Đồng bộ thiết bị với hệ thống nghiệp vụ, tối ưu hóa quản lý hải quan
Công chức Hải quan TP. Hồ Chí Minh kiểm tra hàng hóa qua máy soi. Ảnh: Lê Thu

Lợi ích lớn nhưng vẫn còn hạn chế

Hiện nay, ngành Hải quan đã đầu tư, trang bị, bàn giao và đưa vào sử dụng nhiều loại trang thiết bị hiện đại để phục vụ công tác kiểm tra, giám sát hải quan tại địa bàn các khu vực có lưu lượng xuất nhập khẩu hàng hóa, phương tiện vận tải xuất nhập cảnh làm thủ tục lớn. Việc này đã giúp cơ quan hải quan nâng cao hiệu quả quản lý, hỗ trợ công chức kiểm tra, giám sát, kiểm soát hoạt động xuất nhập khẩu, đồng thời tạo thuận lợi cho doanh nghiệp khi làm thủ tục hải quan đối với hàng hóa xuất nhập khẩu, rút ngắn thời gian kiểm tra, thông quan, giải phóng hàng hóa.

Tuy lợi ích mang lại rất lớn, song theo Tổng cục Hải quan, việc sử dụng hệ thống trang thiết bị hiện nay vẫn còn hạn chế. Cụ thể như: chưa phát huy hết công suất hoạt động của máy soi container. Việc luân chuyển, sử dụng seal định vị điện tử giữa các đơn vị cũng như hỏng hóc chưa được khắc phục, sửa chữa kịp thời để phục vụ công tác giám sát...

Thực tế này đã được ghi nhận tại một số địa phương. Đại diện Cục Hải quan TP. Hồ Chí Minh cho hay, một số máy soi container dạng cổng, máy soi di động đã cũ, hoạt động trên 10 năm, thường xuyên hỏng hóc, công nghệ và phần mềm phân tích hình ảnh lạc hậu so với các máy đời sau. Việc soi chiếu bằng máy soi di động cần các yêu cầu về mặt bằng, khu vực soi chiếu đáp ứng các yêu cầu về an toàn bức xạ, trong khi đó hiện nay tại cảng Cát Lái chưa có mặt bằng đáp ứng yêu cầu cho máy soi di động hoạt động. Máy soi dạng cổng lắp đặt tại cảng ICD Phước Long hoạt động không hiệu quả do vị trí lắp đặt máy soi không thuận lợi. Hệ thống seal định vị cũng đôi lúc phát sinh lỗi không đăng nhập được vào hệ thống, lỗi mất sóng khi đang di chuyển..., nên hải quan nơi đi không đề xuất gắn seal, hải quan nơi đến không dùng hệ thống để mở khoá seal được.

Về khía cạnh pháp lý, theo Phó Cục trưởng Cục Hải quan Hải Phòng Trần Mạnh Hùng, hiện đã có những quy định mở cho việc thực hiện công tác soi chiếu thông qua hệ thống công nghệ thông tin. Nhưng đến thời điểm hiện tại vẫn chưa có hệ thống nào được triển khai riêng cho công tác soi chiếu. Thực tế, công chức hải quan vẫn phải thực hiện gần như thủ công từ việc theo dõi hộp thư điện tử liên tục, nhận danh sách container, cập nhật vào hệ thống, soạn thảo văn bản thông báo gửi cho từng doanh nghiệp kinh doanh cảng, theo dõi việc soi chiếu, thực hiện khóa container trên hệ thống để đảm bảo container soi chiếu có kết quả nghi vấn không bị đưa ra khỏi khu vực giám sát khi chưa thực hiện các thủ tục tiếp theo theo quy định…, điều này làm mất nhiều thời gian và nguồn nhân lực.

