Gia hạn giảm 2% thuế VAT: Kích cầu tiêu dùng, nuôi dưỡng nguồn thu
Nguồn: Bộ Tài chính. Đồ họa: Văn Chung

PV: Thời gian qua, Chính phủ đã ban hành nhiều chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, người dân, trong đó có chính sách giảm thuế giá trị gia tăng. Việc tiếp tục giảm thuế giá trị gia tăng (VAT), sẽ có tác động cụ thể như thế nào đối với nền kinh tế, thưa ông?

Gia hạn giảm 2% thuế VAT: Kích cầu tiêu dùng, nuôi dưỡng nguồn thu
TS. Nguyễn Văn Hiến

TS. Nguyễn Văn Hiến: Có thể thấy được vai trò và tác động tích cực của chính sách giảm thuế VAT 2% đối với nền kinh tế trong năm 2022 và 2023 vừa qua. Rất nhiều doanh nghiệp cho rằng, chính sách giảm thuế VAT 2% do Nhà nước ban hành thời gian qua đã có tác dụng rất lớn trong việc kéo giảm giá đầu vào của sản xuất kinh doanh (SXKD), tạo dư địa để doanh nghiệp giảm giá bán, thông qua đó hỗ trợ kích cầu tiêu dùng. Như vậy, một mặt hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi SXKD, mặt khác hỗ trợ an sinh xã hội, ổn định đời sống của người dân.

PV: Vậy theo ông, việc tiếp tục giảm 2% thuế VAT liệu có ảnh hưởng gì đến mục tiêu tăng trưởng, cũng như nguồn thu ngân sách?

TS. Nguyễn Văn Hiến: Quan sát tình hình kinh tế thế giới và trong nước những tháng cuối năm 2023, đầu năm 2024 cho thấy, kinh tế Việt Nam vẫn sẽ còn phải đối mặt với rất nhiều khó khăn thách thức. Nếu Nhà nước không tiếp tục có các chính sách hỗ trợ, thì việc duy trì đà tăng trưởng như các tháng cuối năm 2023 sẽ có nguy cơ khó tiếp tục thực hiện được, điều đó sẽ ảnh hưởng rất lớn đến việc thực hiện mục tiêu tăng trưởng kinh tế mà Chính phủ đã đặt ra trong năm 2024 là phải đạt từ 6,0-6,5%. Trong bối cảnh đó, việc tiếp tục áp dụng chính sách giảm thuế VAT 2% đến hết tháng 6/2024 theo tinh thần Nghị quyết số 110/2023/QH15 của Quốc hội là rất cần thiết, nhằm kích thích tiêu dùng, một trong ba trụ cột quan trọng đóng góp vào tăng trưởng kinh tế.

Kích thích tiêu dùng, hỗ trợ kinh tế phát triển

Trong bối cảnh kinh tế thế giới và trong nước năm 2024 dự báo vẫn phải đối mặt với nhiều khó khăn, việc tiếp tục áp dụng chính sách giảm thuế VAT 2% đến hết tháng 6/2024 theo tinh thần Nghị quyết số 110/2023/QH15 của Quốc hội là rất cần thiết nhằm kích thích tiêu dùng, một trong ba trụ cột quan trọng đóng góp vào tăng trưởng kinh tế.

Trên khía cạnh thu ngân sách nhà nước, về nguyên lý, khi giảm thuế VAT sẽ dẫn đến giảm thu ngân sách, nhưng thực tế năm 2022 và năm 2023 cho thấy, mặc dù đã áp dụng giảm 2% thuế VAT, nhưng tổng mức thu thuế VAT của cả nền kinh tế không những không giảm mà còn tăng, vì thực chất giảm thuế chính là giải pháp để nuôi dưỡng nguồn thu.

PV: Theo ông, trong bối cảnh kinh tế thế giới và trong nước những tháng đầu năm 2024 vẫn còn rất nhiều khó khăn, thách thức với nhiều yếu tố khó lường, cộng đồng doanh nghiệp cần phải làm gì để ổn định và phát triển?

TS. Nguyễn Văn Hiến: Để tăng trưởng và phát triển bền vững hơn, cộng đồng doanh nghiệp cần phải đẩy mạnh chuyển đổi số, tiết kiệm chi phí, cũng như tạo động lực tăng trưởng và phát triển mới cho nền kinh tế. Cùng với đó, doanh nghiệp cũng cần phải có trách nhiệm bảo vệ môi trường, đáp ứng yêu cầu sản xuất kinh doanh xanh, sạch theo tiêu chuẩn của các quốc gia phát triển. Đồng thời chú trọng phát triển khoa học công nghệ, ứng dụng và nâng cao hiệu quả máy móc, thiết bị công nghệ trở thành một trong những động lực quan trọng để nâng cao năng suất lao động, đây là một trong những đòi hỏi đối với tất cả các lĩnh vực công nghiệp, nông nghiệp, dịch vụ.

