![]() |
Kinh tế khu vực tư nhân tại Việt Nam hiện đóng góp trên 50% GDP. Ảnh: Đức Thanh |
Khu vực kinh tế năng động
Theo chuyên gia kinh tế - TS. Nguyễn Minh Phong, thực tiễn ở Việt Nam có gần 40 năm đổi mới và khi đó, kinh tế tư nhân mới bắt đầu được nhìn nhận, được thừa nhận, được hỗ trợ. Mặc dù chưa phát triển thực sự như mong muốn, nhưng khu vực kinh tế tư nhân đã chứng tỏ đóng một vai trò quan trọng.
Động lực chính đưa nền kinh tế bứt pháTheo TS. Mạc Quốc Anh, để phát huy tối đa tiềm năng của khu vực kinh tế tư nhân, cần có những cải cách mạnh mẽ về vốn, chính sách, công nghệ và chuỗi cung ứng. Nếu thực hiện tốt, khu vực kinh tế tư nhân trở thành động lực chính đưa nền kinh tế Việt Nam bứt phá. |
Trong bài viết “Phát triển kinh tế tư nhân: Đòn bẩy cho một Việt Nam thịnh vượng”, Tổng Bí thư Tô Lâm đã nêu rõ, khu vực này hiện đóng góp trên 50% GDP, hơn 30% thu ngân sách nhà nước và đặc biệt là trên 80% tổng số lao động trong nền kinh tế, gần 60% vốn đầu tư toàn xã hội. Rõ ràng, khu vực kinh tế tư nhân mới chỉ hơn 30 năm phát triển là khoảng thời gian ngắn, nhưng đã tạo được một vị thế rất mạnh.
Trong tương lai, kinh tế tư nhân Việt Nam sẽ tiếp tục phát triển mở rộng về quy mô, phạm vi lan tỏa; đồng thời được củng cố về sức mạnh cũng như nâng cao sức cạnh tranh. Trong đó, sẽ hình thành hai khu vực: Một là, các tập đoàn kinh tế tư nhân lớn với những doanh nghiệp mang tầm khu vực và toàn cầu đủ sức dẫn dắt các thành phần và các doanh nghiệp khác. Hai là, mạng lưới các doanh nghiệp nhỏ và vừa kết hợp lại tạo ra một cơ cấu nền kinh tế hai tầng cùng với kinh tế Nhà nước, kinh tế FDI sẽ tạo một sự vững mạnh, hiện thực hóa khát vọng Việt Nam hùng cường.
Đánh giá về tầm quan trọng của khu vực kinh tế tư nhân, TS. Mạc Quốc Anh - Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa TP. Hà Nội cho rằng, kinh tế tư nhân trong nhiều năm qua đã khẳng định vị thế là động lực quan trọng của nền kinh tế Việt Nam. Điều này được thể hiện qua nhiều chỉ số tăng trưởng, đóng góp vào GDP, tạo việc làm và cải thiện năng lực cạnh tranh quốc gia.
Đáng chú ý, các tập đoàn tư nhân Việt Nam như Vingroup, Masan, Thaco… đang từng bước khẳng định vị thế trên thị trường khu vực và toàn cầu. Đặc biệt, doanh nghiệp tư nhân đóng vai trò quan trọng trong chuỗi cung ứng nội địa, giúp tận dụng cơ hội từ các Hiệp định thương mại tự do (FTA).
Tuy nhiên theo TS. Mạc Quốc Anh, năng suất lao động của khu vực kinh tế tư nhân vẫn thấp hơn so với doanh nghiệp FDI và doanh nghiệp nhà nước. Đặc biệt, quá trình chuyển đổi số ở khu vực này diễn ra chậm, có đến 65% doanh nghiệp nhỏ và vừa chưa có chiến lược ứng dụng công nghệ số, hạn chế khả năng cạnh tranh trên thị trường quốc tế...
Thực hiện nhiều giải pháp đột phá
Trước những hạn chế trên, TS. Mạc Quốc Anh cho rằng, cần có giải pháp đột phá để khu vực kinh tế tư nhân phát triển mạnh mẽ hơn trong thời gian tới. Trước hết, cần nới lỏng điều kiện tín dụng cho doanh nghiệp nhỏ và vừa. Thúc đẩy thị trường vốn, tăng cường khả năng niêm yết của doanh nghiệp tư nhân lên sàn chứng khoán.
Cùng với đó, đơn giản hóa thủ tục hành chính; đẩy mạnh Chính phủ điện tử, số hóa quy trình thủ tục cấp phép. Nhà nước cần sớm xây dựng các trung tâm hỗ trợ doanh nghiệp tại địa phương, giúp tư vấn về pháp lý, kế toán, thuế; hỗ trợ doanh nghiệp tư nhân tham gia đấu thầu các dự án công.
