Thêm động lực để doanh nghiệp phát triển

Dự báo năm 2023, kinh tế nước ta sẽ chịu tác động từ nhiều yếu tố như: xung đột giữa Nga và Ukraine; giá nguyên, nhiên, vật liệu đầu vào tăng cao, nhất là giá xăng dầu; lạm phát gia tăng ở nhiều nước trên thế giới; sự phục hồi kinh tế chậm ở các nước đối tác thương mại lớn… Vì vậy, doanh nghiệp vẫn chịu áp lực lớn và đang rất cần sự đồng hành, chia sẻ để có thêm động lực phát triển.

Để hỗ trợ doanh nghiệp, người dân vượt qua khó khăn trong năm 2023, duy trì sản xuất kinh doanh mà vẫn đảm bảo cân đối ngân sách nhà nước (NSNN), tạo đà thúc đẩy phát triển kinh tế, Bộ Tài chính đã đề xuất Chính phủ tiếp tục thực hiện chính sách gia hạn thời hạn nộp thuế giá trị gia tăng (GTGT), thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN), thuế thu nhập cá nhân (TNCN) và tiền thuê đất phải nộp của năm 2023.

Hiện nay Bộ Tài chính đã hoàn thiện và gửi Bộ Tư pháp thẩm định dự thảo nghị định. Tại dự thảo nghị định, Bộ Tài chính đề xuất phạm vi của chính sách là gia hạn thời hạn nộp thuế GTGT, thuế TNDN, thuế TNCN và tiền thuê đất như Nghị định số 34/2022/NĐ-CP của Chính phủ.

Theo dự thảo nghị định, Bộ Tài chính đề xuất gia hạn thời hạn nộp thuế đối với số thuế GTGT phát sinh phải nộp của kỳ tính thuế từ tháng 1 đến tháng 6/2023 (đối với trường hợp kê khai thuế GTGT theo tháng) và kỳ tính thuế quý I, quý II/2023 (đối với trường hợp kê khai thuế GTGT theo quý). Cụ thể: gia hạn 6 tháng đối với số thuế GTGT từ tháng 1 đến tháng 5/2023 và quý I/2023; gia hạn 5 tháng đối với số thuế GTGT của tháng 6/2023 và quý II/2023; gia hạn 3 tháng đối với số thuế TNDN tạm nộp quý I, quý II của kỳ tính thuế TNDN năm 2023; hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh thực hiện nộp thuế GTGT, thuế TNCN năm 2023 chậm nhất là ngày 30/12/2023.

Nguồn: Bộ Tài chính. Đồ họa: Văn Chung
Nguồn: Bộ Tài chính. Đồ họa: Văn Chung

Đối với tiền thuê đất, theo quy định tại Khoản 3 Điều 18 Nghị định số 126/2020/NĐ-CP ngày 19/10/2020 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Quản lý thuế thì thời hạn nộp tiền thuê đất hàng năm là 2 kỳ (kỳ thứ nhất nộp 50% chậm nhất là ngày 31/5, kỳ thứ hai nộp đủ phần còn lại chậm nhất là ngày 31/10 hàng năm).

Tại dự thảo nghị định, Bộ Tài chính đề nghị: Gia hạn thời hạn nộp tiền thuê đất đối với 50% số tiền thuê đất phát sinh phải nộp năm 2023 của doanh nghiệp, tổ chức, hộ gia đình, hộ cá nhân kinh doanh thuộc đối tượng quy định tại Điều 3 nghị định này đang được Nhà nước cho thuê đất trực tiếp theo quyết định, hoặc hợp đồng của cơ quan nhà nước có thẩm quyền dưới hình thức trả tiền thuê đất hàng năm. Thời gian gia hạn là 6 tháng kể từ ngày 31/5/2023 đến ngày 30/11/2023.

Bộ Tài chính báo cáo Thủ tướng Chính phủ cho phép ban hành nghị định theo trình tự, thủ tục rút gọn. Do đây là giải pháp cấp bách cần ban hành ngay để kịp thời hỗ trợ cho doanh nghiệp, người dân nên Bộ Tài chính trình Chính phủ cho phép nghị định có hiệu lực từ ngày ký.

