Quy trình, thời gian quyết toán ngân sách nhà nước hàng năm sẽ được rút ngắn Nâng cao chất lượng Báo cáo quyết toán ngân sách nhà nước Rút ngắn thời gian lập báo cáo quyết toán ngân sách nhà nước |
Phê chuẩn quyết toán ngân sách chậm nhất 18 tháng là quá dài
Trình bày tờ trình của Chính phủ tại phiên họp, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cho biết, trong các năm vừa qua, báo cáo quyết toán NSNN của Chính phủ đã được đánh giá cơ bản tuân thủ theo quy định của pháp luật về trình tự, thủ tục quyết toán, được tổng hợp từ quyết toán ngân sách các tỉnh, thành phố đã được HĐND cấp tỉnh phê chuẩn và quyết toán ngân sách các bộ, cơ quan trung ương đã được cơ quan tài chính thẩm định. Số liệu quyết toán đã được kiểm toán bởi Kiểm toán Nhà nước (KTNN) trước khi trình Quốc hội xem xét, phê chuẩn.
Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc tại phiên họp của UBTVQH |
Tuy nhiên, công tác lập, tổng hợp báo cáo quyết toán NSNN còn một số tồn tại, hạn chế như: công tác lập, thẩm định, trình quyết toán NSNN còn chậm so với thời hạn quy định; còn xảy ra tình trạng điều chỉnh số liệu trong quá trình xét duyệt, thẩm định quyết toán.
Bên cạnh đó, thời gian Quốc hội xem xét, phê chuẩn quyết toán NSNN chậm nhất 18 tháng sau khi kết thúc năm ngân sách theo quy định của Luật NSNN là quá dài, chưa kịp thời đưa ra bức tranh tổng thể về tình hình thực hiện thu, chi NSNN để có những đánh giá mang tính thời sự và rút kinh nghiệm cho năm tiếp theo. Do vậy, làm giảm vai trò, ý nghĩa của công tác quyết toán NSNN đối với công tác xây dựng dự toán và quản lý NSNN.
Tại tờ trình, Chính phủ đề xuất rút ngắn quy trình, thời gian quyết toán NSNN hàng năm sớm hơn 6 tháng so với quy định hiện nay. Theo đó, Chính phủ báo cáo UBTVQH chậm nhất là ngày 20/9 năm sau (quy định hiện hành là chậm nhất 16 tháng sau khi kết thúc năm ngân sách). Chính phủ gửi báo cáo đến đại biểu Quốc hội chậm nhất 10 ngày trước ngày khai mạc kỳ họp cuối năm sau (quy định hiện hành là 20 ngày). Quốc hội xem xét, phê chuẩn báo cáo quyết toán NSNN vào kỳ họp cuối năm sau (theo quy định hiện hành là chậm nhất 18 tháng sau khi kết thúc năm ngân sách). |
Nguyên nhân những hạn chế trên, theo Bộ trưởng Bộ Tài chính, là do quy trình tổng hợp, lập báo cáo quyết toán NSNN phức tạp, được thực hiện ở nhiều cấp ngân sách và nhiều cấp dự toán. Quy định về việc xét duyệt quyết toán NSNN còn phức tạp, chồng chéo, chưa đề cao trách nhiệm của đơn vị trực tiếp sử dụng ngân sách.
Quy định về thẩm định quyết toán NSNN còn chồng chéo giữa trách nhiệm của đơn vị dự toán cấp trên, đơn vị sử dụng ngân sách và cơ quan tài chính các cấp;..
Bên cạnh đó, nguyên nhân còn do mẫu biểu quyết toán NSNN phức tạp, thiếu đồng nhất; việc ứng dụng công nghệ thông tin vào công tác quyết toán còn hạn chế; việc chấp hành kỷ luật, kỷ cương trong công tác quyết toán NSNN chưa nghiêm.
