Đối với thị trường cao su, nhu cầu Trung Quốc là yếu tố mấu chốt tác động lên diễn biến giá cao su tại Việt Nam trong thời gian tới. Bên cạnh đó, biến động của giá dầu do lo ngại gián đoạn thương mại tại biển Đỏ cũng sẽ ảnh hưởng gián tiếp lên giá, chủ yếu theo hướng đẩy giá lên.

PV: Ông đánh giá thế nào về tình hình thị trường giá cả cà phê, cao su trong nước và thế giới từ đầu tháng 12 đến nay?

Ông Nguyễn Ngọc Quỳnh: Tôi cho rằng thị trường cà phê và cao su vừa trải qua gần một tháng giá biến động mạnh. Với thị trường cà phê thế giới, theo ghi nhận của MXV, kết phiên giao dịch gần nhất, giá Robusta ở mức 2.870 USD/tấn, tăng 15% so với đầu tháng và hơn 60% so với đầu năm 2023. Đăc biệt, trong ngày 19/12, giá Robusta đạt đỉnh 28 năm với giá 2.932 USD/tấn. Tính trung bình từ đầu năm đến nay, giá Robusta dao động quanh mức 2.350 USD/tấn, tăng 13% so với cùng kỳ năm ngoái.

Giá cà phê, cao su dự báo vẫn neo cao trong thời gian ngắn hạn

Dự báo giá cà phê vẫn neo cao trong thời gian ngắn hạn. Ảnh: TL.

Tại thị trường nội địa, giá cà phê nhân xô cũng tăng theo đà của giá cà phê Robusta thế giới. Trong ngày giao dịch 20/12, giá cà phê nội địa cao nhất ở mức 69.600 đồng/kg. Đây cũng là mức đỉnh lịch sử từng được ghi nhận tính đến thời điểm hiện tại. Như vậy, chỉ trong ba tuần, giá cà phê nội địa đã tăng 10.700 đồng/kg, tương đương mức tăng 18,2% so với cuối tháng 11.

Ngược lại, trong ngày giao dịch mới nhất, giá cao su RSS3 trên Sở Giao dịch Hàng hóa Osaka Exchange (OSE) của Nhật Bản giảm 11% so với cuối tháng 11, còn 234,2 yên/kg. Trong khi đó, giá cao su tự nhiên trên Sàn Thượng Hải (SHFE) của Trung Quốc khá biến động trong tháng 12.

Kết phiên giao dịch ngày 20/12, giá cao su trên sàn SHFE ở mức 13.500/tấn, tăng nhẹ 1% so với cuối tháng 11. Tương tự với giá cao su tự nhiên trên Sàn Thượng Hải, giá mủ cao su tại một số công ty lớn của Việt Nam nằm trong khoảng 270 - 305 đồng/ TSC, không thay đổi nhiều so với vùng giá 270 - 312 đồng/TSC vào tháng trước.

PV: Theo ông, đâu là nguyên nhân khiến giá mặt hàng này tăng, giảm mạnh trong thời gian gần đây?

Ông Nguyễn Ngọc Quỳnh: Theo tôi, nguyên nhân đẩy giá cà phê thế giới và Việt Nam tăng đột biến trong thời gian qua chủ yếu xuất phát từ vấn đề nguồn cung.

Đầu tiên, thời tiết nắng nóng đỉnh điểm tại vùng trồng cà phê chính Đông Nam Brazil có thể ảnh hưởng lớn đến sự phát triển của cây cà phê đang trong giai đoạn quả non. Điều này khiến thị trường dấy lên nghi ngại nguồn cung cà phê niên vụ 2024/2025 tại Brazil sẽ không tích cực như những gì đã dự đoán trước đó.

Giá cà phê, cao su dự báo vẫn neo cao trong thời gian ngắn hạn
Ông Nguyễn Ngọc Quỳnh

Đặc biệt, thị trường dấy lên tin đồn Việt Nam hạn chế bán cà phê để chờ giá lên và số liệu xuất khẩu tháng 11 của Việt Nam thấp hơn 7,4% cùng kỳ năm 2022, khả năng nguồn cung sẽ bị thiếu hụt khiến giá liên tục đi lên trong tháng 12.

Ngoài ra, tồn kho Robusta trên Sở ICE -EU giảm dần về mức thấp nhất lịch sử đã thiết lập hồi tháng 8, với khoảng 34.100 tấn cũng làm tăng thêm lo lắng thiếu hụt nguồn cung trên thị trường và thúc giá bật tăng.

Với thị trường cao su, tháng 12, giá mặt hàng này biến động mạnh và có xu hướng đi xuống so với tháng trước. Theo thông tin từ Bộ Công thương, nguyên nhân là do nhu cầu của thị trường yếu và giá dầu thô giảm xuống mức thấp nhất gần 6 tháng, song đà giảm được hạn chế bởi số liệu xuất khẩu tích cực của Trung Quốc.

Giá cao su Việt Nam vẫn duy trì ở mức cao trong tháng 12 theo giá cao su tự nhiên trên Sàn Thượng Hải. Lý do chính theo tôi xuất phát từ nhu cầu của Trung Quốc vẫn cao, trong khi Việt Nam lại là thị trường cung cấp cao su lớn thứ hai của quốc gia này.

PV: Trong thời gian tới, dự báo giá cà phê, cao su trong nước và thế giới sẽ biến động ra sao, thưa ông?

Ông Nguyễn Ngọc Quỳnh: Theo tôi, trong ngắn hạn, giá cà phê sẽ còn neo cao cho tới khi thị trường hết nghi ngại về khả năng xuất khẩu cà phê vụ 2023/2024 của Việt Nam. Hơn nữa, sản lượng cà phê Robusta tại Brazil và Indonesia dự kiến giảm, tồn kho trên Sở ICE-EU lùi dần về mức thấp lịch sử khiến lo ngại thiếu hụt nguồn cung trên toàn cầu gia tăng, chi phối đến diễn biến giá.

Đối với thị trường cao su, theo tôi, nhu cầu Trung Quốc là yếu tố mấu chốt tác động lên diễn biến giá cao su tại Việt Nam trong thời gian tới. Bên cạnh đó, biến động của giá dầu do lo ngại gián đoạn thương mại tại biển Đỏ cũng sẽ ảnh hưởng gián tiếp lên giá, chủ yếu theo hướng đẩy giá lên. Do đó, giai đoạn tới, nhiều khả năng giá cao su nội địa vẫn duy trì ở mức cao, hoặc chưa thể giảm sâu như giá cao su giao dịch trên Sở OSE.

PV: Xin cảm ơn ông!

Giá cà phê tăng ngay trong thời gian thu hoạch

Những ngày đầu tháng 12/2023, giá cà phê robusta tại thị trường nội địa tăng mạnh so với cuối tháng 11/2023. Diễn biến này trái với quy luật mọi năm, khi vùng Tây Nguyên đang bước vào thời điểm thu hoạch, giá thường giảm do áp lực nguồn cung tăng lên. Tính đến nay, giá cà phê trung bình ở khu vực Tây Nguyên ở mức 67.300 đồng/kg, tăng mạnh 10.000 đồng/kg (tương đương 17%) so với cuối tháng 11.