ĐTC

(Ảnh minh họa)

Tại cuộc họp, nhiều ĐB đưa ra ý kiến về nội dung trách nhiệm của tập thể, cá nhân đối với việc quyết định chủ trương đầu tư, quyết định đầu tư, trách nhiệm trong tư vấn thiết kế…

Băn khoăn trách nhiệm trong quyết định đầu tư

ĐB Ngô Văn Minh cho rằng dự thảo Luật ĐTC khi thông qua sẽ góp phần củng cố lòng tin của nhân dân đối với chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước. Tuy nhiên, cần phải quy định rõ hơn về trách nhiệm, xử lý đối với người quyết định chủ trương đầu tư sai. Đó mới là gốc của vấn đề đầu tư sai. ĐB Ngô Văn Minh lấy ví dụ về hậu quả mới đây của việc đầu tư sai là thuỷ điện Đăk Mi 4 thay đổi dòng chảy, làm cạn kiệt nguồn nước của mấy trăm ngàn người dân. Trích dẫn điều 94, 95 của dự thảo luật, ĐB cho rằng chỉ ghi xử lý vi phạm hay xử lý kỷ luật là không cụ thể, cần ghi rõ là xử lý theo pháp luật. Có như vậy mới tăng cường hiệu quả quản lý ĐTC.

Cùng ý kiến này, ĐB Đỗ Văn Đương ví von, quy định về trách nhiệm như trong dự thảo vẫn là “một dòng sông êm đềm”, chưa đủ sức răn đe. Vì vậy cần nêu rõ trách nhiệm, thẩm quyền của người quyết định chủ trương đầu tư.

ĐB cũng nhấn mạnh rằng Luật ĐTC ra đời với mục tiêu đầu tư đảm bảo hiệu quả, tiết kiệm từng đồng của người dân. Vì vậy, các quy định cần phải liên kết chặt chẽ với quy định trong Luật thực hành tiết kiệm chống lãng phí.

Phát biểu tại hội nghị, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng cho rằng quyết định dự án đầu tư là thủ trưởng, tùy theo cấp dự án, có thể là Thủ tướng, Bộ trưởng…. Không phải tất cả các công trình đều đưa ra Hội đồng Nhân dân và Quốc hội quyết định mà chỉ là những công trình quan trọng. Vì vậy, tiêu chí để đưa công trình ra HĐND, Quốc hội phải được nêu rõ trong luật. Quốc hội là cơ quan lập pháp, quyết định chủ trương một số vấn đề quan trọng, chứ không phải cơ quan hành pháp.

Chủ tịch Quốc hội không phải là người đứng đầu, thủ trưởng của Quốc hội, mà là chủ toạ, để lấy ý kiến, tập hợp ý kiến của hơn 500 đại biểu. Vì vậy, không thể quy trách nhiệm Chủ tịch Quốc hội, hay Thường vụ Quốc hội, hay 500 đại biểu Quốc hội. Vấn đề của Quốc hội là tìm hiểu kỹ, quyết định, nếu có gì phát sinh, chưa đúng thì cần tìm hiểu lại, trình lại. Và Quốc hội cũng không nên yêu cầu phê duyệt quá cụ thể vào các dự án mà chỉ phê duyệt chủ trương.

Đề xuất chưa thông qua Luật Đầu tư công trong kỳ họp tới

Trong khi đó, ĐB Đinh Văn Nhã đề nghị chưa vội thông qua Luật Đầu tư công ngay trong kỳ họp thứ 7 tới mà nên đợi đến kỳ họp 8 để thông qua cùng với Luật Ngân sách sửa đổi, bởi còn nhiều vấn đề cần phải thống nhất chặt chẽ, tránh mâu thuẫn, chồng chéo giữa 2 luật.

ĐB Đinh Văn Nhã nêu lên một trong những vấn đề chưa thống nhất là phạm vi quy định về nguồn vốn đầu tư. Theo đó, Luật ĐTC coi tất cả các nguồn vốn đầu tư từ ngân sách là ĐTC, nhưng Luật Ngân sách vẫn đang bàn xem có đưa trái phiếu Chính phủ, công trái, xổ số vào cân đối ngân sách hay không. Trong khi ĐTC có nguồn lớn từ trái phiếu Chính phủ.

Về đầu tư trung hạn, cần bàn xem kế hoạch nên là 3 hay 5 năm. Nếu kế hoạch ngân sách trung hạn là 3 năm phải gắn với kế hoạch đầu tư 3 năm. Vì vậy, phải thống nhất về kế hoạch trung hạn của 2 luật.

ĐB cũng cho rằng tiêu chí phân loại dự án theo mức vốn là lối mòn cũ. Tiêu chí đầu tiên để phân loại không phải là vốn mà ý nghĩa kinh tế xã hội của dự án. Phân loại theo mức vốn sẽ tạo điều kiện cho việc chạy thẩm quyền trong phê duyệt dự án, chia nhỏ dự án để được phê duyệt.

Phát biểu tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ Tài chính Phạm Sỹ Danh cho biết, Luật Ngân sách (sửa đổi) do Bộ Tài chính chủ trì và Luật ĐTC đúng là có nhiều phạm vi dễ chồng lấn, trùng lắp, vì vậy cần xem xét kỹ dự thảo Luật Ngân sách sửa đổi khi thông qua Luật ĐTC. Ví dụ như khái niệm vốn trái phiếu Chính phủ và vốn trái phiếu chính quyền địa phương đều có ở cả hai luật.

Về kế hoạch đầu tư như ĐB Đinh Văn Nhã đề cập, Thứ trưởng Phạm Sỹ Danh cho biết Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo các Bộ phải đảm bảo nội dung cốt lõi để kế hoạch ĐTC trung hạn phải là một bộ phận của kế hoạch ngân sách trung hạn, khi thông qua kế hoạch ngân sách trung hạn sẽ cùng đồng thời phê duyệt kế hoạch ĐTC trung hạn. Vì vậy Thứ trưởng đề nghị các ĐB Quốc hội nghiên cứu thêm về dự thảo Luật Ngân sách sửa đổi đã được gửi đến các ĐB trong quá trình xem xét, thông qua Luật ĐTC./.

Hoàng Yến