PV: Ông có thể cho biết nguyên do và tầm quan trọng của việc VCCI đứng ra chủ trì tổ chức cuộc khảo sát đánh giá mức độ hài lòng của doanh nghiệp (DN) về việc thực hiện thủ tục hành chính thông qua Cơ chế một cửa quốc gia và thủ tục quản lý, kiểm tra chuyên ngành?

Đo mức độ hài lòng của doanh nghiệp: Cải cách thủ tục xuất nhập khẩu sẽ ngày càng thực chất hơn
Ông Đậu Anh Tuấn

Ông Đậu Anh Tuấn: Tại Nghị quyết 02/NQ-CP về việc tiếp tục thực hiện các nhiệm vụ giải pháp cải thiện môi trường kinh doanh nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, Chính phủ đã đặt hàng cho VCCI tiến hành theo dõi, đánh giá độc lập thường xuyên về tình hình và kết quả thực hiện nghị quyết; trực tiếp báo cáo Thủ tướng Chính phủ.

Có thể nói, kể từ năm 2012, VCCI đã phối hợp với Bộ Tài chính, Tổng cục Hải quan thực hiện các khảo sát thường niên về mức độ hài lòng của DN đối với thủ tục hành chính trong lĩnh vực xuất nhập khẩu.

Các kết quả nghiên cứu này đã nhận được đánh giá cao từ Chính phủ. Tại Thông báo số 105/TB-VPCP ngày 22/3/2019, Chính phủ đã chỉ đạo: “Tổng cục Hải quan phối hợp với VCCI xây dựng và thiết lập cơ chế giám sát việc tổ chức thực hiện nhiệm vụ của các bộ, ngành theo chương trình, kế hoạch của Chính phủ thông qua việc công bố ấn phẩm về báo cáo thường niên liên quan đến đo lường thời gian thực hiện các thủ tục hành chính và thông quan hải quan; đánh giá mức độ hài lòng của cộng đồng DN trong quá trình thực hiện các dịch vụ công thông qua Cơ chế một cửa quốc gia”.Như vậy, không chỉ là nhu cầu cao từ thực tế mà đây đã là một nhiệm vụ cần thực hiện của Bộ Tài chính và cả VCCI.

PV: Mặc dù rất nỗ lực từ Chính phủ đến các bộ, ngành nhưng đến nay, việc thực hiện thủ tục hành chính thông qua Cơ chế một cửa quốc gia và thủ tục quản lý, kiểm tra chuyên ngành còn nhiều bất cập. Ông có thể đánh giá những điểm được và còn hạn chế của Cơ chế một cửa quốc gia và thủ tục quản lý, kiểm tra chuyên ngành?

Ông Đậu Anh Tuấn: Theo kết quả khảo sát mức độ hài lòng của DN khi tiến hành các thủ tục hành chính qua Cơ chế một cửa quốc gia năm 2019, đa số các chức năng cơ bản trên Cổng một cửa quốc gia hiện hoạt động tốt. Việc triển khai Cơ chế một cửa quốc gia đã mang lại những thay đổi tích cực về thời gian và chi phí thực hiện thủ tục hành chính (TTHC) cho DN, dù sự thay đổi này chưa đồng đều giữa các thủ tục và giữa các bộ, ngành. Điều tra năm 2019 cho biết, có 10/12 TTHC ghi nhận thời gian DN phải dành ra cho thực hiện thủ tục đã giảm đi. Số ngày tiết kiệm được so với phương thức truyền thống dao động trong khoảng từ 1 - 3 ngày.

Đẩy mạnh chuyển đổi số trong hoạt động nghiệp vụ giúp doanh nghiệp giảm chi phí, thời gian khi thực hiện thủ tục hải quan.
Đẩy mạnh chuyển đổi số trong hoạt động nghiệp vụ giúp doanh nghiệp giảm chi phí, thời gian khi thực hiện thủ tục hải quan.