Hoàn thiện yêu cầu nghiệp vụ

Đồng bộ thiết bị với hệ thống nghiệp vụ, tối ưu hóa quản lý hải quan

Sử dụng hiệu quả, tích cực các trang thiết bị hiện đại đã góp phần giảm chi phí phát sinh và thời gian thông quan hàng hóa cho doanh nghiệp xuất nhập khẩu hàng hóa; kịp thời ngăn chặn, phát hiện các lô hàng rủi ro cao để tập trung nguồn lực giám sát trọng điểm…

Ông Hoàng Việt Cường - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan

Để phát huy hết hiệu quả sử dụng trang thiết bị, tới đây, Tổng cục Hải quan sẽ rà soát, nghiên cứu xây dựng tiêu chuẩn định mức trang thiết bị kiểm tra, giám sát hải quan đối với từng địa bàn, từng đơn vị hải quan tổng thể, đồng bộ đảm bảo phù hợp với thực tế, báo cáo cấp có thẩm quyền phê duyệt làm cơ sở đầu tư trang thiết bị trong thời gian tới. Đồng thời, Tổng cục Hải quan xây dựng bộ tiêu chí về nhu cầu trang thiết bị kiểm tra, giám sát hải quan tại từng địa bàn.

Theo ông Đào Duy Tám – Phó Cục trưởng Cục Giám sát quản lý về hải quan (Tổng cục Hải quan), bên cạnh việc hoàn thiện thể chế, quy trình nghiệp vụ, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin vẫn là giải pháp cần quan tâm.

Đối với ứng dụng công nghệ thông tin cần hoàn thiện yêu cầu nghiệp vụ để xây dựng hệ thống kết nối dữ liệu từ các trang thiết bị, máy móc kiểm tra, giám sát hải quan với hệ thống nghiệp vụ hải quan nhằm nâng cao hiệu quả, tần suất sử dụng và yêu cầu quản lý về hải quan. Khắc phục tình trạng các trang thiết bị kiểm tra, giám sát hải quan hoạt động độc lập với hệ thống nghiệp vụ, tập trung tối đa xử lý việc kết nối, trao đổi, chia sẻ thông tin đáp ứng yêu cầu quản lý nhà nước về hải quan toàn diện từ khâu đầu đến khâu cuối đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu, quá cảnh và phương tiện vận tải xuất cảnh, nhập cảnh, quá cảnh.

Ngoài ra, cũng theo ông Đào Duy Tám, hệ thống trang thiết bị cần tiếp tục được đầu tư, đảm bảo phù hợp với thực tế. Chẳng hạn, đầu tư trang bị máy móc, thiết bị phục vụ công tác kiểm tra, giám sát hải quan tại các cửa khẩu đường bộ hướng tới cửa khẩu số, như: máy soi container, máy soi hành lý, cân điện tử, camera giám sát, hệ thống barie điện tử, hệ thống thiết bị giám sát hành trình của phương tiện vận tải xuất nhập cảnh, phương tiện tạm nhập - tái xuất hoặc phương tiện thường xuyên qua lại biên giới để giao nhận hàng hóa, seal định vị điện tử. Các hệ thống này sẽ kết xuất, tích hợp với hệ thống thông quan hàng hóa, hệ thống quản lý phương tiện vận tải và thống nhất thực hiện trên Cổng thông tin một cửa quốc gia...

Trang thiết bị liên tục được đầu tư, bàn giao phù hợp với thực tế

Tính đến hết năm 2022, toàn ngành Hải quan đã đưa vào sử dụng 27 máy soi container các loại; 98 máy soi hành lý, hàng hóa. Trong những tháng đầu năm 2023, Tổng cục Hải quan tiếp tục nghiệm thu, bàn giao 83 hệ thống camera giám sát hải quan; 1 máy soi hành lý di động; 2 máy soi hành lý hàng hóa; 12 máy soi container; 3 tàu dầu và cano. 34 cục hải quan tỉnh, thành phố được trang bị 125 hệ thống camera giám sát tại các chi cục hải quan. Đồng thời, sử dụng hơn 16,3 nghìn lượt seal định vị để niêm phong, giám sát hải quan.