Đến năm 2030, Việt Nam đạt mức xếp hạng “Đầu tư” là khả thi
Xếp hạng tín nhiệm quốc gia giúp tăng niềm tin các nhà đầu tư đối với Việt Nam.

PV: Ông đánh giá như thế nào về diễn biến xếp hạng tín nhiệm quốc gia của Việt Nam trong thời gian qua?

Ông Karby Leggett: Trong 2 năm vừa qua, các tổ chức xếp hạng tín nhiệm đã ghi nhận khả năng chống chịu của nền kinh tế để tăng trưởng và tình hình tài chính công của Việt Nam trước những ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, cũng như việc cải thiện các chỉ số tài chính đối ngoại.

Đến năm 2030, Việt Nam đạt mức xếp hạng “Đầu tư” là khả thi
Ông Karby Leggett

Ba tổ chức xếp hạng tín nhiệm quốc tế (Moody’s, Standard & Poor’s và Fitch Ratings) đã điều chỉnh triển vọng đối với Việt Nam lên mức “Tích cực” vào đầu năm 2021 để phản ánh những yếu tố này. Kinh tế vĩ mô ổn định và triển vọng tăng trưởng hết sức tươi sáng, với sự hỗ trợ của sức cạnh tranh trong xuất khẩu và dòng vốn đầu tư mạnh mẽ, đã được đánh giá là yếu tố then chốt trong việc tăng xếp hạng tín nhiệm của Việt Nam.

PV: Ông có nhận xét gì giữa Việt Nam với một số nền kinh tế mới nổi trong khu vực ASEAN và châu Á về khía cạnh xếp hạng tín nhiệm quốc gia?

Ông Karby Leggett: Theo các cơ quan xếp hạng tín nhiệm, tăng trưởng GDP của Việt Nam được duy trì mạnh mẽ và những tác động của đại dịch lên tình hình tài chính công của Việt Nam nhỏ hơn các quốc gia khác trong khu vực. Đối trọng với những thế mạnh này là mức thu ngân sách khá thấp, cũng như những rủi ro nghĩa vụ nợ dự phòng tiềm ẩn từ lĩnh vực ngân hàng.

Khi nhìn vào các quốc gia châu Á đã được nâng xếp hạng tín nhiệm lên mức “Đầu tư” trong 10 năm qua, các động lực chính được các tổ chức xếp hạng tín nhiệm xem xét đến bao gồm khả năng giảm thiểu rủi ro nghĩa vụ nợ dự phòng đối với tình hình tài chính công thông qua nâng cao sức khỏe hệ thống ngân hàng, cam kết cải cách tài khóa và mở rộng cơ sở thu ngân sách một cách bền vững thông qua việc củng cố nguồn vốn.

PV: Vậy theo ông, ý nghĩa của việc một quốc gia được nâng xếp hạng tín nhiệm lên mức “Đầu tư” là gì?

Ông Karby Leggett: Việc nâng xếp hạng tín nhiệm lên mức “Đầu tư” sẽ mang đến nhiều lợi ích như: sự ghi nhận tốt hơn từ cộng đồng các nhà đầu tư, các kênh tiếp cận vốn đa dạng hơn và chi phí đi vay thấp hơn, bên cạnh các lợi ích khác.

Chất lượng hoạch định chính sách tài khóa và tăng trưởng sẽ là
yếu tố được chú ý

“Chúng tôi tin rằng, việc chuyển hóa triển vọng tín nhiệm hiện tại ở mức “Tích cực” thành các sự kiện nâng hạng tín nhiệm sẽ là bước đi tiếp theo của Việt Nam trong tiến trình nhằm đạt được mức xếp hạng “Đầu tư”. Trong ngắn hạn, các tổ chức xếp hạng có thể sẽ tập trung vào tiến trình nâng cao chất lượng hoạch định chính sách tài khóa của Chính phủ, cũng như khả năng Việt Nam có thể duy trì mức tăng trưởng mạnh mẽ và vai trò quan trọng của quốc gia trong chuỗi cung ứng toàn cầu” - ông Karby Leggett nêu quan điểm.

Lộ trình cải thiện xếp hạng tín nhiệm của Việt Nam để đạt được mức “Đầu tư” trong 10 năm tới sẽ bao gồm sự kết hợp giữa các mục tiêu định lượng và định tính, song song với việc duy trì sức khỏe tín dụng trong quá trình hiện thực hóa các tiềm năng tăng trưởng và củng cố vị thế tài chính đối ngoại, như các tổ chức xếp hạng tín nhiệm đã ghi nhận.

Chúng tôi tin rằng, việc chuyển hóa triển vọng tín nhiệm hiện tại ở mức “Tích cực” thành các sự kiện nâng hạng tín nhiệm sẽ là bước đi tiếp theo của Việt Nam, trong tiến trình nhằm đạt được mức xếp hạng “Đầu tư”. Trong ngắn hạn, các tổ chức xếp hạng có thể sẽ tập trung vào tiến trình nâng cao chất lượng hoạch định chính sách tài khóa của Chính phủ, cũng như khả năng Việt Nam có thể duy trì mức tăng trưởng mạnh mẽ và vai trò quan trọng của quốc gia trong chuỗi cung ứng toàn cầu.

