Sơ kết 5 năm thực hiện Nghị quyết 19 về đổi mới đơn vị sự nghiệp công lập Từ 1/7, tổng điều tra kinh tế giai đoạn II Tổng điều tra kinh tế năm 2021: Số lượng và lao động của các đơn vị điều tra Tổng điều tra kinh tế, dân số tiết kiệm một nửa thời gian, chi phí so với trước

Chiều 29/6, Tổng cục Thống kê phối hợp với Bộ Nội vụ đã tổ chức Hội nghị Công bố kết quả chính thức Tổng điều tra kinh tế và Điều tra cơ sở hành chính năm 2021.

Đây là cuộc điều tra có quy mô lớn, nội dung phức tạp, liên quan đến 5 loại đơn vị điều tra. Trong đó, Tổng cục Thống kê chịu trách nhiệm thực hiện 4 đơn vị điều tra là doanh nghiệp; cơ sở sản xuất kinh doanh cá thể; đơn vị sự nghiệp, hiệp hội; cơ sở tôn giáo, tín ngưỡng và Bộ Nội vụ chịu trách nhiệm thực hiện đơn vị điều tra là cơ quan hành chính, cơ quan của Đảng, tổ chức chính trị - xã hội.

Các đơn vị hành chính, hiệp hội giảm 49,1%

Trong các đơn vị điều tra, khu vực doanh nghiệp, hợp tác xã tăng trưởng tích cực và đạt tốc độ tăng cao nhất trong các đơn vị điều tra; các cơ sở sản xuất kinh doanh (SXKD) cá thể và cơ sở tôn giáo, tín ngưỡng duy trì mức tăng trưởng nhưng có dấu hiệu chậm lại; các đơn vị hành chính, sự nghiệp, hiệp hội giảm mạnh trong 5 năm qua.

Tính đến thời điểm 31/12/2020, cả nước có 684,3 nghìn doanh nghiệp đang hoạt động có kết quả SXKD với số lao động là 14,7 triệu người, tăng 35,5% về số doanh nghiệp và tăng 4,9% về số lao động so với năm 2016. Bình quân giai đoạn 2016-2020, số doanh nghiệp tăng 7,9%/năm và số lao động tăng 1,2%/năm, đều thấp hơn mức tăng của giai đoạn 2011-2016.

Cũng tại thời điểm trên, cả nước có gần 15,3 nghìn hợp tác xã (HTX) với số lao động là 167 nghìn người, tăng 17,6% về số HTX và giảm 16,9% về lao động so với năm 2016. Bình quân giai đoạn 2016 - 2020, số lượng HTX tăng 4,1%/năm và số lao động giảm 4,5%/năm, trái ngược so với mức giảm 0,8%/năm và mức tăng 0,2%/năm của giai đoạn 2011 - 2016.

Số cơ sở SXKD cá thể năm 2020 đạt gần 5,2 triệu cơ sở với 8,7 triệu lao động, tăng 5,9% về số cơ sở và tăng 5,2% về số lao động so với năm 2016; bình quân giai đoạn 2016-2020 tăng 1,4%/năm về số cơ sở và tăng 1,3%/năm về số lao động, thấp hơn mức tăng 3,0% và 1,8% của giai đoạn 2011-2016.

Số đơn vị sự nghiệp là 52,5 nghìn đơn vị với 2,4 triệu lao động, giảm 28,6% về số đơn vị (giảm 21 nghìn đơn vị) và giảm 6,2% về số lao động (giảm 158 nghìn người) so với năm 2016. Bình quân giai đoạn 2016-2020, số đơn vị sự nghiệp giảm 8,1%/năm và số lao động giảm 1,6%/năm, có xu hướng ngược lại so với mức tăng lần lượt 0,5%/năm và tăng 2,8%/năm của giai đoạn 2011-2016; mức tăng 2,6%/năm và 5,0%/năm của giai đoạn 2006-2011.

