Nguồn cung eo hẹp, nhu cầu có xu hướng tăng

Một số doanh nghiệp thép vừa có thông báo về việc điều chỉnh tăng giá trong năm 2023. Công ty TNHH Hoà Phát Hưng Yên vừa có thông báo đến khách hàng về việc tăng giá bán. Theo công ty, trước tình hình giá phôi thép, nguyên vật liệu đầu vào tăng, công ty quyết định tăng giá bán sản phẩm, cụ thể với mặt hàng thép cây tăng lên 150.000 đồng/tấn (giá này chưa bao gồm VAT). Phạm vi áp dụng trên toàn quốc, thời gian áp dụng từ ngày 20/3/2023.

Không riêng Hoà Phát, Công ty cổ phần Tập đoàn sản xuất thép Việt Đức (VGS) cũng vừa gửi thông báo đến khách hàng về việc tăng giá thép cây các chủng loại VGS thêm 150 đồng/kg (chưa bao gồm thuế VAT 10%). Phạm vi áp dụng của VGS là cho thị trường miền Bắc và miền Trung, thời gian từ ngày 20/3/2023 cho đến khi có thông báo mới nhất.

Giá thép liên tục tăng, cơ hội phục hồi cho ngành thép
Từ cuối tháng 1/2023, nhiều công ty thép trong nước cũng có thông báo điều chỉnh tăng giá bán mặt hàng này. Thép Việt Đức, Hòa Phát, Việt Ý, Pomina... đồng loạt tăng giá trên toàn quốc đối với sản phẩm thép cuộn xây dựng và thép cây ở mức trung bình 200.000 - 400.000 đồng/tấn (chưa bao gồm VAT).

Như vậy, giá thép xây dựng trong nước đã chứng kiến mức điều chỉnh tăng mạnh từ đầu năm. Nguyên nhân chính được cho là do việc giá các loại nguyên liệu đầu vào cho sản xuất thép tăng cao.

Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA) cho biết, giá bình quân thép xây dựng nội địa hiện nay tăng khoảng 5% so với cuối năm 2022 nhưng vẫn thấp hơn so với cùng kỳ 8%. Đối với thép phế liệu, trong những ngày đầu tháng 2/2023 có xu hướng điều chỉnh tăng. Giá thép phế liệu giao dịch cảng Đông Á ngày 7/3/2023 giữ ở mức 448 USD/tấn, tăng 13 USD/tấn so với đầu tháng 2/2023. Giá thép cuộn cán nóng (HRC) ngày 7/3/2023 ở mức 643 USD/tấn so với mức giá giao dịch đầu tháng 2/2023. Nhìn chung, thị trường HRC thế giới biến động, khiến thị trường HRC trong nước khó khăn do các doanh nghiệp sản xuất thép dẹt (CRC, tôn mạ, ống thép,…) sử dụng HRC làm nguyên liệu sản xuất.

Theo VSA giá thép liên tục tăng thời gian qua chủ yếu do giá nhập các loại nguyên liệu đầu vào sản xuất thép như than, quặng sắt, thép phế, cuộn cán nóng... chưa có dấu hiệu dừng đà tăng. Giá bán thép thành phẩm tăng chậm hơn so với tốc độ tăng của nguyên liệu đầu vào nên hiệu quả kinh doanh của các công ty thép xây dựng vẫn thấp, khó khăn từ việc mua nguyên liệu đầu vào đến tiêu thụ thành phẩm đầu ra. Do vậy, hiệu quả kinh doanh của các công ty thép chưa cao.

VSA nhận định, giá nguyên vật liệu tăng cao khiến các nhà máy trong nước tăng giá bán nhiều lần để bù lại giá thành sản xuất và giảm lỗ. Như vậy, giá sắt thép dự báo thời gian tới sẽ tiếp tục tăng, khi nguồn cung quặng sắt eo hẹp, trong khi nhu cầu có xu hướng tăng cao hơn.