Trong trung và dài hạn, các cơ quan xếp hạng tín nhiệm sẽ nhìn vào các yếu tố mang tính định tính hơn để xem xét việc nâng hạng. Những yếu tố này có thể sẽ bao gồm gia tăng thu ngân sách và cải thiện các chỉ số chất lượng thể chế của Việt Nam, ví dụ như Chỉ số Quản trị toàn cầu (WGI).

Nếu Việt Nam tiếp tục đạt được những bước tiến trong quá trình hiện thực hóa các mục tiêu này đến năm 2030 và các tổ chức xếp hạng tín nhiệm tiếp tục duy trì triển vọng tích cực đối với mức độ tín nhiệm của Viêt Nam, chúng tôi tin rằng, việc đạt được mức xếp hạng “Đầu tư” là hoàn toàn khả thi.

PV: Theo ông, những nhóm vấn đề Việt Nam cần tập trung cải thiện để đạt được mục tiêu nâng xếp hạng tín nhiệm, đặc biệt trong bối cảnh Covid-19 là gì?

Ông Karby Leggett: Các tổ chức xếp hạng tín nhiệm đã nêu bật các yếu tố sẽ hỗ trợ Việt Nam trong tiến trình cải thiện xếp hạng tín nhiệm quốc gia, bao gồm: duy trì mức tăng trưởng cao bền vững so với các quốc gia tương đồng khác, thông qua tăng cường nguồn vốn đầu tư và củng cố vị thế tài chính đối ngoại; tiếp tục cải thiện tình hình tài chính công thông qua ổn định nợ trung hạn và tăng thu ngân sách, cũng như giảm rủi ro nghĩa vụ nợ dự phòng từ hệ thống ngân hàng.

PV: Ông có khuyến nghị gì về chính sách tài khóa - tiền tệ trong phòng chống dịch và phục hồi kinh tế trong giai đoạn tới của Việt Nam?

Ông Karby Leggett: Mức triển vọng tích cực của Việt Nam hiện tại thể hiện sức khỏe tài khóa và kinh tế đang được nâng cao, tín hiệu cho thấy hiệu quả trong việc cải thiện các chính sách tiền tệ và tài khóa sẽ có thể hỗ trợ tích cực tới tiến trình nâng cao xếp hạng tín nhiệm quốc gia của Việt Nam như các tổ chức xếp hạng tín nhiệm đã nêu rõ.

Theo các tổ chức xếp hạng tín nhiệm, những tác động của đại dịch lên tình hình tài chính công của Việt Nam hy vọng sẽ chỉ là tạm thời. Vì vậy việc tiếp tục củng cố tài khóa và đạt được những bước tiến trong ngắn hạn sẽ hỗ trợ các chỉ số nợ và tài khóa. Việc duy trì ổn định kinh tế vĩ mô và lạm phát thấp cũng được các tổ chức xếp hạng tín nhiệm ghi nhận trong đánh giá tín nhiệm của các tổ chức này.

PV: Xin cảm ơn ông!

Chất lượng hoạch định chính sách tài khóa
và tăng trưởng sẽ là yếu tố được chú ý

Theo ông Ramachandran A.S - Tổng giám đốc Citi Việt Nam, để có bước chuyển thành công tăng xếp hạng tín nhiệm lên mức “Đầu tư” sẽ phụ thuộc vào việc Việt Nam có thể duy trì các thế mạnh có thể định lượng, đồng thời giải quyết các hạn chế trong các tiêu chí định tính đã được các tổ chức xếp hạng chỉ rõ. Một vài gợi ý mang tính chất tham khảo, Việt Nam có thể cân nhắc trong việc giải quyết những hạn chế này trong vài năm tới bao gồm:

Trong ngắn hạn, Việt Nam tiếp tục các chiến lược đẩy lùi Covid-19, các chính sách chống dịch của Chính phủ và chiến dịch tiêm chủng. Chính phủ cũng thực hiện các chính sách giải quyết thị trường lao động, giám sát hoạt động tài khóa và ngân sách chính phủ trong bối cảnh chi tiêu cho chăm sóc sức khỏe nhiều hơn.

Trong ngắn hạn đến trung hạn, Chính phủ tiếp tục đa dạng hóa kinh tế, cải thiện năng lực về dữ liệu tập trung vào việc tăng cường tính minh bạch và trách nhiệm, giám sát lĩnh vực ngân hàng, chất lượng tài sản và áp dụng mức vốn cao hơn...

Trong trung hạn, Việt Nam tăng cường năng lực thể chế và nâng cao tính minh bạch trong quá trình ra quyết định, thúc đẩy chương trình số hóa khu vực công, tiếp tục đầu tư vào nguồn vốn con người và phát triển xã hội, tiếp tục tăng cường lĩnh vực ngân hàng và giám sát liên quan, đầu tư vào chuyển đổi năng lượng và khả năng chống chịu với biến đổi khí hậu.