Tuy nhiên vẫn có một tỷ lệ đáng kể DN gặp khó khăn khi sử dụng cổng, chẳng hạn như một bộ phận (27%) DN còn gặp trục trặc từ những lỗi kết nối, hay (khoảng 20% DN) tốc độ xử lý các tác vụ trên cổng còn chậm. DN còn gặp khó khăn khi tiến hành các thủ tục, nguyên nhân do hệ thống xử lý thủ tục của bộ quản lý chuyên ngành chưa điện tử hóa hoàn toàn; tình trạng một số DN bị yêu cầu sửa đổi hồ sơ nhiều lần; thời gian các bộ, ngành xử lý hồ sơ của một số DN tương đối chậm…

PV: Ông có đánh giá gì về nỗ lực của cơ quan hải quan, Bộ Tài chính trong việc triển khai đề án “Cải cách mô hình kiểm tra chất lượng, kiểm tra an toàn thực phẩm đối với hàng hóa nhập khẩu” đang được triển khai theo chỉ đạo của Chính phủ?

Ông Đậu Anh Tuấn: Trong thời gian qua Bộ Tài chính, Tổng cục Hải quan đã có rất nhiều nỗ lực trong việc xây dựng và triển khai đề án “Cải cách mô hình kiểm tra chất lượng, kiểm tra an toàn thực phẩm đối với hàng hóa nhập khẩu”, theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.

Đề án về kiểm tra chuyên ngành theo hướng làm rõ hơn quy trình, thủ tục về kiểm tra chuyên ngành cũng như xác định rõ về cơ quan đầu mối, trách nhiệm của các cơ quan có liên quan trong quá trình giải quyết thủ tục cho DN. Đây đều là những nội dung cải cách rất quan trọng, giúp cho việc giải quyết thủ tục hành chính trở nên nhanh chóng, thuận tiện và minh bạch hơn cho cộng đồng DN. Đồng thời, nó cũng tạo ra động lực để DN phải phấn đấu tuân thủ pháp luật tốt nhất, qua đó sẽ giúp giảm chi phí, thời gian khi thực hiện thủ tục.

Hy vọng nghị định thể chế hóa đề án này sẽ nhanh chóng được thông qua và sớm đi vào thực tiễn.

Lựa chọn khảo sát hơn 3.000 doanh nghiệp

Khảo sát dự kiến được tiến hành đến hết tháng 7/2022 với quy mô trên 3.000 doanh nghiệp xuất nhập khẩu về 12 dịch vụ công phổ biến trên Cổng một cửa quốc gia và các thủ tục quản lý, kiểm tra chuyên ngành ở các lĩnh vực như quản lý chất lượng hàng hoá, quản lý an toàn thực phẩm và các lĩnh vực khác.

Theo dự kiến, việc triển khai khảo sát mức độ hài lòng của doanh nghiệp từ tháng 5 đến tháng 7/2022 sẽ tập trung nhận diện hiện trạng chất lượng giải quyết thủ tục hành chính của các bộ, ngành trên Cổng thông tin một cửa quốc gia (https://vnsw.gov.vn) và các thủ tục quản lý, kiểm tra chuyên ngành, đồng thời tập hợp các khó khăn, vướng mắc mà các doanh nghiệp đang gặp phải hiện nay trong quá trình thực hiện thủ tục hành chính xuất nhập khẩu.

Nhóm nghiên cứu của VCCI sẽ lựa chọn ngẫu nhiên những doanh nghiệp đã thực hiện thủ tục hành chính trên Cổng một cửa quốc gia và thủ tục kiểm tra chuyên ngành trong khoảng thời gian 12 tháng gần nhất tính đến thời điểm chọn mẫu (tháng 4/2022). Kết quả khảo sát dự kiến được công bố vào cuối quý III hoặc đầu quý IV/2022.

PV: Thưa ông, hàng năm VCCI cũng đã phối hợp với các bộ, ngành mà cụ thể là với Bộ Tài chính, trực tiếp là Tổng cục Hải quan, Tổng cục Thuế tổ chức đánh giá sự hài lòng của DN trong hoạt động xuất nhập khẩu. Vậy, cuộc khảo sát lần này có sự đặc biệt nào, thưa ông?

Ông Đậu Anh Tuấn: Khảo sát năm nay bên cạnh việc lấy ý kiến của DN khi thực hiện thủ tục hành chính trên Cổng một cửa quốc gia (với tư cách là người sử dụng dịch vụ công), VCCI sẽ tiến hành lấy ý kiến và các đề xuất từ chính các bộ, ngành liên quan có các thủ tục trên Cổng một cửa quốc gia (với tư cách là người cung cấp dịch vụ công). Điều này sẽ giúp việc đánh giá Cổng một cửa quốc gia được toàn diện và đầy đủ hơn.

PV: Xin cảm ơn ông!