Đi ngược xu thế, Việt Nam nỗ lực tăng trưởng cao bằng những giải pháp đặc biệt
Tăng cường giải ngân vốn đầu tư công góp phần hỗ trợ tăng trưởng. Ảnh minh họa

Điều kiện đặc biệt phải có những giải pháp đặc biệt

Phát biểu tại tổ, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nêu rõ bối cảnh kinh tế thế giới đang đối diện nhiều khó khăn. Các tổ chức, các nước lớn đều dự báo tăng trưởng kinh tế năm nay thấp hơn năm ngoái và thấp hơn dự báo đầu năm. Trong khi đó, Việt Nam “đi ngược xu thế” khi đặt mục tiêu tăng trưởng cao hơn dự kiến ban đầu.

Tạo không khí phấn khởi trong toàn xã hội

Cử tri và nhân dân đang dõi theo và hết sức ủng hộ các chủ trương của Đảng, Nhà nước, nhất là việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp, sắp xếp đơn vị hành chính, sáp nhập các tỉnh, không tổ chức cấp huyện... “Những kết quả đạt được trong thời gian qua đã tạo không khí rất phấn khởi trong toàn xã hội” - đại biểu Nguyễn Quang Huân (Bình Dương) nhận xét.

Để thực hiện được mục tiêu đề ra, Thủ tướng nhấn mạnh, chúng ta tiếp tục tiến hành tích cực 3 đột phá chiến lược về thể chế, hạ tầng và nguồn nhân lực. Cùng với đó, Bộ Chính trị đã ban hành 4 Nghị quyết bao gồm Nghị quyết số 57-NQ/TW ngày 22/12/2024 về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia; Nghị quyết 59-NQ/TW ngày 24/1/2025 về "Hội nhập quốc tế trong tình hình mới"; Nghị quyết số 66-NQ/TW về đổi mới công tác xây dựng và thi hành pháp luật đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước trong kỷ nguyên mới; Nghị quyết số 68-NQ/TW ngày 4/5/2025 về phát triển kinh tế tư nhân. Đây là “bộ tứ chiến lược” để đưa đất nước ta phát triển nhanh và bền vững. Bên cạnh những giải pháp đột phá này, các động lực tăng trưởng cũ, bao gồm đầu tư, xuất khẩu, tiêu dùng, cũng được làm mới bằng nhiều giải pháp.

“Điều kiện đặc biệt phải có giải pháp đặc biệt, phải thích ứng linh hoạt và hiệu quả với tình hình thì ta mới dám đi ngược lại, để đạt được mục tiêu tăng trưởng. Các bộ, các ngành, các cấp phải cùng nhau đoàn kết, đồng lòng… Quyết tâm phải cao, nỗ lực phải lớn, hành động phải quyết liệt, làm việc nào ra việc đấy” - Thủ tướng nhấn mạnh.

Trên tinh thần đó, Thủ tướng bày tỏ mong muốn Quốc hội, các đại biểu Quốc hội ủng hộ những vấn đề Chính phủ đang trình, đặc biệt là về phân cấp phân quyền. Theo Thủ tướng, cần phân cấp, phân quyền đi đôi với phân bổ nguồn lực, thiết kế công cụ giám sát, tăng cường năng lực thực thi và năng lực giám sát. Như vậy, sẽ tránh được lãng phí thời gian và cơ hội. “Ai làm tốt thì phân cấp, ai gần dân nhất thì phân cấp, ai hỗ trợ được người dân theo tinh thần chủ động phục vụ nhân dân thì chúng ta phân cấp” - Thủ tướng đề nghị.

Tiếp tục cải cách mạnh mẽ thể chế

Thảo luận tại tổ, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn điểm lại nhiều thành tựu nổi bật của năm 2024 và những tháng đầu năm nay. Theo đó, năm 2024, lần đầu tiên sau nhiều năm chúng ta đạt toàn bộ 15/15 chỉ tiêu kinh tế - xã hội. Những tháng đầu năm, kinh tế vĩ mô duy trì ổn định, lạm phát được kiểm soát tốt; tăng trưởng tín dụng tích cực; thu ngân sách 4 tháng đầu năm đạt trên 944 nghìn tỷ đồng, bằng 48% dự toán...

Bên cạnh những kết quả đạt được, Chủ tịch Quốc hội cũng lưu ý, trong điều hành những tháng còn lại của năm 2025 không được chủ quan bởi tình hình thế giới vẫn diễn biến phức tạp, đòi hỏi phải linh hoạt trong các chiến lược thương mại, đàm phán quốc tế.

Phân tích tình hình hiện nay và những thách thức đặt ra trong những tháng cuối năm, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn yêu cầu tập trung khắc phục một số hạn chế có nguyên nhân chủ quan như: tiến độ giải ngân đầu tư công rất chậm; sức mua phục hồi chậm ở một số lĩnh vực phản ánh cầu tiêu dùng trong nước chưa thực sự mạnh mẽ…

Bên cạnh đó, Chủ tịch Quốc hội nhất trí với đánh giá của các đại biểu về việc cần thiết phải có những giải pháp căn cơ hơn để khắc phục tình trạng hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng.