Thời gian qua, thực trạng xuất khẩu của Việt Nam gặp nhiều khó khăn, ngoài những yếu tố bất lợi khách quan, nhiều doanh nghiệp vẫn chưa đáp ứng được những yêu cầu sản xuất xanh, sạch, bảo vệ môi trường. Do đó, doanh nghiệp phải chủ động đầu tư, tái cơ cấu quy mô sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm, nắm bắt lại thị trường xuất khẩu truyền thống và mở rộng thị trường xuất khẩu, đẩy mạnh kích cầu tiêu dùng trong nước. Cùng với đó, phía doanh nghiệp cũng cần quan tâm phát triển, khai thác các nguồn nguyên vật liệu trong nước cho hoạt động sản xuất kinh doanh trong lĩnh vực, ngành nghề, trở thành một trong những đòi hỏi mạnh mẽ trong thời gian tới để thực hiện việc bảo vệ môi trường, thực hiện phát triển kinh tế tuần hoàn cũng như đáp ứng được các yêu cầu về nguồn nguyên vật liệu cho sản xuất kinh doanh và xuất khẩu.

Gia hạn giảm 2% thuế VAT: Kích cầu tiêu dùng, nuôi dưỡng nguồn thu
Cửa hàng bán lẻ hàng tiêu dùng của Saigon Co.op. Ảnh: Sơn Nam

PV: Ông có thể phân tích thêm về tác động của việc gia hạn giảm 2% thuế VAT tại thời điểm này đối với các doanh nghiệp, hộ kinh doanh tại TP. Hồ Chí Minh và khu vực phía Nam?

TS. Nguyễn Văn Hiến: Riêng đối với TP. Hồ Chí Minh, từ lâu đã được xem là đầu tàu kinh tế của cả nước. Tuy nhiên, những năm vừa qua do bị ảnh hưởng nặng nề của đại dịch Covid-19, cộng thêm những tác động tiêu cực của thị trường quốc tế do nền kinh tế thành phố có độ mở cao, TP. Hồ Chí Minh đã dần bị mất đi vai trò đầu tàu dẫn dắt kinh tế cả nước.

Hiện nay, TP. Hồ Chí Minh đang triển khai thực hiện Nghị quyết 98 của Quốc hội (thay thế Nghị quyết 54) về áp dụng thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù, với nhiều chính sách đột phá, nhiều chương trình hỗ trợ kích cầu để phát triển các lĩnh vực kinh tế mũi nhọn của thành phố. Việc áp dụng đồng thời các chính sách hỗ trợ đó, cùng với chính sách giảm thuế VAT của Nhà nước sẽ là cú huých mạnh để thúc đẩy tăng kinh tế phát triển, nhằm đưa thành phố sớm trở lại quỹ đạo tăng trưởng cao và lấy lại vị thế đầu tàu kinh tế của cả nước.

PV: Xin cảm ơn ông!

Duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh

Các chuyên gia, cộng đồng doanh nghiệp tại TP. Hồ Chí Minh cho rằng, thời gian qua, cộng đồng doanh nghiệp gặp rất nhiều khó khăn, do vậy, giải pháp kích cầu, giảm thuế giá trị gia tăng (VAT) trong thời gian tới sẽ giảm gánh nặng thuế giữa doanh nghiệp và người tiêu dùng.

Theo Chủ tịch Hiệp hội Các nhà bán lẻ Việt Nam Nguyễn Anh Đức, quá trình phục hồi trong năm 2023 là kết quả của các chính sách kích cầu như: Giảm 2% thuế VAT, giãn thời gian nộp thuế, giảm thuế phí sử dụng đất, giảm lãi suất cho vay và chính sách “mở cửa” visa du lịch... Các chính sách này đã tác động tích cực đến lĩnh vực bán lẻ, giúp doanh thu của toàn thị trường nói chung, doanh nghiệp bán lẻ nói riêng tăng trưởng dương.

Ông Đinh Quang Khôi - Giám đốc Markerting MM Mega Market cho rằng, việc tiếp tục giảm thuế VAT trong năm 2024 là tín hiệu rất khả quan để kích cầu tiêu dùng. Thực tế, trong quý III/2023, lượng người mua sắm tại hệ thống bán lẻ của doanh nghiệp đã khởi sắc hơn, doanh thu tăng gần 20% so với cùng kỳ năm trước, trong đó có đóng góp không nhỏ của việc giảm thuế VAT 2%.

Theo TS. Nguyễn Quốc Việt - Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu kinh tế và chính sách (VEPR), chính sách giảm thuế VAT vừa hỗ trợ doanh nghiệp duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh, vừa hỗ trợ người lao động có được công ăn việc làm, đồng thời nuôi dưỡng nguồn thu dài hạn, bền vững hơn trong tương lai. Điều này đảm bảo doanh nghiệp tồn tại, người dân yên tâm đầu tư khi vòng xoay về tiền - hàng được duy trì. Bởi theo ông Việt, nếu để hàng tồn kho, giá cả tăng, áp lực lạm phát leo thang thì sẽ không thể kích thích cầu tiêu dùng, kéo theo rất nhiều lĩnh vực sản xuất, dịch vụ, doanh nghiệp gặp khó khăn.