Dự án VnSAT đóng góp quan trọng vào Đề án Tái cơ cấu nông nghiệp
Dự án VnSAT đóng góp quan trọng vào Đề án Tái cơ cấu nông nghiệp. Ảnh: TL

Ngày 12/10, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) phối hợp với Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên Hợp quốc (FAO) cùng Ngân hàng Thế giới (WB) tổ chức Hội nghị tổng kết Dự án hoàn thành “Chuyển đổi Nông nghiệp bền vững tại Việt Nam” (VnSAT).

Mang lại hiệu quả cao về kinh tế và môi trường, xã hội

Theo Bộ NN&PTNT, Dự án VnSAT do WB tài trợ và được thực hiện tại 13 tỉnh của Việt Nam từ năm 2015 đến 2022. Dự án VnSAT là một trong những dự án lớn của bộ với ngành hàng chính là lúa gạo ở Đồng bằng sông Cửu Long và cà phê tại Tây Nguyên. Sau một thời gian thực hiện, kết quả các tiêu chí về sản xuất, đầu ra của sản phẩm đã đạt được.

"Dự án VnSAT do WB tài trợ và được thực hiện tại 13 tỉnh của Việt Nam từ năm 2015 đến 2022. Dự án không chỉ có tác động tích cực đến hiệu quả kinh tế, cụ thể thông qua việc nâng cao năng suất, chất lượng lúa gạo và cà phê, mà còn mang lại những tác động tích cực đến môi trường và xã hội. Các địa phương được sự tài trợ của dự án đều thừa nhận rằng, những mô hình mà VnSAT đã triển khai trên địa bàn đều mang lại những thành công như mong đợi" - Bộ NN&PTNT nhận định.

Là một trong những địa phương triển khai thực hiện Dự án VnSAT, ông Trương Cảnh Tuyên - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang cho rằng, từ sự hỗ trợ kỹ thuật của dự án, nhận thức của người dân không ngừng được nâng lên. Chẳng hạn như việc giảm lượng giống gieo sạ từ 180 - 200kg/ha đến nay chỉ còn 80 - 100kg/ha, giúp tiết kiệm được rất nhiều chi phí đầu vào để tăng lợi nhuận cũng như bảo vệ môi trường.

Đối với hợp phần A, kết quả đánh giá cập nhật cho thấy, tất cả 4/4 đơn vị tại Bộ NN&PTNT và 10/10 tỉnh được chọn đều có chất lượng dịch vụ công được cải thiện so với đánh giá lần đầu (2016 - 2017). Bên cạnh đó, dự án đã giúp xây dựng được 3 khung chi tiêu công trung hạn (MTEF) cho chi thường xuyên và chi đầu tư (mục tiêu cuối kỳ là 3 MTEF); triển khai thực hiện được 7 đề án tái cơ cấu ngành (mục tiêu cuối kỳ là 3 đề án); giảm chênh lệch giữa thực chi và kế hoạch ngân sách năm 2021 là 30,6% (mục tiêu đặt ra là 20%).

Năm 2021 và 9 tháng đầu năm 2022, lĩnh vực nông nghiệp của Hậu Giang phát triển vượt bậc, năm 2021 mức tăng trưởng đến 4,04%. 9 tháng đầu năm 2022 ghi nhận sự tăng trưởng là 3,68%. Đây là kết quả của từ Dự án VnSAT kéo theo sự phát triển sản xuất của tỉnh Hậu Giang” - ông Tuyên nói.

Từ thành công này, tỉnh Hậu giang đã tích hợp những nội dung của VnSAT trình HĐND tỉnh ban hành đề án phát triển nông nghiệp bền vững thích ưng với biến đổi khí hậu với kinh phí hơn 600 tỷ đồng từ nguồn ngân sách của tỉnh. Kinh phí này không chỉ hỗ trợ cho các HTX lúa gạo mà còn thí điểm ở 1 số HTX về cây ăn trái và thủy sản.

Bà Dina Umali Deininger - Giám đốc phụ trách Nông nghiệp khu vực Đông Á - Thái Bình Dương thuộc WB nhấn mạnh: “Dự án VnSAT không chỉ giúp nâng cao hiệu quả canh tác, tăng thu nhập cho nông dân, giảm ô nhiễm môi trường mà còn góp phần giảm phát thải khí nhà kính trong nông nghiệp, lên tới hơn 1,5 triệu tấn CO2 tương đương từ trồng lúa hàng năm. Mô hình thành công này có thể là bàn đạp để nhân rộng ra các vùng khác trên cả nước, khi Bộ NN&PTNT đang thực hiện chuyển đổi nông nghiệp xanh ở Việt Nam”.

