Doanh thu bán lẻ, dịch vụ tăng trưởng gần 13%

Theo báo cáo được Bộ Công thương công bố chiều ngày 5/6, trong tháng 5/2023 có chuỗi ngày nghỉ lễ nên nhu cầu tiêu dùng, ăn uống, vui chơi giải trí của người dân tăng cao hơn tháng trước. Do vậy, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tháng 5 ước tính tăng 1,5% so với tháng trước và tăng 11,5% so với cùng kỳ năm trước.

Doanh thu bán lẻ và dịch vụ tiêu dùng khởi sắc tạo đà cho doanh nghiệp phục hồi
Doanh thu bán lẻ và dịch vụ tiêu dùng khởi sắc tạo đà cho doanh nghiệp phục hồi. Ảnh: TL

Một số địa phương có doanh thu bán lẻ hàng hóa 5 tháng đầu năm 2023 tăng cao so với cùng kỳ năm trước, đáng kể là: Bắc Ninh tăng 19,6%; Bình Định tăng 14,8%; Bình Dương tăng 13,8%; Thanh Hóa tăng 12,1%; Hải Phòng tăng 10,6%; Quảng Ninh tăng 9,9%; Cần Thơ tăng 9,8%; Đồng Nai tăng 8,7%; Hà Nội tăng 7,9%; Đà Nẵng tăng 6,2%; TP. Hồ Chí Minh tăng 6,1%.

Trong 5 tháng đầu năm 2023, nguồn cung các mặt hàng thiết yếu được bảo đảm, thị trường không có biến động bất thường, nguồn cung lương thực, rau, quả dồi dào, giá cả không có biến động lớn.

Mặt hàng thực phẩm như thịt lợn, thịt gà mặc dù có xu hướng giảm trong 3 tháng đầu năm do sức tiêu thụ chậm, tuy nhiên đến tháng 5 giá các mặt hàng này có xu hướng tăng nhẹ. Do tác động của giá thế giới, giá một số mặt hàng nhóm nhiên liệu năng lượng như xăng dầu, khí hóa lỏng có diễn biến tăng, giảm đan xen.

Tính chung 5 tháng đầu năm 2023, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng ước đạt 2.527 nghìn tỷ đồng, tăng 12,6% so với cùng kỳ năm trước (cùng kỳ năm 2022 tăng 9,3%), đạt tốc độ tăng cao nhất so với cùng kỳ các năm từ 2015 trở lại đây và tăng 28,3% so với 5 tháng đầu năm 2019 - năm trước khi xảy ra dịch Covid-19.

Riêng doanh thu bán lẻ hàng hóa ước đạt hơn 1.993,6 nghìn tỷ đồng, tăng 10,7% so với cùng kỳ năm trước (loại trừ yếu tố giá tăng 6,9%). Trong đó, nhóm hàng lương thực, thực phẩm tăng 14,6%; may mặc tăng 11,1%; đồ dùng, dụng cụ, trang thiết bị gia đình tăng 4,8%; phương tiện đi lại (trừ ô tô) tăng 4,2%; vật phẩm văn hoá, giáo dục tăng 1,9%.

Trao đổi với phóng viên TBTCVN, chuyên gia kinh tế Vũ Vinh Phú cho rằng, trước tình hình xuất khẩu quá khó khăn như hiện nay thì thị trường nội địa có nhiều tiềm năng để phát triển, với dân số gần 100 triệu người, trong đó 50% là dân số trẻ có nhu cầu tiêu dùng đa dạng và luôn thay đổi. Đây là một “mỏ vàng tiêu thụ” mà các nhà đầu tư trong và ngoài nước đang tiếp tục mở rộng chuỗi phân phối của mình để khai thác triệt để.

Đồng thuận với quan điểm này, ông Đỗ Thắng Hải - Thứ trưởng Bộ Công thương cũng cho hay, xác định thị trường trong nước là một trong những yếu tố quan trọng thúc đẩy tăng trưởng GDP cả nước, Bộ Công thương sẽ tập trung triển khai thực hiện có hiệu quả các chương trình xúc tiến thương mại thị trường trong nước, thúc đẩy phân phối hàng hóa qua nền tảng số, thương mại điện tử để mở rộng tiêu dùng nội địa, tích cực hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi sản xuất kinh doanh trong bối cảnh kinh tế thế giới có dấu hiệu suy thoái đã và đang tác động mạnh đến kinh tế Việt Nam

Chuyển hướng sang thị trường nội địa

Thị trường nội địa với gần 100 triệu dân sẽ là trụ đỡ thúc đẩy sản xuất, tiêu dùng, hỗ trợ cho sự phục hồi của DN trong năm 2023.

