. Phương án 2, từ ngày 1/1/2021 mỗi năm tăng thêm 4 tháng đối với nam và 6 tháng đối với nữ. Dự kiến vào ngày 29/5 tới, tại Kỳ họp thứ 7 Quốc hội khóa XIV, dự thảo luật sẽ được các đại biểu Quốc hội cho ý kiến, dự kiến ngày 11/6 sẽ thảo luận chung tại hội trường và thông qua vào Kỳ họp thứ 8" - ông Lê Đình Quảng, Phó ban Quan hệ lao động, TLĐLĐVN thông tin.

Mai Đan