Không chỉ hỗ trợ ngành lúa gạo, Dự án VnSAT còn hỗ trợ phát triển ngành hàng cà phê phát triển. Ông Lê Trọng Yên - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Nông cho biết, Dự án VnSAT đã hỗ trợ cho nhiều địa phương trong tỉnh thực hiện tái canh các vườn cây cà phê năng suất thấp; đến nay, đã có 22.000ha cà phê của tỉnh tái canh thành công, cho năng suất vượt trội. Nếu như năng suất trung bình của cây cà phê ở Đắk Nông vào năm 2015 chỉ khoảng 2,2 tấn/ha thì hiện đã lên đến hơn 3 tấn/ha. Cùng với đó, tỉnh này cũng đã xây dựng được các vườn cà phê cảnh quan, hướng tới hình thành những vườn cà phê đặc sản cho giá trị cao.

Dự án VnSAT đóng góp quan trọng vào Đề án Tái cơ cấu nông nghiệp
Hàng ngàn nông dân được Dự án VnSAT ttriển khai được tập huấn về khoa học kỹ thuật trong sản xuất lúa gạo bền vững. Ảnh: TL

Cần nhân rộng mô hình của dự án

Theo Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Quốc Doanh, Dự án VnSAT triển khai đã có những thay đổi rất sâu rộng đối với hai ngành hàng cà phê và lúa gạo.

Với mặt hàng lúa gạo, Việt Nam đã có rất nhiều giống lúa chất lượng phục vụ xuất khẩu với giá cả cạnh tranh song phằng với các quốc gia trên thế giới. Đối với cây cà phê, từ những vườn già cỗi, chi phí sản xuất cao, các tỉnh đã tái canh được nhiều diện tích cho năng suất vượt trội. Điển hình như tỉnh Lâm Đồng, năng suất 1ha cà phê hiện nay đạt đến 3,5 tấn, cao gấp nhiều lần các vườn cà phê ở các nước khác trên thế giới.

Lợi nhuận của nông dân trồng lúa tham gia Dự án VnSAT cao hơn ngoài dự án 31,6%, so với trước dự án tăng 34,2% nhờ áp dụng các biện pháp canh tác bền vững và liên kết bao tiêu với các doanh nghiệp (mục tiêu cuối kỳ là 20%). Diện tích lúa có hợp đồng bao tiêu với các doanh nghiệp vụ đông xuân 2020 - 2021 hơn 74.200 ha, đạt 148% (mục tiêu cuối kỳ là 50.000 ha). Tổng số 91 tiểu dự án hỗ trợ tổ chức nông dân, hợp tác xã về trang thiết bị, hạ tầng thiết yếu đã hoàn thành và từng bước phát huy hiệu quả đầu tư.

Thứ trưởng Lê Quốc Doanh cho rằng, Dự án VnSAT đã góp phần quan trọng trong việc tái cơ cấu ngành lúa gạo và cà phê bằng việc lựa chọn triển khai kịp thời, đúng thời điểm cũng như tập trung vào hai ngành hàng quan trọng. Bên cạnh đó, dự án được thiết kế ngay từ đầu rất bài bản, khoa học, logic; các đơn vị tham gia dự án có năng lực, hoạt động hiệu quả.

“Chúng ta đã chọn những kỹ thuật tác động trực tiếp vào hiệu quả của hai ngành hàng này. Đây không phải là những kỹ thuật gì quá cao siêu mà rất gần gũi với người nông dân như "3 giảm 3 tăng", "1 phải 5 giảm" nhưng thực hiện rất căn cơ, bài bản. Thêm nữa là việc tăng cường chức sản xuất, hỗ trợ một cách đồng bộ. Do đó, giá trị của dự án vẫn không phải dừng khi dự án kết thúc mà sẽ còn tiếp tục duy trì” - ông Lê Quốc Doanh nói.

Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Quốc Doanh cũng đề nghị các địa phương cần nhân rộng mô hình của dự án. Đồng thời, WB và Tổ chức FAO tiếp tục phối hợp với Bộ NN&PTNT và các địa phương hình thành thêm các dự án tiếp theo với mục tiêu năng suất sản xuất tăng, giá thành, chi phí phải hạ và giảm rác thải.

Theo Ban Quản lý các Dự án nông nghiệp (Bộ NN&PTNT), Dự án VnSAT được triển khai từ năm 2015, kết thúc vào tháng 6/2022, bao gồm 4 hợp phần: Tăng cường năng lực, thể chế, phục vụ tái cơ cấu ngành nông nghiệp (hợp phần A); hỗ trợ phát triển lúa gạo bền vững (hợp phần B); hỗ trợ sản xuất và tái canh cà phê bền vững (hợp phần C); quản lý dự án (hợp phần tín dụng). Trong đó, có hơn 100 tiểu hợp phần đầu tư ở nhiều hạng mục.