Về giải pháp cần tập trung trong thời gian tới, Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh phải tăng cường giải ngân đầu tư công; thúc đẩy lĩnh vực khoa học, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số; tăng cường xuất khẩu, mở rộng thị trường ra các nước khác ngoài các thị trường truyền thống.

“Quốc hội sẽ luôn đồng hành với Chính phủ, dưới sự lãnh đạo của Đảng, tiếp tục cải cách mạnh mẽ thể chế pháp luật để đáp ứng yêu cầu, thực sự tháo gỡ khó khăn cho nền kinh tế” - Chủ tịch Quốc hội nêu rõ.

“Sốt ruột” với việc cải thiện môi trường kinh doanh

Đại biểu Hà Sỹ Đồng (đoàn Quảng Trị) bày tỏ “rất sốt ruột” với việc cải thiện môi trường kinh doanh, vấn đề mà đại biểu cho là mang tính chất quyết định với tăng trưởng.

Theo đại biểu, các Nghị quyết 57-NQ/TW, Nghị quyết 66-NQ/TW, Nghị quyết 68-NQ/TW của Bộ Chính trị đã có những yêu cầu rất rõ về vấn đề này. Song, tình trạng các doanh nghiệp phản ánh vướng mắc bất cập trong môi trường kinh doanh vẫn rất nhiều và thậm chí ngày càng đi vào những vấn đề khó. “Nếu chúng ta không chấp nhận một cuộc cách mạng trong môi trường kinh doanh thì tôi e là những cải thiện nho nhỏ sẽ không mang lại kết quả đáng kể”, đại biểu nhận xét.

Phân tích rõ hơn, đại biểu cho rằng nếu không có đột phá về môi trường kinh doanh thì chắc chắn mục tiêu tăng trưởng dài hạn hai con số trong hai thập kỷ tiếp theo không thể đạt được.

Trong khi đó, các báo cáo của VCCI vẫn cho thấy các dự án đầu tư phải qua “rừng thủ tục”, việc tiếp cận đất đai ngày càng khó khăn. “Với tình trạng rừng thủ tục, núi thủ tục như vậy, chúng ta không thể huy động được đủ đầu tư tư nhân để phục vụ tăng trưởng”, đại biểu thẳng thắn.

Do đó, theo đại biểu, tháo gỡ khó khăn cho dự án đầu tư phải được coi là trọng tâm của trọng tâm khi muốn đặt mục tiêu tăng trưởng cao liên tục nhiều năm.

Chấm dứt tình trạng “ai cũng đúng nhưng kết quả vẫn sai”

Để đạt mục tiêu tăng trưởng 8% trở lên, đại biểu Nguyễn Như So (đoàn Bắc Ninh) cho rằng, chính sách tài khóa và tiền tệ cần thật sự trở thành “đòn bẩy tăng trưởng”.

Theo đại biểu, thời gian qua, Chính phủ đã rất nỗ lực với các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, như hỗ trợ lãi suất, vốn… Song, thực tế triển khai lại rất chật vật. Chính sách có, tiền có, nhưng doanh nghiệp không chạm được. Vì vậy, điều cấp thiết là cải tổ toàn diện cơ chế thực thi để dòng vốn chảy đến đúng nơi cần thiết, đại biểu đề nghị.

Các giải pháp đại biểu đề xuất bao gồm cải cách tư duy đánh giá tín dụng phù hợp với từng loại hình doanh nghiệp. Không áp dụng một bộ tiêu chí giống nhau cho cả tập đoàn lớn và doanh nghiệp khởi nghiệp. Hệ thống tài chính ngân hàng cần chuyển từ “tư duy sổ đỏ” sang “tư duy dòng tiền”, đánh giá năng lực trả nợ dựa trên dữ liệu kinh doanh, lịch sử đóng thuế…

Cùng với đó, giao chỉ tiêu giải ngân bắt buộc cho từng tổ chức tín dụng. Tuy nhiên chỉ tiêu không chỉ là “bao nhiêu tiền đã ra khỏi quỹ”, mà là “đã đến tay ai, hiệu quả ra sao”. Công khai số liệu, có khen, có phạt và chấm dứt tình trạng “ai cũng đúng nhưng kết quả vẫn sai”, đại biểu nhấn mạnh.

Đại biểu cũng đề nghị khẩn trương thiết lập hệ thống giám sát độc lập, với bộ chỉ tiêu đo lường minh bạch: tỷ lệ giải ngân, số hồ sơ tiếp cận thành công, tỷ lệ bị từ chối và lý do cụ thể. Không thể để “tiền nằm trong ngân hàng, doanh nghiệp nằm trên bờ vực”.