Đây là giải pháp được đưa ra tại Hội thảo về Chính sách phát triển ngành công nghiệp ô tô Việt Nam do Bộ Công thương vừa tổ chức tại Hà Nội.

Chỉ có DN lắp ráp hưởng lợi từ chính sách

Phát biểu tại Hội thảo, ông Bùi Ngọc Huyên, Chủ tịch Hội đồng quản trị CtyCP Ôtô Xuân Kiên (Vinaxuki) đánh giá, thời gian qua, chúng ta đã thực hiện rất nhiều chính sách và chiến lược phát triển ngành công nghiệp ô tô song hiệu quả thực sự thì chưa được như kỳ vọng. Bởi lẽ, trên thực tế, các DN sản xuất muốn làm nội địa hóa của Việt Nam chưa tiếp cận được, mà chủ yếu là các DN lắp ráp hưởng lợi.

san xuat o to

Thời gian qua, chỉ có doanh nghiệp lắp ráp ô tô hưởng lợi. Ảnh: TL

Đánh giá về thị trường ô tô của Việt Nam trong những năm qua, ông Trần Bá Dương, Chủ tịch Thaco Trường Hải thừa nhận, thị trường ô tô Việt thời gian qua là thị trường của xe lắp ráp trong nước. Chính vì vậy, những DN sản xuất ô tô tập trung vào phân khúc xe lắp ráp từ khâu phân phối, dịch vụ đến tổ chức sản xuất một cách hiệu quả thì đều chiếm lĩnh được thị trường.

“Tính đến thời điểm hiện tại, nước ta mới chỉ đạt được mục tiêu xuất khẩu linh kiện, phụ tùng, còn lại các mục tiêu khác vẫn chưa “cán đích”, trong đó nhất là mục tiêu về tỷ lệ nội địa hóa”, ông Huyên cho biết.

Cũng tại hội thảo, đa số các DN cho biết, mặc dù Chiến lược phát triển ngành công nghiệp ô tô Việt Nam đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2035 đã được Chính phủ thông qua từ tháng 7/2014, nhưng đến nay, dường như chưa có tín hiệu “vào cuộc”. Cụ thể như: chưa nghiên cứu xong cơ chế, chính sách để triển khai, chưa có văn bản hướng dẫn... nên DN còn loay hoay, băn khoăn.

DN nên dựa vào thị trường nội địa là chủ yếu

Tại hội thảo, một vấn đề nóng cũng được DN quan tâm và tham gia thảo luận tìm giải pháp, đó là đến năm 2018 khi thuế suất đối với ô tô trong khu vực sẽ giảm về 0% - áp lực vô cùng lớn hơn cho ngành công nghiệp ôtô trong nước, thì Chính phủ cũng như DN ô tô cần có giải pháp như thế nào?

Về vấn đề này, ông Trần Bá Dương cho rằng, DN cần lưu ý trong việc tính toán chiến lược kinh doanh của mình để chuẩn bị cho sự kiện thuế về 0% vào năm 2018. "Với sự hội nhập kinh tế sâu rộng như hiện nay, theo tôi, DN ngành ô tô nên dựa trên bài toán thị trường nội địa là chủ yếu. Sau đó, chúng ta mới hướng đến thị trường ASEAN", ông Dương nói.

Chủ tịch Thaco Trường Hải còn dự đoán, khả năng lớn là đến năm 2018 giá xe ô tô sẽ rẻ hơn. Vì vậy, DN muốn tham gia thị trường buộc phải giảm giá thành ở tất cả các khâu từ sản xuất, phân phối, bán lẻ...

Theo ông Đào Phan Long, Phó Chủ tịch, kiêm Tổng thư ký Hiệp hội cơ khí Việt Nam nêu ý kiến, chính sách của Nhà nước cần tập trung hơn cho DN sản xuất ôtô trong nước. Đặc biệt, bên cạnh những ưu đãi về vốn, cần có những ưu đãi riêng cho từng dự án cụ thể.

Phát biểu tại hội thảo, Thứ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh cho biết, dựa trên những ý kiến đóng góp và kiến nghị của DN, thời gian tới, Bộ Công thương sẽ bổ sung hoàn thiện cơ chế chính sách, giúp ngành công nghiệp ôtô Việt Nam đi đúng hướng. Đồng thời sẽ tập trung, ưu tiên phát triển công nghiệp hỗ trợ cho ngành ô tô./.

Theo Chiến lược phát triển ngành công nghiệp ôtô Việt Nam, đến năm 2025 sẽ sản xuất 466.400 xe trong nước và sẽ đạt ngưỡng 1,5 triệu chiếc sau 20 năm tới.

Tuấn Linh