VIC tăng giá mạnh

Cổ phiếu đáng chú ý nhất trong nhóm blue-chips lớn hôm nay là VIC, khi thoát khỏi đà lao dốc nặng nề suốt 2 tháng đầu năm nay bằng một phiên tăng 2,86%. VIC vốn hóa rất lớn nên khi thoát khỏi áp lực giảm còn tăng mạnh đã góp phần nâng đỡ VN-Index.

VIC giảm tới trên 19% chỉ trong vòng 2 tháng là một trong những cổ phiếu “bay màu” nặng nhất và là blue-chips yếu nhất thị trường. Đặc biệt trong tháng 2, VIC giảm tới 20,6%. Giá đóng cửa hôm qua đã xuống 77.000 đồng, tức là tương đương với mặt bằng giá hồi tháng 7-8/2020. Có thể điều này đã khuyến khích các giao dịch bắt đáy nhiều hơn.

Dòng tiền kiên trì bám trụ, đến lượt cổ phiếu bất động sản tăng
Diễn biến phiên giao dịch VN-Index

Ảnh hưởng của VIC có thể thấy rất rõ khi 2 nhịp tăng, 2 nhịp giảm của mã này trùng khớp với các diễn biến trồi sụt ở chỉ số. VIC tăng vọt lên 79.900 đồng giữa phiên sáng sau đó tụt xuống và buổi chiều lại có thêm một vòng tăng giảm nữa. VIC tụt dốc buổi chiều đúng lúc VN-Index đã chạm vào 1.501 điểm. Kết thúc phiên VIC lại tăng, nhưng chỉ số không thể lấy lại được độ cao, chỉ tới 1.498,78 điểm.

Giao dịch của VIC có thể tạo cảm hứng nhất định cho nhóm cổ phiếu bất động sản hôm nay. Chỉ số nhóm bất động sản sàn HoSE là VNREAL tăng tới 1,53%, là chỉ số mạnh nhất trong các nhóm ngành ở sàn này. Tới 34/42 mã ở nhóm này tăng giá, trong đó 2 mã kịch trần.

Tính chung HoSE cũng có 22 mã tăng trần, trong đó nhiều mã có liên quan đến bất động sản như HQC, DIG, HDC, HAG... Các cổ phiếu khác như VCG, SCR, CEO, NLG... cũng tăng giá rất tốt và thu hút dòng tiền.

Trong khi đó các cổ phiếu đang hấp dẫn như dầu khí, thép, phân bón, than lại bắt đầu có tín hiệu chốt lời ngắn hạn. GAS sụt giảm 0,25%, PLX giảm 1,61%, HPG giảm 0,64%, DCM giảm 0,27%, DPM giảm 1,39%, KSV giảm 1,43%, CST giảm 2,54%, TVD giảm 2,19%... là những cổ phiếu tiêu biểu.

Việc các mã này bị bán mạnh và giảm có thể là hệ quả của giao dịch chốt lời thông thường vì giá đã tăng rất tốt vài tuần nay. Mặt khác, khi dòng tiền vào ào ạt và khắp nơi khuyến nghị các nhóm cổ phiếu hàng hóa cơ bản hưởng lợi từ căng thẳng Nga – Ukraine thì cũng có thể là tín hiệu để người khác chốt lời. Tuy vậy yếu tố nâng đỡ các cổ phiếu này vẫn còn nguyên và khó kết thúc trong ngắn hạn.

Dòng tiền có dấu hiệu gia tăng trở lại

Tâm lý phòng thủ khi cuộc chiến Nga – Ukraine nổ ra là điều hết sức bình thường. Phiên hôm qua giao dịch giảm đột ngột xuống còn chưa tới 25,4 ngàn tỷ đồng khớp lệnh hai sàn HoSE và HNX. Hôm nay thanh khoản đã phục hồi nhất định, đạt gần 28,4 ngàn tỷ đồng.

Cũng cần lưu ý là phiên hôm nay chính là ngày T+3 của phiên giao dịch trên 38,9 ngàn tỷ đồng bắt đáy. Đó là phiên thị trường rúng động khi đạn bắt đầu nổ ở Ukraine và giá có thời điểm giảm rất sâu. Nhà đầu tư bắt đáy mạnh mẽ dẫn đến thanh khoản cao gần ngưỡng kỷ lục. Rất nhiều cổ phiếu đã sinh lời tốt cho đến hôm nay.

Do đó áp lực chốt lời tăng lên là điều bình thường và thanh khoản tăng thể hiện dòng tiền tiếp tục ở lại với thị trường. Phải có cầu mua vào đủ tốt để giúp cổ phiếu không giảm giá ở ngày T3 như vậy. Hôm nay hai sàn niêm yết vẫn có 353 cổ phiếu tăng giá và 246 cổ phiếu giảm giá.

Giao dịch vẫn sôi động và nhiều cổ phiếu tăng giá là một tín hiệu tốt, giữ nhà đầu tư ở lại tìm kiếm cơ hội. Dòng tiền không cực lớn, nhưng đủ ổn định và xoay vòng. Kể từ phiên giảm thấp đột biến ngày 15/2 vừa qua khi hai sàn khớp chưa tới 19 ngàn tỷ đồng thì 10 phiên trở lại đây đều trên ngưỡng 20 ngàn tỷ đồng/ngày. Thị trường tăng hay giảm đều có thể kiếm lợi nhuận được, nhưng thanh khoản giảm là điều rất bất lợi, cho thấy nhà đầu tư không dám mạo hiểm tìm kiếm cơ hội.

Dòng tiền kiên trì bám trụ, đến lượt cổ phiếu bất động sản tăng

HSX

HNX

Giá trị Khớp lệnh

Khối lượng Khớp lệnh

Giá trị Khớp lệnh

Khối lượng Khớp lệnh

24.844 tỷ đồng (+10%)

796,4 triệu (+15%)

3.508 tỷ đồng (+28%)

117,2 triệu (+19%)