Ngày 22/4, tại Hà Nội, Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) và Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB) tại Việt Nam đồng tổ chức Hội thảo tham vấn ý kiến đối với Báo cáo “Thị trường tài chính Việt Nam 2024 và triển vọng 2025”.
Dự báo thị trường tài chính đối mặt với rủi ro
Phát biểu tại hội thảo, ông Trần Phương - Phó Tổng Giám đốc BIDV cho biết, đến nay, đây là báo cáo duy nhất đánh giá toàn cảnh về thị trường tài chính Việt Nam, bao gồm các lĩnh vực ngân hàng - chứng khoán - bảo hiểm. Báo cáo này đã, đang và sẽ góp phần cung cấp thông tin toàn diện, độc lập, khách quan và minh bạch về thị trường tài chính Việt Nam.
Đồng thời, báo cáo cũng nhận diện những xu hướng, cơ hội và các thách thức của thị trường, từ đó đưa ra các giải pháp, khuyến nghị có ý nghĩa thực tiễn góp phần thúc đẩy phát triển thị trường tài chính Việt Nam an toàn, hiệu quả và bền vững.
![]() |
Toàn cảnh hội thảo tham vấn ý kiến đối với Báo cáo “Thị trường tài chính Việt Nam 2024 và triển vọng 2025”. Ảnh:
Ánh Tuyết. |
"Chủ trương của Chính phủ phát triển thị trường vốn một cách lành mạnh và bền vững để cung ứng nhu cầu vốn trung và dài hạn, trong có thị trường trái phiếu doanh nghiệp. Dù thị trường này có dấu hiệu tích cực hai năm qua nhưng những rủi ro, thách thức cần quan tâm, khắc phục. Chúng tôi dựa trên kinh nghiệm quốc tế từ các nước như Trung Quốc, Hàn Quốc và Thái Lan, báo cáo đưa ra phân tích, so sánh và khuyến nghị chính sách, đặc biệt là về hoàn thiện khung pháp lý. Mục tiêu là phát huy kết quả đạt được, tháo gỡ khó khăn, từ đó thúc đẩy sự phát triển lành mạnh và an toàn" - lãnh đạo BIDV nêu rõ.
Báo cáo cũng nhấn mạnh bối cảnh quốc tế năm 2025 được dự báo sẽ có nhiều biến động hơn sau khi ông Donald Trump đắc cử Tổng thống Mỹ, nhất là trong các lĩnh vực về quan hệ đối ngoại, an ninh, kinh tế, thương mại, đặc biệt liên quan đến các chính sách thuế quan và đầu tư quốc tế. Kinh tế Việt Nam tuy được dự báo tăng trưởng khá, nhưng phải đối mặt với nhiều rủi ro, thách thức hơn là cơ hội, nhất là từ bối cảnh quốc tế.
Với bối cảnh quốc tế và trong nước như nêu trên, thị trường tài chính năm 2025 được dự báo bên cạnh những thuận lợi sẽ đối mặt với một số rủi ro, thách thức.
Xoay trục tăng trưởng trong "cơn sóng" chính sách từ Mỹ
Ông Nguyễn Bá Hùng - Chuyên gia Kinh tế trưởng Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB) nhận định rằng hiện nay, các hiệu ứng từ chính sách thương mại của Mỹ đang tạo ra nhiều rủi ro đối với thương mại và đầu tư quốc tế. Trong bối cảnh các phương án chính sách còn chưa rõ ràng, phần lớn dòng vốn đầu tư quốc tế đã chững lại.
Trước những diễn biến khó lường, nhiều nhà đầu tư lựa chọn "án binh bất động", chờ đợi động thái tiếp theo từ phía Mỹ. Theo đánh giá sơ bộ của ADB, các biện pháp thương mại của Mỹ sẽ có tác động rõ rệt tới kinh tế toàn cầu, với ảnh hưởng bắt đầu từ năm 2025 và đỉnh điểm trong năm 2026.
