Cổ phiếu lớn phân hóa

Khả năng duy trì giá cổ phiếu tăng giảm khác nhau đến từ nhu cầu mua bán cụ thể. Chừng nào nhà đầu tư muốn bán ra vẫn còn gặp nhà đầu tư mua vào ở một mức giá tốt, cổ phiếu sẽ không rơi vào trạng thái tăng hay giảm đồng loạt. Trạng thái phân hóa cũng thể hiện dòng tiền lựa chọn khác nhau.

Hôm nay giao dịch không xấu, dù thị trường đi ngang khó chịu. Hiện tượng phân hóa trong nhóm blue-chips tiếp tục khiến VN-Index gần như mất lực, chỉ có thể lình xình vì mã này bù điểm số cho mã khác.

Ngay trong từng nhóm cổ phiếu, hiện tượng phân hóa cũng khiến giá mạnh yếu khác nhau. Ví dụ cổ phiếu ngân hàng, VPB đóng cửa tăng 1,49%, TPB tăng 2,96%, STB tăng 1,7% nhưng hàng loạt cổ phiếu giảm như VCB, BID, HDB, ACB, MBB. Các mã như CTG, TCB tăng không đáng kể.

VN-Index đi ngang phiên thứ 4 liên tiếp, mãi không vượt nổi mốc 1400
Diễn biến phiên giao dịch VN-Index

Hay như các trụ khác cũng vậy: VIC tăng 0,11% thì VHM giảm 0,25%, VRE giảm 0,65%. SAB tăng 1,75% nhưng phải bù hết cho MSN giảm 0,77%, MWG giảm 0,82%, VJC giảm 2,01%. GAS tăng 0,63% nhưng PLX giảm 0,56%...

Tổng thể rổ VN30 phiên này có 11 mã tăng và 18 mã giảm, mức phân hóa chưa đủ để tích cực. Chỉ số này tăng 0,1% cuối ngày hoàn toàn nhờ yếu tố vốn hóa, ví dụ của VPB, TPB, HPG. VN-Index cung thế, có 206 cổ phiếu tăng và 216 cổ phiếu giảm nhưng chỉ số vẫn tăng gần 1 điểm.

Trạng thái phân hóa được nhìn nhận là đặc trưng của giai đoạn công bố thông tin kết quả kinh doanh. Nhà đầu tư coi trọng thông tin và số liệu hơn các yếu tố khác. Vì vậy các mã được cho là có tin hỗ trợ sẽ dễ tăng hơn.

Điều bất lợi của trạng thái phân hóa là VN-Index rất khó nhận được lực đẩy mạnh để hình thành xu hướng rõ ràng. Ví dụ VHM, VCB giảm là một thiệt thòi lớn, vì hai mã này vốn hóa cao. Mặc dù nhà đầu tư có thể tìm kiếm cơ hội ở nhiều cổ phiếu khác theo nhóm ngành hoặc kết quả kinh doanh, nhưng xu hướng của VN-Index là đại diện cho thị trường. Xu hướng tăng không xuất hiện thì rất khó để lôi kéo dòng tiền vào mạnh.

Đang có một lực chốt lời xuất hiện quanh mốc 1.400

Diễn biến đáng chú ý nhất trong phiên giao dịch hôm nay là một nhịp sụt giảm rất nhanh trong nửa sau phiên chiều. VN-Index sau khi nhiều lần cố gắng vượt mốc 1.400 điểm không thành công bất ngờ chịu sức ép lớn và lao dốc giảm thủng cả tham chiếu trước khi có hồi lại về cuối.

Mốc 1.400 điểm là ngưỡng kháng cự tâm lý quan trọng. Rất nhiều lần VN-Index cố gắng vượt mốc này không thành công trong tuần. Trong 4 phiên cuối tuần này, chỉ số có tới 8 lần nỗ lực tiến vào vùng kháng cự và đều lùi lại. Phiên ngày 12/10 chỉ số có một nhịp tăng qua mốc 1.400 điểm. Phiên này 13/10 có tới 3 lần vượt. Hôm nay chỉ số cũng 3 lần lên sát 1.399 điểm.

Mức độ va chạm kiểm định một ngưỡng kỹ thuật như vậy là hiếm có. Dường như đang có một lực chốt lời xuất hiện quanh mốc này, dù chỉ số đôi khi không đại diện cho các ngưỡng kháng cự ở cổ phiếu.

Thực tế có hai quan điểm đầu tư ngắn hạn lúc này. Thứ nhất là những người chỉ quan tâm đến cổ phiếu của mình và chọn thời điểm bán dựa trên giá cổ phiếu. Thứ hai là người quan sát xu hướng VN-Index liệu có vượt các ngưỡng kháng cự quan trọng để mở rộng xu hướng tăng hay không.

Rõ ràng nếu coi trọng chỉ số VN-Index thì thị trường đang ở vùng khá nhạy cảm. Từ ngưỡng 1400 điểm lên đỉnh lịch sử 1420 điểm không còn bao xa. Nếu VN-Index vượt đỉnh để bước vào sóng tăng mới thì rất tốt, nhưng cũng có khả năng chỉ số sẽ thất bại. Do đó đây là thời điểm thận trọng chứ không phải hưng phấn.

Kết quả kinh doanh sẽ xuất hiện dồn dập trong tuần tới và hiện tại các cổ phiếu lớn nhất gần như không phản ứng tăng giá. VCB, VHM, VIC, VNM, CTG, BID đều chưa thể hiện kỳ vọng gì khác biệt về triển vọng lợi nhuận quý 3. Trong khi các mã này lại là nhóm cổ phiếu đưa VN-Index vượt đỉnh lịch sử.

VN-Index đi ngang phiên thứ 4 liên tiếp, mãi không vượt nổi mốc 1400

HSX

HNX

Giá trị Khớp lệnh

Khối lượng Khớp lệnh

Giá trị Khớp lệnh

Khối lượng Khớp lệnh

20.512 tỷ đồng (-1%)

743,7 triệu (+8%)

2.513 tỷ đồng (+5%)

114,7 triệu (+10%)