Các hiệp hội, tổ chức phi Chính phủ có gần 6,5 nghìn đơn vị với số lao động là 35,7 nghìn người, giảm 2,7% về số đơn vị và giảm 3,3% về số lao động so với năm 2016.

Cơ sở tôn giáo, tín ngưỡng có hơn 46,8 nghìn cơ sở với 167,2 nghìn chức sắc, nhà tu hành làm việc thường xuyên tại các cơ sở, tăng 9,6% về số cơ sở và tăng 19,2% về số người làm việc so với năm 2016; bình quân giai đoạn 2016-2020 tăng 2,3%/năm về số cơ sở và tăng 4,5%/năm về số lao động (giai đoạn 2011-2016 tăng 3,6%/năm và tăng 1,8%/năm; giai đoạn 2006-2011 tăng 5%/năm và tăng 1,1%/năm).

Đơn vị hành chính, tổ chức chính trị - xã hội có gần 32,3 nghìn đơn vị, giảm 49,1% (giảm 31,2 nghìn đơn vị) so với năm 2016; bình quân giai đoạn 2016-2020 giảm 15,6%/năm. Trong đó, đơn vị hành chính là 27,1 nghìn đơn vị, giảm 22,0% (giảm 7,7 nghìn đơn vị) so với năm 2006 và tổ chức chính trị - xã hội là 5,2 nghìn đơn vị, giảm 82,0% (giảm 23,5 nghìn đơn vị).

Tổng điều tra
Hội nghị công bố số liệu điều tra diễn ra chiều 29/6.

Trình độ đào tạo của người đứng đầu được cải thiện

Đáng chú ý, trình độ người đứng đầu các doanh nghiệp, cơ sở SXKD cá thể, hành chính, sự nghiệp và tôn giáo đã có sự thay đổi tích cực, trong đó khu vực hành chính, sự nghiệp dẫn đầu về trình độ đại học và trên đại học.

Trình độ đào tạo của người đứng đầu có những cải thiện được thể hiện ở tỷ lệ người đã qua đào tạo năm 2020 đạt 53,3%, tăng 5,1 điểm phần trăm so với năm 2016 và đều tăng lên ở tất cả các trình độ. Tuy nhiên, tỷ lệ người đứng đầu chưa qua đào tạo năm 2020 vẫn chiếm tỷ trọng lớn với mức 46,7% (các cơ sở SXKD cá thể chiếm tới 53%), giảm 5,1 điểm phần trăm so với năm 2016.

Ở khối doanh nghiệp, tỷ lệ người đứng đầu có trình độ đại học và trên đại học là 64,5%, và chưa qua đào tạo là 5,7%. Tỷ lệ người đứng đầu có trình độ tương ứng ở HTX lần lượt là 29,2% và 18,3%; ở cơ sở SXKD cá thể là 6,7% và 53%; ở đơn vị hành chính, sự nghiệp, hiệp hội là 94,4% và 0,4%; ở cơ sở tín ngưỡng, tôn giáo là 22,5% và 43,2%.

Về giới, tỷ lệ lao động nữ biến động không nhiều; khu vực dịch vụ vẫn thu hút nhiều lao động nữ nhất nhưng đang có xu hướng giảm dần.

Năm 2020, lao động nữ chiếm 48,4% tổng số lao động đang làm việc trong các đơn vị điều tra, giảm nhẹ so với tỷ lệ 48,5% của năm 2016. Kết quả điều tra cho thấy, lao động nữ tham gia các hoạt động sản xuất kinh doanh trong khu vực doanh nghiệp, hợp tác xã có xu hướng tăng lên, góp phần nâng cao vai trò của nữ giới, giảm sự bất bình đẳng giới tại Việt Nam.

Lao động nữ làm việc trong khu vực dịch vụ năm 2020 vẫn chiếm tỷ trọng cao nhất 49,0%, tuy nhiên lại có xu hướng giảm dần trong 5 năm trở lại đây. Trong đó lao động nữ trong ngành giáo dục, đào tạo và y tế chiếm tỷ lệ cao nhất, lần lượt là 71,9% và 60,3%.