Giá cà phê, cao su khó duy trì đà tăng những tháng cuối năm
Nguồn: Tổng cục Hải quan. Đồ họa: Phương Anh

PV: Ông đánh giá thế nào về tình hình thị trường giá cà phê, cao su 9 tháng năm 2023?

Ông Nguyễn Ngọc Quỳnh: Trong 9 tháng năm 2023, thị trường cà phê là điểm nóng trên cả các sở giao dịch thế giới và thị trường trong nước. Cụ thể, giá cà phê Robusta trên Sở ICE - EU và giá cà phê nội địa đều có xu hướng tăng mạnh. Cuối tháng 9/2023, giá Robusta đã chạm mức cao nhất trong vòng 15 năm, đạt 2.900 USD/tấn, tăng 60% so với đầu năm.

Đáng chú ý, giá cà phê trong nước đã leo lên mức cao lịch sử là 68.500 đồng/kg vào giữa tháng 9, cao gấp đôi so với giá cà phê hồi đầu năm. Trong tháng 9, giá xuất khẩu cà phê FOB của Việt Nam còn ghi nhận mức cao kỷ lục 3.310 USD/tấn. Hiện, giá cà phê nội địa đã suy yếu đáng kể từ mức đỉnh nhưng vẫn ở vùng giá cao, dao động trong khoảng 64.000 đồng/kg.

Trong khi đó, giá cao su trên Sở Osaka của Nhật Bản không nhiều biến động trong 8 tháng năm 2023. Nhưng chỉ trong vòng 3 tuần từ giữa tháng 8 đến đầu tháng 9, giá cao su đã tăng 20%. Trong tháng 9, giá cao su xuất khẩu ở mức 1.302 USD/tấn, tăng 0,9% so với tháng trước, nhưng vẫn giảm 10% so với cùng kỳ năm ngoái.

Giá cà phê, cao su khó duy trì đà tăng những tháng cuối năm
Ông Nguyễn Ngọc Quỳnh

Hiện nay, giá cao su tại các sàn giao dịch chủ chốt châu Á lại có xu hướng tăng theo giá dầu, trong khi thị trường lo ngại xung đột ở Trung Đông gây ra nguy cơ tiềm ẩn làm gián đoạn vận tải biển và phí vận chuyển cao hơn, các công ty sản xuất lốp xe có khả năng tăng dự trữ nguyên liệu và nhu cầu cao su tự nhiên sẽ đi lên.

PV: Xin ông cho biết nguyên nhân nào ảnh hưởng đến việc tăng, giảm giá các mặt hàng trên?

Ông Nguyễn Ngọc Quỳnh: Theo tôi, có nhiều nguyên nhân tác động lên diễn biến giá của mặt hàng cà phê và cao su trong 9 tháng năm nay.

Với cà phê, nguồn hàng dự trữ ở mức thấp và hoạt động xuất khẩu mạnh mẽ của cà phê Việt Nam là hai yếu tố quan trọng đẩy giá đi lên trong thời gian qua. Năm 2022, các doanh nghiệp nước ta đã xuất đi một lượng cà phê kỷ lục 1,78 triệu tấn ra thế giới, cộng với sản lượng cà phê bị giảm 10 - 15% do mưa bão thất thường vào cuối năm đã khiến lượng hàng cho xuất khẩu năm nay không đáp ứng đủ nhu cầu.

Bên cạnh đó, Indonesia - quốc gia xuất khẩu Robusta lớn thứ 3 thế giới cũng bị giảm 32% lượng cà phê xuất khẩu trong 8 tháng năm 2023 do sản lượng niên vụ 2023/2024 chạm đáy trong 12 năm. Trong khi nguồn cung khan hiếm thì nhu cầu Robusta lại tăng lên. Lạm phát ở các thị trường nhập khẩu lớn như Mỹ và EU đã giúp lợi thế giá rẻ hơn của Robusta so với Arabica phát huy tác dụng. Các nhà nhập khẩu đã chuyển hướng đẩy mạnh nhập khẩu Robusta cho sản xuất cà phê hòa tan.

Còn với thị trường cao su, 9 tháng năm 2023, kỳ vọng về khả năng phục hồi kinh tế của Trung Quốc sau đại dịch đã không như mong đợi, sức tiêu thụ vẫn chậm. Tình hình kinh tế thế giới diễn biến phức tạp, lạm phát cao, người dân thắt chặt tiêu dùng dẫn đến nhu cầu về cao su thấp đã kéo giá mặt hàng này diễn biến giằng co. Tuy nhiên, hiện nay tôi nhắc lại rằng giá cao su tại các sàn giao dịch chủ chốt châu Á đã đi lên theo giá dầu.

PV: Theo ông, trong những tháng cuối năm, dự báo giá những mặt hàng này có thể tăng giảm ra sao?

Ông Nguyễn Ngọc Quỳnh: Khả năng cao giá cà phê Robusta trên Sở ICE - EU và thị trường nội địa sẽ suy yếu dần trong những tháng cuối năm do nguồn cung mới được bổ sung. Trong đó, giá Robusta có thể quay về vùng 2.100 - 2.200 USD/tấn, giá cà phê trong nước sẽ dao động dưới mức 60.000 đồng/kg.

Tôi được biết hiện nay, nông dân tại khu vực Tây Nguyên đang đẩy mạnh tiến độ thu hoạch cà phê và thời tiết cũng đang ủng hộ cho hoạt động này. Chỉ còn khoảng hai tuần nữa là giai đoạn thu hoạch tập trung, điều này sẽ tạo đòn bẩy cho xuất khẩu cà phê của Việt Nam, từ đó giảm bớt áp lực về nguồn cung hiện tại.

Bên cạnh đó, cà phê Robusta của Brazil cũng đang cạnh tranh mạnh về giá với Robusta Việt Nam. Kể từ tháng 6, nước này đã ồ ạt đẩy dòng cà phê Robusta ra thị trường thế giới. Tôi cho rằng, Brazil sẽ còn đẩy mạnh xuất khẩu ít nhất là đến hết tháng 11 khi nguồn cung của họ yếu đi.

Với cao su, theo tôi, giá khó có thể duy trì đà tăng mạnh, chủ yếu giá sẽ biến động trong vùng 250 - 280 Yên/kg. Giá dầu và nhu cầu tiêu thụ ở Trung Quốc sẽ là hai yếu tố ảnh hưởng lớn đến diễn biến giá trong cuối năm.

Ngoài ra, những căng thẳng từ xung đột tại Trung Đông đang đẩy giá dầu đi lên. Điều này cũng khiến giá cao su tổng hợp, một sản phẩm thay thế chính của cao su tự nhiên đang giao dịch trở nên đắt đỏ hơn. Diễn biến kể trên gián tiếp hỗ trợ giá cao su trên Sở Osaka, Nhật Bản và tại thị trường nội địa neo ở vùng giá cao.

PV: Xin cảm ơn ông!

Giá cao su có xu hướng tăng theo giá dầu

Theo ông Nguyễn Ngọc Quỳnh, hiện nay, giá cao su tại các sàn giao dịch chủ chốt châu Á lại có xu hướng tăng theo giá dầu, trong khi thị trường lo ngại xung đột ở Trung Đông gây ra nguy cơ tiềm ẩn làm gián đoạn vận tải biển và phí vận chuyển cao hơn, các công ty sản xuất lốp xe có khả năng tăng dự trữ nguyên liệu và nhu cầu cao su tự nhiên sẽ đi lên.