Định mức tín nhiệm, công cụ hiệu quả cho thị trường trái phiếu doanh nghiệp

Nhu cầu thực

Các quy định liên quan đến định mức tín nhiệm đã được quy định trong các văn bản pháp luật thời gian qua. Trong đó, Luật Chứng khoán quy định một trong những điều kiện đối với doanh nghiệp chào bán trái phiếu ra công chúng là phải có kết quả xếp hạng tín nhiệm đối với tổ chức phát hành trái phiếu, theo quy định của Chính phủ về các trường hợp phải xếp hạng tín nhiệm và thời điểm áp dụng.

Đối với trái phiếu doanh nghiệp (TPDN) phát hành riêng lẻ, Nghị định số 153/2020/NĐ-CP (quy định về chào bán, giao dịch TPDN riêng lẻ tại thị trường trong nước và cháo bán TPDN ra thị trường quốc tế) không có quy định về yêu cầu về kết quả điểm xếp hạng tín nhiệm.

Khuyến khích kênh đầu tư dài hạn

Việc thực hiện hoạt động xếp hạng tín nhiệm hiệu quả sẽ góp phần khuyến khích kênh đầu tư dài hạn tại Việt Nam và mở rộng cơ sở nhà đầu tư, thu hút sự tham gia sâu rộng bởi các quỹ đầu tư, công ty bảo hiểm, quỹ hưu trí, các định chế tài chính trong và ngoài nước.

Sau đó, Nghị định số 65/2022/NĐ-CP (sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 153) đã bổ sung thêm điều kiện đối với doanh nghiệp phát hành TPDN riêng lẻ là cũng phải kết quả xếp hạng tín nhiệm theo các trường hợp và lộ trình thực hiện như quy định đối với chào bán trái phiếu ra công chúng. Nội dung này tạm thời chưa thực hiện trong năm 2023 sau khi Nghị định số

08/2023/NĐ-CP ban hành, trong đó quy định ngưng hiệu lực một số quy định tại Nghị định 65 và Nghị định 153 về một số nội dung. Đó là quy định về việc xác định tư cách nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp là cá nhân, quy định về thời gian phân phối trái phiếu của từng đợt phát hành, quy định về kết quả xếp hạng tín nhiệm đối với doanh nghiệp phát hành trái phiếu. Việc ngưng thực hiện các nôi dung trên chỉ đến hết 31/12/2023.

Đánh giá về sự cần thiết của hoạt động xếp hạng tín nhiệm đối với thị trường TPDN, thời gian qua phần lớn các chuyên gia tài chính đều cho rằng đây là việc cần thiết nhằm minh bạch hóa thị trường, tăng thêm kênh tham khảo hiệu quả cho nhà đầu tư.

Theo đánh giá của ông Nguyễn Quang Thuân - Chủ tịch Công ty FiinRatings, các thông tin về rủi ro liên quan tới các tổ chức phát hành trái phiếu chưa đầy đủ và rõ ràng, dẫn đến thiếu điều kiện xác định rủi ro tín dụng của tổ chức phát hành và rủi ro tín dụng của trái phiếu. Trong đó, thông tin rủi ro tín dụng là một thông tin quan trọng. Nếu thiếu thông tin này sẽ dẫn đến việc nhà đầu tư bị hạn chế trong khả năng xác định tỷ lệ lợi tức yêu cầu của trái phiếu.

Nhận diện cơ hội với thị trường Việt Nam

Thực tế, việc phát triển hoạt động xếp hạng tín nhiệm có thể sẽ mở ra cho thị trường nhiều cơ hội mới. Bởi theo các chuyên gia, hoạt động này sẽ là cơ sở, hạ tầng quan trọng để giúp thị trường TPDN có thể đa dạng hóa cơ sở nhà đầu tư tham gia.

Việc phân loại đánh giá trái phiếu với các mức độ xếp hạng tín nhiệm khác nhau sẽ hỗ trợ cho các nhà đầu tư trong việc quản trị danh mục đầu tư theo mức độ xếp hạng tín nhiệm, tùy theo khẩu vị rủi ro và mức độ an toàn, mô hình hoạt động của định chế đầu tư.

Định mức tín nhiệm, công cụ hiệu quả cho thị trường trái phiếu doanh nghiệp
Ảnh minh họa

Ông Ritesh Maheshwari - Giám đốc điều hành, phụ trách khu vực Đông Nam Á, S&P Global Ratings cho biết, việc thực hiện xếp hạng tín nhiệm sẽ góp phần làm gia tăng độ sâu thị trường trái phiếu. Cụ thể là, việc này có thể giúp nhà đầu tư đánh giá về các tổ chức phát hành, kết hợp phân tích so sánh với các doanh nghiệp tương đồng cũng như các tài sản khác, có thể giúp quá trình đưa ra quyết định của nhà đầu tư tốt hơn. Điều này không chỉ có ý nghĩa quan trọng với các nhà đầu tư cá nhân thiếu thông tin mà còn cần thiết cả với các tổ chức đầu tư chuyên nghiệp.

Theo đó, điểm xếp hạng tín nhiệm sẽ góp phần chuẩn hóa công cụ đầu tư cho các nhà đầu tư tổ chức. Qua đó, các tổ chức tài chính có thêm các thông số quan trọng bổ sung vào các công cụ phân tích lợi nhuận và rủi ro của các loại tài sản tài chính, để xây dựng các nguyên lý quản trị danh mục đầu tư.

Thông lệ quốc tế cũng cho thấy, các quỹ đầu tư mang tính đại chúng hoặc quỹ đầu tư bảo hiểm hoặc quỹ hưu trí nên ưu tiên đầu tư vào các trái phiếu được xếp hạng ở mức có tính đầu tư hoặc ở một tỷ lệ nhất định. Thông lệ này đã được áp dụng ở nhiều nước trên thế giới và trong khu vực.

Mặc dù vậy, một số chuyên gia cũng cho rằng, việc thực hiện xếp hạng tín nhiệm cũng cần có cách thức tổ chức hợp lý để tối ưu hiệu quả, tránh tình trạng thiên về hình thức. TS. Cấn Văn Lực - Thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tiền tệ quốc gia cho biết, việc thực hiện xếp hạng tín nhiệm cho các tổ chức phát hành có thể phân nhóm, có những nhóm cần xếp hạng tín nhiệm nhưng có nhóm không cần xếp hạng tín nhiệm. Ví dụ, ngân hàng thương mại không cần xếp hạng tín nhiệm vì họ phát hành mục đích rất rõ là để tăng vốn cấp hai, thứ nữa là các ngân hàng đã có hệ thống quản trị rủi ro và các chỉ số riêng về hệ số an toàn theo quy định của Ngân hàng Nhà nước./.