Để thúc đẩy chuyển đổi số và nâng cao năng suất lao động, cần hỗ trợ doanh nghiệp triển khai ERP, AI, Big Data trong quản lý và vận hành. Kết hợp với đào tạo lại lực lượng lao động, tăng cường kết nối doanh nghiệp tư nhân với doanh nghiệp FDI và thị trường toàn cầu, từ đó khuyến khích doanh nghiệp FDI chuyển giao công nghệ cho doanh nghiệp nội địa, tạo điều kiện để doanh nghiệp Việt Nam tham gia các chuỗi giá trị toàn cầu...
Còn theo TS. Nguyễn Minh Phong, để kinh tế tư nhân phát triển, cần xóa bỏ ngay tư duy trọng kinh tế khu vực công hơn kinh tế khu vực tư nhân. Chỉ khi tư duy được đổi mới và có sự thống nhất cao trong nhận thức, hành động thì mới có thể có được các cơ chế, chính sách thực sự phù hợp và thúc đẩy sự phát triển của khu vực này.
Theo đó, khu vực kinh tế tư nhân cần được tạo mọi điều kiện thuận lợi để phát triển bình đẳng với các khu vực kinh tế khác, được tham gia hoạt động và phát triển ở tất cả các ngành, lĩnh vực mà pháp luật không cấm.
“Tuy nhiên, bên cạnh những hỗ trợ từ Nhà nước, doanh nghiệp tư nhân cần phải nắm bắt chính sách, thị trường, các đối tác; có đủ năng lực vượt qua tất cả rào cản, cả về hàng rào kỹ thuật khi xuất khẩu, cả về những yêu cầu của các đối tác cũng như các tình huống có thể xảy ra. Từ đó, tăng năng lực phản ứng thị trường bên cạnh năng lực quản lý chính sách khác, vượt qua được tất cả thách thức trong thời gian tới” - TS. Nguyễn Minh Phong nhấn mạnh.
TS. Lê Đăng Doanh - nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương (CIEM): Quyết liệt cải cách thể chế, phục vụ doanh nghiệp Có thể nói, thể chế vẫn là “điểm nghẽn”, trở thành rào cản lớn đối với sự phát triển của doanh nghiệp. Nếu không sớm tháo gỡ, những vướng mắc này có thể kìm hãm đà tiến của khu vực kinh tế tư nhân. Do vậy, cần quyết liệt cải cách thể chế trên nền tảng đổi mới tư duy trong cải cách mạnh mẽ nền hành chính hướng đến phục vụ người dân, doanh nghiệp. Tuy nhiên, bản thân các doanh nghiệp cũng phải tìm cách để lớn nhanh nhất có thể. Nếu muốn nâng cao vị thế, bắt buộc doanh nghiệp trong nước phải bắt tay nhau để tạo thành một chuỗi liên kết để cùng nhau phát triển. Đồng thời, tạo ra các mô hình kinh tế theo hành lang dọc. Bên cạnh đó, trong bối cảnh kinh tế toàn cầu biến động, doanh nghiệp tư nhân Việt Nam cần tập trung vào chuyển đổi số, chuyển đổi xanh và ứng dụng công nghệ để nâng cao năng lực cạnh tranh. Đây là cơ hội, thách thức và cũng là con đường sống còn của doanh nghiệp, giúp doanh nghiệp tồn tại và phát triển. Việt Đức |
Để tạo đột phá cho khu vực kinh tế tư nhân, cần đẩy mạnh cải cách thể chế và môi trường kinh doanh bằng cách đơn giản hóa thủ tục hành chính, tạo điều kiện thuận lợi để doanh nghiệp tiếp cận các nguồn vốn mới. Cùng với đó, cần tận dụng tối đa các FTA và hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ tham gia các hội chợ quốc tế nhằm xây dựng thương hiệu. Đồng thời, phải phát triển mạnh chuỗi phân phối nội địa và thúc đẩy sự đồng hành của Chính phủ trong việc nâng tầm thương hiệu quốc gia. Doanh nghiệp cần được hỗ trợ để ứng dụng AI, dữ liệu lớn và công nghệ sản xuất thông minh. Song song đó, hệ thống đào tạo cần tập trung vào các lĩnh vực STEM, công nghệ và kỹ thuật, đồng thời tăng cường sự gắn kết giữa doanh nghiệp với các trường đại học và viện nghiên cứu để nâng cao chất lượng nguồn nhân lực. Với những giải pháp này, Việt Nam có thể tạo ra bước ngoặt cho khu vực doanh nghiệp tư nhân. Vân Nam |