Chính thức trình Quốc hội dự án đường sắt tốc độ cao

Xem xét thận trọng về khả năng đáp ứng của nguồn lực

Trình bày báo cáo thẩm tra, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh cho biết, dự án cơ bản phù hợp với Quy hoạch mạng lưới đường sắt thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Về hiệu quả kinh tế - xã hội, tài chính, Ủy ban Kinh tế đề nghị làm rõ các cơ sở tính toán về dự báo nhu cầu vận tải của dự án, khi thực tế thời gian qua việc dự báo nhu cầu vận tải của nhiều dự án giao thông BOT có sự chênh lệch lớn so với thực tế, dẫn đến thiếu hiệu quả về phương án tài chính phải điều chỉnh hợp đồng dự án.

Đường sắt tốc độ cao: Đánh giá kỹ hiệu quả tài chính, kinh tế của dự án
Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh trình bày báo cáo thẩm tra

Báo cáo của Hội đồng thẩm định Nhà nước cho rằng, doanh thu và tăng trưởng doanh thu đang dự báo cao, tiềm ẩn nhiều rủi ro. Vì vậy, cơ quan thẩm tra đề nghị rà soát kỹ lưỡng để đánh giá đúng thực tế hiệu quả tài chính của Dự án và khả năng ngân sách nhà nước (NSNN) phải bù lỗ trong tương lai cho hoạt động kinh doanh vận tải trên tuyến đường sắt tốc độ cao.

Về nguồn vốn cho dự án, sơ bộ tổng mức đầu tư dự án khoảng 1.713.548 tỷ đồng (khoảng 67,34 tỷ USD). So với tổng mức vốn đầu tư trung hạn nguồn ngân sách trung ương (NSTW), sơ bộ tổng mức đầu tư dự án vượt quá (bằng 114%) tổng vốn đầu tư công trung hạn NSTW giai đoạn 2021 - 2025 và tương đương 59,7% tổng mức vốn đầu tư công trung hạn (ĐTCTH) nguồn NSNN giai đoạn 2021 - 2025. Vì vậy, “cần nghiên cứu, xem xét thận trọng”, báo cáo nêu.

Trong đó, về hạn mức 20% tổng số vốn KHĐTCTH giai đoạn trước, theo Phụ lục 7 kèm theo, tổng chi phí các năm từ 2026 - 2030 khoảng 733.000 tỷ đồng, bằng 25,5% tổng vốn ĐTCTH nguồn NSNN giai đoạn 2021 - 2025 và bằng 49% tổng vốn ĐTCTH nguồn NSTW giai đoạn 2021 - 2025. Như vậy, không bảo đảm quy định của Luật Đầu tư công.

Ủy ban Kinh tế cho rằng, nội dung này cần báo cáo Quốc hội xem xét, thảo luận kỹ lưỡng về việc áp dụng cơ chế, chính sách đặc thù, đặc biệt khác với quy định tại khoản 2 Điều 89 Luật Đầu tư công năm 2019 để bảo đảm căn cứ pháp lý trong quá trình triển khai thực hiện; bảo đảm tuân thủ quy định của pháp luật hiện hành, Quy định số 189-QĐ/TW của Bộ Chính trị về kiểm soát quyền lực, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong quản lý sử dụng tài chính, tài sản công.

Chưa rõ phương án chi trả vận hành, bảo trì

Theo phụ lục báo cáo kèm theo báo cáo nghiên cứu tiền kha thi, sau thời gian dự kiến hoàn thành của Dự án (năm 2035), từ năm 2036 đến năm 2066, chi phí vận hành và bảo trì dự án hằng năm đều ở mức trên 25.000 tỷ đồng và chưa rõ phương án chi trả, Ủy ban Kinh tế cho hay.

Đối với khả năng đáp ứng của nguồn lực NSNN, cơ quan thẩm tra cho biết tờ trình của Chính phủ và các tài liệu kèm theo chưa thể hiện rõ về phân kỳ đầu tư, dự kiến số vốn cụ thể trong các giai đoạn. Đây là nội dung quan trọng cần có sự phối hợp giữa các bộ, cơ quan liên quan để xây dựng phương án bố trí vốn bảo đảm tính khả thi.