Vì vậy, mục tiêu, định hướng rút ngắn thời gian quyết toán NSNN là nhằm tăng cường kỷ luật, kỷ cương và nâng cao hiệu quả quản lý, sử dụng NSNN; tăng cường công tác hậu kiểm (kiểm tra, thanh tra, kiểm toán) đối với quyết toán NSNN.
Theo Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc, việc rút ngắn quy trình, thời gian quyết toán NSNN ảnh hưởng lớn đến các bộ, cơ quan trung ương, địa phương, đặc biệt đối với các bộ, cơ quan trung ương có cơ cấu tổ chức gồm nhiều cấp dự toán, các địa phương có địa bàn rộng, số lượng đơn vị dự toán lớn.
Vì vậy, để đảm bảo tính khả thi, Chính phủ trình Quốc hội các giải pháp, lộ trình thực hiện rút ngắn quy trình, thời gian quyết toán NSNN như cho phép thực hiện thí điểm công tác quyết toán NSNN theo quy trình rút ngắn tại một số bộ, cơ quan trung ương và tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.
Trên cơ sở đánh giá kết quả thực hiện thí điểm, trình Quốc hội sửa đổi, bổ sung quy định của Luật NSNN và một số luật có liên quan đến công tác quyết toán NSNN làm cơ sở pháp lý cho việc triển khai quy trình rút ngắn quyết toán NSNN trên phạm vi cả nước;...
Khẩn trương sửa đổi quy định về quyết toán tại Luật Ngân sách nhà nước
Trình bày báo cáo thẩm tra tại phiên họp, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách (UBTCNS) Lê Quang Mạnh nêu rõ, việc rút ngắn quy trình, thời gian quyết toán NSNN hằng năm là rất cần thiết.
Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn |
Theo đó, cần sớm sửa đổi các quy định của Luật NSNN liên quan đến quy trình, thời gian quyết toán NSNN để chấn chỉnh các tồn tại, hạn chế trong quyết toán NSNN hằng năm. Trường hợp không thể sửa đổi ngay các quy định của Luật NSNN và các pháp luật khác có liên quan, Quốc hội ban hành nghị quyết thí điểm việc thực hiện rút ngắn quy trình, thời gian quyết toán NSNN hằng năm là phù hợp với quy định pháp luật.
Sau nghe các báo cáo, các đại biểu tham dự phiên họp đã thảo luận, phân tích về nguyên nhân của những hạn chế, bất cập hiện nay trong công tác quyết toán NSNN, và đóng góp các ý kiến cho giải pháp, lộ trình thực hiện rút ngắn quy trình, thời gian quyết toán NSNN…
Kết luận nội dung thảo luận, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn nêu rõ, UBTVQH ghi nhận sự nỗ lực của Chính phủ trong việc chuẩn bị báo cáo lộ trình rút ngắn quy trình, thời gian quyết toán NSNN hằng năm như nghị quyết của Quốc hội đề ra.
Để tiếp tục hoàn thiện hồ sơ, UBTVQH đề nghị Chính phủ chỉ đạo bổ sung, hoàn thiện xây dựng báo cáo, tờ trình lộ trình rút ngắn quy định thời gian quyết toán NSNN hằng năm đúng quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, báo cáo Quốc hội tại kỳ họp thứ 6 (tháng 10/2023).
Bên cạnh đó, Chính phủ cần khẩn trương nghiên cứu, xây dựng, đề xuất đưa vào chương trình xây dựng pháp luật năm 2024 sửa đổi một số điều của Luật NSNN về rút ngắn quy trình, thời gian quyết toán NSNN (để áp dụng năm 2025 phê chuẩn quyết toán NSNN năm 2024).
Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn đề nghị Chính phủ, trong trường hợp không kịp sửa đổi một số điều của Luật NSNN trong năm 2024, khẩn trương xây dựng dự thảo Nghị quyết thí điểm rút ngắn quy trình, thời gian quyết toán NSNN hằng năm báo cáo Quốc hội tại Kỳ họp thứ 7 làm căn cứ để tổ chức thực hiện, phê chuẩn quyết toán NSNN năm 2024 ngay trong năm 2025. |