Thu hoạch ca cao. Ảnh minh họa |
Bên cạnh đó, điều kiện thời tiết thuận lợi cho hoạt động sản xuất ca cao tại Bờ Biển Ngà, quốc gia sản xuất lớn nhất thế giới đã gây sức ép lên giá trong phiên ngày 30/9.
Sau khi các số liệu của Báo cáo tồn kho ngũ cốc cho biết thấp hơn mong đợi, thị trường nông sản đã nhận được lực mua mạnh mẽ, nhiều mặt hàng đồng loạt tăng giá. Đóng cửa giao dịch ngày 30/9, chỉ số MXV-Index giảm nhẹ 0,21% xuống còn 2.205 điểm.
Giá ca cao giảm 7%
Sau 5 phiên tăng liên tiếp vào tuần trước, giá cacao mở đầu tuần giao dịch mới với mức giảm mạnh gần 7% so với tham chiếu. Theo phản ánh của nhiều người nông dân trồng cacao tại Bờ Biển Ngà, hầu hết các vùng trồng ca cao chính của nước này đã có mưa với lượng nước trung bình nhưng đủ để thúc đẩy quá trình phát triển của cây ca cao chính vụ vào tháng 10 đến tháng 3.
Cùng đó, giá đường giảm thêm 0,5%, nối đà suy yếu sang phiên thứ ba liên tiếp. Dự báo tháng 10, thời tiết sẽ thuận lợi hơn cho hoạt động sản xuất mía đường đã gây sức ép lên giá.
Giá ngô, lúa mì kéo dài đà tăng
Khép lại phiên giao dịch đầu tuần, giá ngô ghi nhận mức tăng hơn 1,5%, kéo dài đà tăng trong tuần trước. Sau giai đoạn biến động thận trọng, thị trường đã nhận được lực mua mạnh mẽ khi các số liệu trong Báo cáo tồn kho ngũ cốc quý thấp hơn mong đợi.
USDA cho biết, giao hàng ngô trong tuần kết thúc ngày 26/9 đạt mức 1,14 triệu tấn, gần như không thay đổi so với tuần trước đó nhưng tăng gần gấp đôi so với cùng kỳ năm ngoái.
Phần lớn ngô bán cho các khách hàng truyền thống của Mỹ như: Mexico, Colombia và Nhật Bản. Chưa đầy một tháng trong niên vụ 2024-2025, tổng lượng ngô xuất khẩu của Mỹ đã đạt 3,33 triệu tấn, tăng so với 2,69 triệu tấn của năm ngoái. Điều này mang đến triển vọng xuất khẩu tích cực, khiến giá được hỗ trợ.
Tương tự ngô, giá lúa mỳ cũng tăng nhẹ hơn 0,5% vào hôm qua./.