Doanh nghiệp có nguồn tài chính để quay vòng sản xuất

Đánh giá về tác động của việc gia hạn thời hạn nộp thuế, Bộ Tài chính cho biết, thực hiện gia hạn thời hạn nộp thuế GTGT theo phương án nêu trên: Tổng số thuế GTGT gia hạn từ tháng 1 đến tháng 6/2023 và quý I, quý II/2023 là khoảng 64.000 - 65.000 tỷ đồng. Tổng số thuế gia hạn thời hạn nộp thuế TNDN tạm nộp quý I, quý II của kỳ tính thuế TNDN năm 2023, ước tính khoảng 42.800 - 43.600 tỷ đồng. Tổng số thuế hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh được gia hạn là khoảng 272 tỷ đồng. Tuy nhiên, số thu ngân sách nhà nước (NSNN) của năm 2023 không giảm do số thuế được gia hạn, doanh nghiệp, hộ, cá nhân kinh doanh phải thực hiện nộp vào NSNN trước ngày 31/12/2023.

Tương tự, dự kiến số tiền thuê đất, thuê mặt nước được gia hạn khoảng 3.500 tỷ đồng, nhưng số thu NSNN của năm 2023 không giảm do doanh nghiệp, hộ, cá nhân kinh doanh phải thực hiện nộp vào NSNN trước ngày 30/11/2023.

Đánh giá về tác động, hiệu quả của chính sách này, ông Mạc Quốc Anh - Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Hà Nội cho rằng, chính sách thuế luôn gắn liền với hoạt động của doanh nghiệp, các giải pháp gia hạn thời hạn nộp thuế và tiền thuê đất sẽ giúp doanh nghiệp có nguồn lực tài chính quay vòng sản xuất. Các chính sách giãn thuế được xem như một khoản cho vay không tính lãi, sẽ tạo điều kiện cho doanh nghiệp xoay vòng vốn nhanh chóng, duy trì sản xuất, kinh doanh trong bối cảnh nền kinh tế thế giới đang có những diễn biến phức tạp. Nghị định được ban hành sẽ là sự yểm trợ kịp thời, đúng niềm mong mỏi của doanh nghiệp.

Chuyên gia kinh tế PGS.TS Đinh Trọng Thịnh - Giảng viên cao cấp Học viện Tài chính, cho rằng chính sách gia hạn thuế và tiền thuê đất là "một mũi tên trúng nhiều đích", mang lại kết quả tốt cho cả doanh nghiệp, người dân và nhà nước. Bởi số tiền thuế gia hạn nộp đồng nghĩa với việc giúp doanh nghiệp giảm chi phí sản xuất, tăng vốn lưu thông. Ngược lại, thu NSNN vẫn không giảm, thậm chí còn tăng nhờ nuôi dưỡng được nguồn thu.

Năm 2022 gia hạn nộp thuế, tiền thuê đất hơn 100 nghìn tỷ đồng

Bộ Tài chính cho biết, thực hiện Nghị định số 34/2022/NĐ-CP gia hạn thời hạn nộp thuế giá trị gia tăng (GTGT), thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN), thuế thu nhập cá nhân (TNCN) và tiền thuê đất trong năm 2022, tính đến ngày 1/2/2023 tổng số thuế, tiền thuê đất được gia hạn là 100.154 tỷ đồng, trong đó: thuế GTGT từ tháng 3 đến tháng 8, quý I, quý II/2022 của doanh nghiệp, tổ chức (tính đến ngày 1/2/2023) là 53.708 tỷ đồng, trong đó: ước số thuế TNDN được gia hạn tạm nộp quý I, quý II/2022 (căn cứ vào số liệu quyết toán thuế TNDN của người nộp thuế năm 2020, 2021) là 43.968 tỷ đồng, trong đó ước số thuế TNDN đã nộp cho số được gia hạn là 41.022 tỷ đồng.