Vì vậy, để có cơ sở Quốc hội xem xét, quyết định, cơ quan thẩm tra đề nghị Chính phủ báo cáo rõ hơn về phương án bố trí vốn và khả năng cân đối vốn NSNN sử dụng cho dự án. Đồng thời, đề nghị rà soát danh mục, số vốn cho các dự án ưu tiên đầu tư trong các giai đoạn tới và phương án ưu tiên bố trí vốn đối với các dự án, báo cáo Quốc hội quyết định đối với từng giai đoạn cho phù hợp.

Đường sắt tốc độ cao: Đánh giá kỹ hiệu quả tài chính, kinh tế của dự án
Quốc hội xem video clip về Dự án đường sắt tốc độ cao

Không gây áp lực trả nợ lên các giai đoạn sau

Về an toàn nợ công, cơ quan thẩm tra lưu ý 2 tiêu chí quan trọng là bội chi NSNN bình quân và chi trả nợ trực tiếp dự kiến sẽ tăng ở mức khá cao. Bội chi NSNN bình quân là 4,1% GDP, tăng trên 30% so với mức mục tiêu là 3%; chi trả nợ trực tiếp khoảng 33 - 34%, vượt mức giới hạn 25% tổng thu NSNN.

Tính toán kỹ cân đối tổng thể ngân sách

Nhiều ý kiến cho rằng, ngân sách nước ta trong thời gian qua và những năm tới vẫn bội chi, nguồn vốn đầu tư công chủ yếu từ vay nợ.

Do vậy, việc cân đối tổng thể ngân sách cần được tính toán kỹ lưỡng để bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô; bám sát Nghị quyết số 07-NQ/TW của Bộ Chính trị về “Chủ trương, giải pháp cơ cấu lại NSNN, quản lý nợ công để bảo đảm nền tài chính quốc gia an toàn, bền vững”.

Do đó, cơ quan thẩm tra đề nghị Chính phủ đánh giá cụ thể về tác động của việc đầu tư Dự án đến bội chi NSNN, nợ công, khả năng trả nợ của NSNN trong trung hạn và dài hạn, tuân thủ chặt chẽ nguyên tắc về hạn mức chỉ tiêu an toàn nợ công để bảo đảm an ninh tài chính quốc gia, không gây áp lực trả nợ lên các giai đoạn sau.

Nhấn mạnh đây là dự án quan trọng, chiến lược, tác động sâu rộng tới mọi mặt kinh tế - xã hội, Ủy ban Kinh tế nhất trí với Chính phủ rằng việc cho phép áp dụng một số cơ chế, chính sách đặc thù, đặc biệt là rất cần thiết.

Trong số 19 nhóm cơ chế, chính sách đặc thù Chính phủ đề xuất, Ủy ban Kinh tế có đề nghị lưu ý một số vấn đề.

Trong đó, về chính sách 3, dự án dự kiến sử dụng nguồn vốn rất lớn, do đó cần được xem xét kỹ lưỡng và thận trọng để bảo đảm cân đối nguồn lực chung của cả đất nước cũng như bảo đảm tính khả thi về nguồn vốn triển khai thực hiện Dự án, đồng thời phải bảo đảm thực hiện đúng quy định tại khoản 7 Điều 8 Quy định số 189-QĐ/TW của Bộ Chính trị. Vì vậy, một số ý kiến đề nghị thực hiện theo quy định của Luật Đầu tư công về nội dung thẩm định nguồn vốn và khả năng cân đối vốn.

Về chính sách 10, Ủy ban Kinh tế cho biết việc quyết định chủ trương đầu tư Dự án chỉ bao gồm các nội dung cơ bản, cốt lõi, quan trọng, có ảnh hưởng trực tiếp đến Dự án để làm cơ sở đánh giá, giám sát việc triển khai thực hiện và sử dụng vốn hiệu quả, bảo đảm mục tiêu của Dự án đã được Quốc hội quyết định.

Bên cạnh đó, Dự án có tổng mức đầu tư rất lớn nên việc thay đổi dưới 10% tổng mức đầu tư (khoảng 171.000 tỷ đồng) là số tiền rất lớn, tác động đến cân đối NSNN, bội chi và nợ công trong trung hạn và hằng năm. Do đó, cần được Quốc hội xem xét, quyết định để bảo đảm cân đối, tổng thể chung./.