Thời gian gần đây, các cơ quan chức năng đã phát hiện nhiều vụ việc liên quan đến sản xuất, phân phối sản phẩm sữa giả, thuốc giả; quảng cáo thổi phồng công dụng sản phẩm thực phẩm, với sự tham gia của những người có ảnh hưởng trong xã hội. Các vụ việc này đều có quy mô lớn, gây ảnh hưởng đến sức khỏe, tài sản và tinh thần của người tiêu dùng.
Nhằm tăng cường kiểm soát chất lượng sản phẩm của doanh nghiệp bán hàng đa cấp và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia đã ban hành văn bản đề nghị các doanh nghiệp bán hàng đa cấp khẩn trương, nghiêm túc thực hiện rà soát việc công bố sản phẩm và hoạt động quảng cáo sản phẩm kinh doanh theo phương thức đa cấp.
Văn bản yêu cầu khẩn trương rà soát toàn bộ hồ sơ pháp lý của các sản phẩm thực phẩm, mỹ phẩm trong danh mục hàng hóa kinh doanh theo phương thức đa cấp đảm bảo sản phẩm đã được công bố đúng quy định, lưu hành đúng nội dung công bố, đảm bảo rõ ràng, chính xác thông tin về thành phần, công dụng, chất lượng, nguồn gốc xuất xứ theo quy định của pháp luật.
![]() |
Doanh nghiệp bán hàng đa cấp khẩn trương rà soát sản phẩm và hoạt động quảng cáo. Ảnh: Minh họa |
Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia cũng yêu cầu doanh nghiệp không cung cấp thông tin về thực phẩm bằng hình thức sử dụng hình ảnh, thiết bị, trang phục, tên, thư tín của các đơn vị, cơ sở tế, bác sỹ, dược sỹ, nhân viên y tế, thư cảm ơn, lời cảm ơn của người bệnh, bài viết của bác sỹ, dược sỹ, nhân viên y tế; không cung cấp thông tin về thực phẩm có nội dung đăng tải, dẫn, trích dẫn hoặc nêu ý kiến người bệnh mô tả thực phẩm có tác dụng điều trị bệnh theo quy định tại Điều 40, Điều 41 Nghị định số 40/2018/NĐ-CP và Nghị định số 18/2023/NĐ-CP.
Ngoài ra, trong trường hợp sử dụng người có ảnh hưởng để giới thiệu, quảng bá sản phẩm, Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia yêu cầu cả doanh nghiệp và người có ảnh hưởng đều phải đảm bảo minh mạch thông tin, không gây hiểu nhầm và tuân thủ nghiêm quy định của Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, Luật Quảng cáo và các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan./.
Thông tin từ Bộ Công thương, trong năm 2024, tổng số lượng người tham gia bán hàng đa cấp đạt gần 700.000 người, giảm khoảng 400.000 người so với năm 2019. Dù số lượng người tham gia bán hàng đa cấp giảm nhưng tổng doanh thu bán hàng đa cấp của các doanh nghiệp vẫn tăng. |