Tổng cục Thống kê đánh giá kinh tế quý I năm nay có nhiều điểm sáng. Ảnh: Q.H

Sáng 29/3, tại Hà Nội, Tổng cục Thống kê đã tổ chức họp báo công bố số liệu thống kê về tình hình kinh tế, xã hội tháng 3 và quý I/2021

GDP vẫn tăng trưởng ấn tượng

Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, trong mức tăng chung của toàn nền kinh tế, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 3,16%, đóng góp 8,34% vào mức tăng trưởng chung; khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 6,3%, đóng góp 55,96%; khu vực dịch vụ tăng 3,34%, đóng góp 35,70%.

Khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản trong quý I/2021 tăng cao so với cùng kỳ năm trước do năng suất lúa, sản lượng cây lâu năm đạt khá; dịch tả lợn châu Phi được kiểm soát tốt, sản lượng thịt hơi xuất chuồng tăng khá; đồng thời thị trường xuất khẩu các mặt hàng gỗ và lâm sản được mở rộng.

Bà Nguyễn Thị Hương – Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê cho biết, khu vực dịch vụ trong quý I/2021 tăng trưởng tích cực khi dịch Covid-19 được kiểm soát chặt chẽ; doanh nghiệp xuất khẩu đã tận dụng tốt các hiệp định thương mại tự do (FTA) được ký kết; cộng với đóng góp của một số ngành dịch vụ thị trường có tỷ trọng lớn vào mức tăng tổng giá trị tăng thêm của quý I.

Theo bà Hương, điểm sáng tăng trưởng kinh tế quý I cho thấy sự điều hành linh hoạt của Chính phủ. Quý I năm nay không còn tình trạng găm hàng, "ngăn sông cấm chợ" như năm trước. Chỉ những vùng căng thẳng dịch bệnh mới "đóng băng", còn các địa phương khác vẫn sản xuất, thậm chí ngay trong các địa phương đóng băng vẫn có sản xuất.

Trong khu vực công nghiệp và xây dựng, ngành công nghiệp quý I/2021 tăng 6,5% so với cùng kỳ năm trước, cao hơn mức tăng 5,1% của quý I/2020 nhưng thấp hơn nhiều so với mức tăng 10,45% của quý I/2018 và 9% của quý I/2019. Ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tiếp tục đóng vai trò động lực dẫn dắt tăng trưởng của nền kinh tế với mức tăng 9,45%. Ngành khai khoáng tăng trưởng âm 8,24% do sản lượng dầu thô khai thác giảm 11% và khí đốt tự nhiên giảm 16,1%. Ngành xây dựng tăng 5,17%, cao hơn mức tăng 4,37% của quý I/2020.

Trên góc độ sử dụng GDP quý I/2021, tiêu dùng cuối cùng tăng 4,59% so với cùng kỳ năm 2020; tích lũy tài sản tăng 4,08%; xuất khẩu hàng hóa và dịch vụ tăng 17,01%; nhập khẩu hàng hóa và dịch vụ tăng 16,38%.

Cần tận dụng tốt các FTA

Bình luận về bức tranh kinh tế quý I, ông Lê Trung Hiếu - Vụ trưởng Vụ Thống kê tài khoản quốc gia cho rằng, tăng trưởng quý I được hỗ trợ lớn từ ngành nông, lâm, thủy sản. Bên cạnh đó, các ngành công nghiệp trọng điểm trong quý I đã lấy lại đà tăng trưởng, tạo đà tăng trưởng cho quý II.

Theo ông Hiếu, để giữ vững đà tăng trưởng trong thời gian tiếp theo, chúng ta cần phát huy lợi thế và vị thế của đất nước trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội, thành công trong ngăn ngừa và xử lý dịch Covid-19 thời gian qua, tạo niềm tin cho nhà đầu tư nước ngoài để thu hút đầu tư; chủ động theo dõi, đánh giá xu hướng chuyển dòng vốn đầu tư nước ngoài (FDI) vào Việt Nam để có những điều chỉnh chính sách phù hợp trong việc thu hút dòng vốn FDI có chất lượng, thân thiện môi trường đóng góp cho tăng trưởng và phát triển kinh tế đất nước.

Đồng thời, chúng ta cần tổ chức khai thác, tận dụng các FTA để tìm giải pháp phát triển thị trường và tháo gỡ rào cản để thâm nhập các thị trường mới; ưu tiên triển khai các hoạt động xúc tiến xuất khẩu, tiếp tục triển khai các hoạt động kết nối cung cầu, xúc tiến thương mại để hỗ trợ tiêu thụ các mặt hàng sản xuất trong nước, đặc biệt đối với các sản phẩm tươi sống.

Theo Tổng cục Thống kê, ngành Nông nghiệp cần điều chỉnh phù hợp về cơ cấu mùa vụ lúa, diện tích gieo trồng cơ cấu giống hoặc chuyển đổi cơ cấu sản xuất trên đất trồng lúa, tăng cường chỉ đạo sản xuất các cây trồng chủ lực thích ứng với biến đổi khí hậu, và đặc biệt cần linh hoạt trong chỉ đạo với từng vùng, từng loại cây. Việc chuyển đổi cần phù hợp thổ nhưỡng và thị trường. Trong quá trình chuyển đổi, các cơ quan hữu quan cần bám sát và có những kiến nghị để sản xuất không chạy theo phong trào, tránh tái diễn việc “giải cứu” nông sản.

Bên cạnh đó, cơ quan chức năng cần hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp tháo gỡ khó khăn trong khâu tiêu thụ sản phẩm như: tìm kiếm, mở rộng thị trường xuất khẩu, kích cầu tiêu thụ trong nước…; tiếp tục miễn, giảm các loại thuế, phí và tiền thuê đất năm 2021; cùng với đó, cần ngăn chặn hiệu quả hàng nhập lậu, chống chuyển giá, gian lận nhãn mác hàng hóa đội lốt hàng Việt Nam để xuất khẩu nhằm tận dụng các lợi thế của Việt Nam khi tham gia các FTA./.

Quang Huy