Lựa chọn hướng đi này, bà Đoàn Thanh Hằng - Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Tổng Giám đốc Liên hiệp HTX nông sản Thái Nguyên cho biết, thị trường trong nước rất tiềm năng cho các mặt hàng nông sản, để có thể cạnh tranh được trên sân nhà, đơn vị sẽ quan tâm hơn đến việc nâng cao chất lượng sản phẩm sao cho đảm bảo đạt chuẩn, chất lượng ổn định, mẫu mã, bao bì hấp dẫn. Giá cả sản phẩm cũng là vấn đề DN đặc biệt quan tâm khi đưa ra thị trường, làm sao để đủ sức cạnh tranh và thu hút sự quan tâm của người tiêu dùng khi cân nhắc so sánh giữa các sản phẩm cùng loại.

Để kích cầu tiêu dùng, các chuyên gia kinh tế cho rằng, các bộ, ngành, địa phương cần triển khai đồng bộ, hiệu quả Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”.

Ông Trần Đình Thăng - Giám đốc Công ty TNHH Nhật - Việt (thương hiệu giày dép Vento - Hải Phòng) cũng chia sẻ, trong bối cảnh đơn hàng sụt giảm, Vento đã quyết định tập trung cho thị trường nội địa.

Theo đó, thương mại điện tử là một kênh bán hàng hiệu quả được DN tận dụng. “Sản phẩm cần phải đạt chuẩn về mẫu mã, giá cả, tương tác… Chúng ta nghĩ rằng sản phẩm mình đẹp nhưng còn những yêu cầu về giá, mẫu mã liệu đã đáp ứng với khách hàng chưa? Đây là điều mà nhiều DN Việt Nam còn thiếu. DN muốn có đơn hàng thì không thể làm xấu được” - ông Thăng cho hay.

Doanh thu bán lẻ và dịch vụ tiêu dùng khởi sắc tạo đà cho doanh nghiệp phục hồi
Hàng hóa dồi dào, sức tiêu dùng 5 tháng của năm 2023 tăng trưởng khả quan. Ảnh: TL

Không chủ quan với việc chinh phục thị trường trong nước, bà Nguyễn Thị Nga - Chủ tịch HĐQT Công ty CP Việt Herbs cho biết, hiện DN đang có 2 sản phẩm chính là trà shan tuyết cổ thụ và trà thảo mộc. Hiện, sức mua tại thị trường trong nước khá tốt. Để bán được hàng thì trước hết sản phẩm của mình phải tốt, chất lượng ổn định, mẫu mã đẹp và quan trọng là uy tín và phân khúc sản phẩm mình lựa chọn để đầu tư. Với sức tiêu thụ như hiện nay, sắp tới DN đang có kế hoạch mở rộng sản xuất, đầu tư thêm máy móc, nhà xưởng để đáp ứng được nhu cầu của thị trường.

Phó Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Dinh dưỡng hữu cơ Việt Nam - Vinanutrifood Nguyễn Thị Diễm Hằng cho biết, thị trường trong nước là “miếng bánh hấp dẫn”, tuy nhiên, trên thực tế, sự cạnh tranh trên thị trường nội địa rất khốc liệt giữa các DN lớn, DN nước ngoài, sản phẩm nhập khẩu cùng loại mình không làm tốt sẽ bị lấn áp ngay. Chính vì vậy đầu tư cho chất lượng, giá thành sản phẩm tiếp tục được DN quan tâm hơn nữa khi triển khai kế hoạch tiêu thụ sản phẩm trên thị trường trong nước” - bà Hằng nói.

Theo Bộ Công thương, qua khảo sát cho thấy đã có nhiều DN sản xuất và nhà bán lẻ đã bắt tay nhau thực hiện chương trình kích cầu mua sắm, khuyến mại, giảm giá để thúc đẩy tiêu dùng nội địa. Theo đó, hàng hoá cũng phong phú, đa dạng hơn, người tiêu dùng có nhiều lựa chọn mua sắm phù hợp với túi tiền của mình. Tại các chuỗi bán lẻ của Central Retail gồm: GO!, Big C, Tops Market, siêu thị điện máy lớn, như: Hapro, BRG, Co.opmart, Aeon Mall, Winmart, MediaMart, Pico… thực hiện nhiều chương trình khuyến mại, giảm giá hàng nghìn sản phẩm