![]() |
Dự báo tác động "làn sóng" thuế quan Mỹ đến tăng trưởng kinh tế và thị trường tài chính. Ảnh tư liệu. |
Xuất khẩu chịu áp lực, kích cầu nội địa là điểm tựa tăng trưởng mới "Năm 2024, động lực tăng trưởng tốt là dựa vào kinh tế đối ngoại, hoạt động xuất khẩu và FDI, còn tiêu dùng nội địa chưa tốt những năm trước, dựa trên diễn biến kinh tế thế giới, nhiều năm khó khăn, điểm tựa lớn nhất cần quay về kích cầu nội địa Với tình hình diễn biến môi trường đầu tư thương mại quốc tế như hiện nay, cầu nhập khẩu của thế giới nhìn chung giảm trong khi nhiều nước lấy xuất khẩu là động lực tăng trưởng nên cạnh tranh gay gắt hơn. Cần bám thị trường khác để đa dạng xuất khẩu, tăng năng lực cạnh tranh" - ông Nguyễn Bá Hùng, Chuyên gia Kinh tế trưởng ADB nhìn nhận. |
Hiện thị trường đã có phản ứng trước sự bất định của chính sách thuế Mỹ, thể hiện qua việc các doanh nghiệp tăng nhập khẩu vào Mỹ để "đón đầu" chính sách thuế mới đang trong giai đoạn 90 ngày trì hoãn.
"Xu hướng nhập khẩu tăng nhằm tránh các mức thuế cao sẽ tiếp tục, chỉ sau khi thuế suất chính thức được ban hành, tác động lên xuất khẩu mới có thể đo lường rõ hơn" - ông Hùng nhận định.
Dự báo tăng trưởng khu vực châu Á - Thái Bình Dương chưa tính đến tác động định lượng từ chính sách thuế quan của Mỹ, nhưng ADB cho rằng tốc độ tăng trưởng sẽ tiếp tục xu hướng giảm dần: năm 2024 dự kiến đạt 5%, năm 2026 là 4,9%, và đến 2027 còn 4,7%.
Tuy vậy, nhu cầu nội địa vẫn là điểm sáng của khu vực, nhờ vào hai nền kinh tế có dân số lớn đóng vai trò động lực. Trong giai đoạn tới, đầu tư và tiêu dùng nội địa sẽ là trụ cột quan trọng để cân bằng lại tăng trưởng nếu môi trường xuất khẩu chịu tác động tiêu cực từ chính sách thương mại của Mỹ.
Về lạm phát, xu hướng chung đang có chiều hướng giảm. Nhiều ngân hàng trung ương trong khu vực đã bắt đầu hạ lãi suất và nới lỏng chính sách tiền tệ, đặc biệt trong bối cảnh gia tăng rủi ro từ các chính sách thương mại khó lường của Mỹ. Điều này góp phần duy trì xu hướng nới lỏng trên phạm vi rộng.
Hiện tại, phần lớn các quốc gia vẫn chưa áp dụng hàng rào thuế quan cao, do đó áp lực lạm phát bên ngoài nước Mỹ chưa quá lớn. Bên cạnh đó, việc hàng hóa Trung Quốc gặp khó trong việc tiếp cận thị trường Mỹ khiến các dòng hàng này chuyển hướng sang các thị trường khác, từ đó làm giảm mức độ cạnh tranh gay gắt và phần nào giảm bớt áp lực giá.
Với bối cảnh trên, dự báo lạm phát tiếp tục duy trì đà giảm và các ngân hàng trung ương nhiều khả năng sẽ tiếp tục áp dụng các chính sách tiền tệ nới lỏng trong thời gian tới.
Ba kịch bản tăng trưởng GDP 2025 theo diễn biến thuế quan Việt - Mỹ Báo cáo “Thị trường tài chính Việt Nam 2024 và triển vọng 2025” của BIDV cũng đánh giá mức độ tăng trưởng phụ thuộc khá nhiều vào kết quả đàm phán thuế quan đối ứng giữa Việt Nam và Mỹ. Với kịch bản cơ sở (xác suất 60%), giả định Việt Nam đàm phán giảm mức thuế đối ứng xuống còn khoảng 20-25% (từ mức 46% dự kiến hiện tại), tăng trưởng GDP năm 2025 có thể đạt khoảng 6,5-7%. Với kịch bản tích cực (xác suất 20%), mức thuế quan chỉ khoảng 10%, tăng trưởng GDP có thể đạt 7,5-8%. Với kịch bản tiêu cực (xác suất 20%), Mỹ vẫn sẽ áp mức thuế đối ứng 46% (hoặc chỉ giảm nhẹ), tăng trưởng GDP sẽ bị ảnh hưởng rất tiêu cực, giảm 1,5-2 điểm %, chỉ đạt 5,5-6% năm 2025. Lạm phát cả năm 2025 dự báo tăng khoảng 4-4,5%./. |