Nhiều tín hiệu tích cực

Dự báo về tình hình thị trường thép trong năm 2023, một số chuyên gia cho rằng, việc cạnh tranh gay gắt tại thị trường nội địa, các chính sách thắt chặt tiền tệ, tăng lãi suất, tỷ giá leo thang có thể ảnh hưởng tiêu cực tới nhu cầu và hoạt động sản xuất kinh doanh của các đơn vị trong ngành.

TS. Cấn Văn Lực - Thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính, tiền tệ quốc gia, Chuyên gia Kinh tế trưởng BIDV, cho rằng ngành thép đang đối diện 4 yếu tố khó khăn bao gồm: chi phí tài chính cao do lãi suất vẫn neo mức cao; nhiều doanh nghiệp đang gặp thách thức khi ngành thép phải chuyển đổi, tăng hàm lượng xanh khi xuất khẩu sang Mỹ, EU; chi phí sản xuất cao khi điện tăng và rủi ro từ chính sách phỏng vệ thương mại của các nước. Tuy nhiên, ở chiều ngược lại TS. Cấn Văn Lực cũng cho rằng ngành cũng có nhiều điểm thuận lợi như giá thép bắt đầu nhích lên, Trung Quốc mở cửa trở lại và Chính phủ tăng cường đầu tư công.

Giá thép liên tục tăng, cơ hội phục hồi cho ngành thép
Giá thép được dự báo tiếp tục tăng. Ảnh: T.L

Bà Trần Thị Khánh Hiền - Giám đốc khối phân tích Công ty cổ phần Chứng khoán VNDirect, cho biết thời gian qua, có nhiều tín hiệu tích cực cho ngành thép như nguồn cung thép thế giới tăng trở lại sau nhiều quý giảm, biên lợi nhuận của ngành thép Trung Quốc có xu hướng tạo đáy, hàng tồn kho giá cao của các doanh nghiệp thép giảm mạnh vào cuối quý IV/2022. Thời điểm khó khăn của ngành thép cơ bản đã qua.

Về các yếu tố tác động đến ngành thép trong thời gian tới, chuyên gia nêu một vài điểm chính. Về mảng xây dựng dân dụng, khoảng 60% sản lượng thép trong nước và điều này liên quan mật thiết đến thị trường bất động sản. Tuy nhiên, thị trường bất động sản được dự báo tiếp tục khó khăn trong thời gian tới, ảnh hưởng đến mức tiêu thụ thép.

Tuy nhiên, điểm sáng đến từ việc đẩy mạnh đầu tư công từ Chính phủ khi chiếm 18% nguồn cung thép. Theo đó, giải ngân đầu tư công trong năm 2023 sẽ tăng 20 - 25% bao gồm cả việc sân bay Long Thành xây dựng đúng tiến độ. Thời gian mở cửa Trung Quốc phục hồi sản xuất sẽ đẩy nhu cầu nguyên vật liệu đầu vào tăng mạnh. Tuy nhiên, về dài hạn nhu cầu tiêu thụ thép Trung Quốc từ đầu tư công sẽ hỗ trợ cho giá thép và giúp biên lợi nhuận ngành tìm điểm cân bằng./.

Sản xuất, tiêu thụ đã tăng trở lại nhưng chưa khởi sắc

Theo báo cáo mới nhất vừa được Hiệp hội Thép Việt Nam công bố, trong tháng 2, tình hình sản xuất, tiêu thụ đã tăng trở lại so với tháng 1 nhưng so với cùng kỳ vẫn chưa khởi sắc. Sản xuất thép thành phẩm đạt 2,35 triệu tấn, tăng 21,91% so với tháng 1/2023 nhưng giảm 8,9% so với cùng kỳ 2022; bán hàng thép các loại đạt 2,08 triệu tấn, tăng 18,13% so với tháng trước, giảm 19% so với cùng kỳ. Lũy kế 2 tháng đầu năm 2023, sản xuất thép thành phẩm đạt 4,285 triệu tấn, giảm 16,3% so với cùng kỳ năm 2022. Bán hàng thép thành phẩm đạt 3,851 triệu tấn, giảm 23,2% so với cùng kỳ năm 2022. Trong đó xuất khẩu đạt 1 triệu tấn, giảm 10,4% so với cùng kỳ năm ngoái./.