Suốt hơn 40 năm, cứ mỗi dịp Trung thu, gia đình ông Đỗ Văn Kỳ - một trong những hộ gia đình “hiếm hoi” còn làm đèn cù, lại tất bật với những giấy màu, tre nứa, hồ dán…
Ông Kỳ chia sẻ, mặc dù gần đây, dự báo thời tiết có mưa bão nên một số chủ buôn không dám nhập đèn “mạnh tay”, nhưng nhìn chung trong cả vụ Trung thu này, số đèn được gia đình sản xuất ra bán khá trôi chảy, làm được bao nhiêu xuất hết bấy nhiêu, không khí sản xuất rất phấn khởi.
![]() |
Ông Đỗ Văn Kỳ và bà Đỗ Thị Xuân đang tất bật làm những chiếc đèn cù. |
Theo ông Kỳ, gia đình ông bắt đầu dán đèn từ cuối tháng 6, mỗi ngày có thể dán khoảng 100 chiếc đèn cù. Những chiếc đèn cù của gia đình được bán chủ yếu tới phố Hàng Mã (Hoàn Kiếm, Hà Nội), Hoàng thành Thăng Long, Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam… Bên cạnh đó, rất nhiều trường tiểu học, trường mẫu giáo cũng đặt hàng trăm chiếc đèn cù đủ các cỡ.
Không chỉ bán riêng thành phẩm, ông Kỳ cho biết, rất nhiều nơi còn đặt mua khung để trẻ em thực hành cắt dán đồ chơi đèn cù truyền thống.
Theo bà Đỗ Thị Xuân (vợ ông Kỳ), trong thời gian này, vì số lượng hàng rất nhiều và gấp gáp, mỗi ngày không chỉ 2 ông bà ngày đêm làm đèn cù, một số học sinh gần nhà sau giờ học cũng đến phụ giúp, được trả công tính theo sản phẩm.
Cũng theo bà Xuân, đèn trung thu truyền thống luôn có một chỗ đứng nhất định trong lòng người dân Việt Nam. Đặc biệt, hiện nay, một số đồ chơi Trung Quốc có nguồn gốc xuất sứ không rõ ràng tiềm ẩn nguy cơ gây hại cho sức khỏe đang khiến người tiêu dùng hoang mang. Vì thế mà những mặt hàng truyền thống của Việt Nam lại quay trở lại, ngày càng được ưa chuộng.
Một số hình ảnh tại nhà ông Đỗ Văn Kỳ, gia đình có 40 năm gắn bó với chiếc đèn cù:
![]() |
Khung cảnh hăng say làm đèn cù tại nhà ông Kỳ. |
Bài và ảnh: Cẩm Tú