Cụ thể, tại kế hoạch triển khai thực hiện “Đề án phát triển bền vững một triệu ha chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2030” tại tỉnh Đồng Tháp năm 2025, do UBND tỉnh Đồng Tháp ban hành ngày 3/2/2025, địa phương này phấn đấu đạt ít nhất 50.000 ha chuyên canh lúa chất lượng cao trong năm 2025.

Để đạt được mục tiêu trên, lãnh đạo UBND tỉnh Đồng Tháp đã chỉ đạo các sở, ngành, địa phương liên quan, tập trung giải pháp giảm lượng lúa giống gieo sạ xuống 80 - 100 kg/ha; giảm 20% lượng phân bón hóa học và thuốc bảo vệ thực vật có nguồn gốc hóa học; giảm 20% lượng nước tưới so với canh tác truyền thống; 100% diện tích áp dụng ít nhất một quy trình canh tác bền vững như: 1 phải 5 giảm, tưới ngập khô xen kẽ, tiêu chuẩn sản xuất lúa bền vững (SRP), các tiêu chuẩn thực hành nông nghiệp tốt được chứng nhận và được cấp mã số vùng trồng… để canh tác bền vững.

Đồng Tháp: Phấn đấu đạt ít nhất 50.000 ha chuyên canh lúa chất lượng cao trong năm 2025
Tỉnh Đồng Tháp phấn đấu đạt ít nhất 50.000 ha chuyên canh lúa chất lượng cao trong năm 2025. Ảnh: Hoàng Dương.

Về tổ chức lại sản xuất, 100% diện tích sản xuất vùng chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp có liên kết giữa doanh nghiệp với tổ hợp tác, hợp tác xã hoặc các tổ chức của nông dân trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm. Tỷ lệ cơ giới hóa đồng bộ đạt trên 50% diện tích, trên 45.000 hộ áp dụng quy trình canh tác bền vững.

Bên cạnh đó, kế hoạch cũng đặt ra các mục tiêu về bảo vệ môi trường và tăng trưởng xanh, phấn đấu tỷ lệ thất thoát sau thu hoạch dưới 10%, 70% rơm tại các vùng chuyên canh được thu gom khỏi đồng ruộng và được chế biến tái sử dụng và giảm trên 10% lượng phát thải khí nhà kính so với canh tác lúa truyền thống.

Ngoài ra, giá trị gia tăng trong chuỗi lúa gạo tăng 30%, trong đó tỷ suất lợi nhuận của người trồng lúa đạt trên 40%. Lượng gạo xuất khẩu chất lượng cao và phát thải thấp chiếm trên 20% tổng lượng gạo xuất khẩu của toàn vùng chuyên canh.

Đặc biệt, để triển khai thực hiện kế hoạch, UBND tỉnh Đồng Tháp cũng yêu cầu UBND huyện, thành phố chủ động phối hợp Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh và các tổ chức chính trị xã hội huyện, thành phố thực hiện thông tin, tuyên truyền nhân rộng các mô hình phát triển bền vững một triệu ha chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh trên địa bàn tỉnh; vận động nông dân, tổ hợp tác, hợp tác xã tham gia và tuân thủ chặt chẽ Quy trình kỹ thuật sản xuất lúa chất lượng cao và phát thải thấp vùng đồng bằng sông Cửu Long.

Cùng với đó, UBND huyện, thành phố xây dựng kế hoạch thực hiện và bố trí kinh phí thực hiện phù hợp; thành lập tổ công tác triển khai, theo dõi hướng dẫn thực hiện;…

Theo Kế hoạch triển khai thực hiện “Đề án phát triển bền vững một triệu héc ta chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2030” tại tỉnh Đồng Tháp năm 2025, tổng kinh phí dự kiến thực hiện là 164.574.707.900 đồng.

Trong đó: kinh phí khuyến nông quốc gia là 1.458.350.000 đồng; kinh phí thực hiện đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp là 340.800.000 đồng; nguồn kinh phí sử dụng sản phẩm, dịch vụ công ích thủy lợi đã phân bổ cho địa phương quản lý là 51.864.000.000 đồng; vốn hỗ trợ bảo vệ, phát triển đất trồng lúa theo Nghị định số 35/2015/NĐ- CP của Chính phủ là 71.661.620.900 đông; vốn xã hội hóa là 21.268.800.000 đồng; vốn từ các chương trình, dự án liên quan là 17.981.137.000 đồng.