VIC tăng 2 phiên bằng cả tháng

Cổ phiếu gây bất ngờ nhất hôm nay dĩ nhiên là VIC. Sau phiên bùng nổ ngày 4/1, VIC chững lại phiên hôm qua. Tuy nhiên ngay hôm nay giá lại bật tăng cực mạnh nữa. Dĩ nhiên việc xuất hiện tại sự kiện quốc tế về công nghệ là một tin tốt, nhưng cũng không phải là yếu tố hỗ trợ gì quá sốc. Dù vậy VIC vẫn tăng khỏe.

Ở biên độ mạnh nhất, VIC tăng 6,4% so với tham chiếu. Như vậy chỉ 3 phiên đầu tháng 1, VIC đã bay cao gần 10%. Nếu tính theo giá đóng cửa thì chỉ 2 phiên tăng vừa rồi, VIC lấy lại gần như hết mức giảm trong cả tháng 12 (-11,2%).

Điểm tăng nhờ cổ phiếu lớn, tiền vẫn tràn sang các mã vừa và nhỏ
Diễn biến phiên giao dịch VN-Index

Nhịp tăng gấp gáp này có nét giống với hai phiên cuối tháng 11/2021 (giá tăng khoảng 12%) nhưng rồi lại đạt đỉnh nhanh chóng và giảm suốt cả tháng sau đó. Thời điểm hiện tại là đầu tháng 1, gần đến lúc công bố kết quả kinh doanh nên không hẳn VIC sẽ lặp lại quá khứ. Tuy nhiên mức tăng nhanh cũng sẽ dẫn tới áp lực chốt lời.

Chiều nay VIC bị xả tương đối mạnh với thanh khoản hơn 196 tỷ đồng và giá lùi dần. Từ mức tăng cao nhất 6,4% lúc 2h, đến cuối phiên VIC chỉ còn tăng 4,5%. Biên độ lùi giá 1,79% trong phiên này chính là tác động của áp lực chốt lời.

Ngoài VIC, một số cổ phiếu lớn khác cũng là động lực để VN-Index duy trì được phiên tăng hôm nay. Đó là VHM tăng 1,55%, VCB tăng 1,41%, VRE tăng 6,91%, BID tăng 2,56%. Không khó để thấy đây toàn là các cổ phiếu vốn hóa hàng đầu thị trường, đủ để đảm bảo cho chỉ số.

Ngoài số tăng nói trên, mặt bằng giá blue-chips nhìn chung là yếu. Số giảm giá nhiều hơn số tăng là một chuyện, ngay cả các mã còn tăng thì biên độ hầu hết cũng nhỏ. Vn30-Index đóng cửa giảm nhẹ hơn 1 điểm. Các cổ phiếu tăng giá không có yếu tố nhóm ngành, chẳng hạn ngân hàng vẫn có CTG giảm 2,16%, MBB giảm 1,22%, TCB giảm 1,19%, VPB giảm 0,99%. Bất động sản vẫn có NVL giảm 1,01%... Với blue-chips, cổ phiếu nào tăng giảm liên quan nhiều tới câu chuyện điểm số hơn.

Nhóm vốn hóa nhỏ vẫn là các cổ phiếu mạnh nhất phiên này, bất chấp rung lắc. 38 mã kịch trần thì đại đa số là vốn hóa nhỏ. SCR, HAI, AMD, ITA, AAA, DXS... khớp lệnh hàng chục triệu cổ phiếu mỗi mã và giá tăng hết biên độ.

Dòng tiền vẫn chưa về blue-chips

Mức thanh khoản rất tốt hôm nay, tới hơn 39,3 ngàn tỷ đồng tổng giao dịch hai sàn niêm yết, cao nhất 9 phiên. Nếu tính riêng khớp lệnh con số cũng tới trên 36,9 ngàn tỷ đồng. Nói chung thị trường đang quay trở lại mặt bằng thanh khoản trên 30 ngàn tỷ đồng.

Tuy vậy các blue-chips vẫn chưa cho thấy sự nổi trội về thanh khoản. Hôm nay mức khớp lệnh của HoSE tăng gần 8% về giá trị, nhưng VN30 chỉ tăng 6%, đạt 10.156 tỷ đồng và chiếm 30,7% tổng thanh khoản sàn. Đây không phải là tỷ phần lớn vì tuần trước trung bình rổ này đã chiếm 32,2% sàn. Tỷ trọng đáng chú ý nhất là phiên đầu tuần, với 35,8%. Như thế hai ngày qua giao dịch của VN30 dù có gia tăng về con số tuyệt đối thì vẫn là giảm thị phần do các nhóm cổ phiếu khác còn tăng thanh khoản nhanh hơn.

Trong 5 cổ phiếu có giá trị khớp lệnh lớn nhất thị trường hôm nay, thì cũng có 3 mã trong VN30 là STB, VHM và VRE. Tuy vậy đây là những cổ phiếu hơi cá biệt nổi trội. Trong Top 20, chỉ có 9 cổ phiếu thuộc VN30. Như vậy ngoài các mã nổi bật về thanh khoản thì nhìn chung số còn lại của rổ blue-chips giao dịch tương đối yếu.

Ngược lại, với hàng chục cổ phiếu nhỏ tăng giá kịch trần, dòng tiền vẫn đang bị hút về phía hoạt động đầu cơ. Các blue-chips đang rơi vào tình trạng “con gà-quả trứng” khi giá tăng yếu khiến dòng tiền cảm thấy không hấp dẫn, tạo thanh khoản kém. Thanh khoản kém, ít tiền thì giá lại ít biến động mạnh.

Điểm tăng nhờ cổ phiếu lớn, tiền vẫn tràn sang các mã vừa và nhỏ

HSX

HNX

Giá trị Khớp lệnh

Khối lượng Khớp lệnh

Giá trị Khớp lệnh

Khối lượng Khớp lệnh

33.029 tỷ đồng (+8%)

1087,2 triệu (+10%)

3.899 tỷ đồng (-1%)

139,7 triệu (+6%)