Giải pháp nào để "phủ sóng" hóa đơn điện tử bán lẻ xăng dầu?
Nguồn: Tổng cục Thuế. Đồ họa: Phương Anh

Nhiều doanh nghiệp chưa chấp hành

Triển khai chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Tài chính, Tổng cục Thuế đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo cục thuế các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương khẩn trương tăng cường công tác quản lý, kiểm tra, giám sát, thúc đẩy việc triển khai phát hành hóa đơn điện tử (HĐĐT) sau từng lần bán hàng đối với hoạt động kinh doanh bán lẻ xăng dầu.

Đồng thời, yêu cầu các cục thuế địa phương thực hiện ngay việc tham mưu UBND chỉ đạo các cơ quan, ban, ngành địa phương chủ động phối hợp với cơ quan thuế khẩn trương triển khai các giải pháp đồng bộ, hiệu quả, quyết liệt yêu cầu các đơn vị kinh doanh bán lẻ xăng dầu phát hành HĐĐT sau từng lần bán hàng theo quy định của pháp luật, chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và Bộ Tài chính.

Cần sự phối hợp của các cấp, các ngành

Giải pháp nào để

Theo chuyên gia kinh tế, TS. Vũ Đình Ánh, HĐĐT là xu hướng tất yếu, buộc phải thực hiện. Trên thế giới, nhiều quốc gia phát triển đã triển khai từ hàng chục năm nay và các cửa hàng bán lẻ xăng dầu của họ đã để khách hàng tự phục vụ. Do đó, để các DN Việt Nam triển khai đồng bộ HĐĐT cần có sự tham gia sâu sát, phối hợp chặt chẽ của các lực lượng chức năng.

Tuy nhiên, bên cạnh những nguyên nhân khách quan, nhiều doanh nghiệp (DN), cửa hàng kinh doanh bán lẻ xăng dầu chưa nhận thức đầy đủ quy định nghĩa vụ pháp luật bắt buộc khi thực hiện lập HĐĐT từng lần bán hàng tại các cửa hàng kinh doanh bán lẻ xăng dầu theo quy định tại Luật Quản lý thuế số 38/2019/QH14, Nghị định số 123/2020/NĐ-CP và Nghị định 80/2023/NĐ-CP của Chính phủ.

Nhiều DN, cửa hàng xăng dầu nhỏ lẻ của tư nhân vẫn e ngại thực hiện quy định do tốn kém đầu tư hạ tầng, thiết bị như phần mềm kết nối, các thiết bị tính toán dữ liệu... Bên cạnh đó, hoạt động của một số điểm kinh doanh xăng dầu không thật sự minh bạch về doanh thu, hóa đơn. Một số sai phạm xảy ra trong hoạt động kinh doanh xăng dầu như tình trạng gian lận về chất lượng, số lượng xăng dầu, hợp pháp hóa số xăng dầu lậu để tiêu thụ nội địa, vẫn diễn ra thời gian qua.

Để tiếp tục triển khai có hiệu quả chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và Bộ Tài chính, Tổng cục Thuế đã yêu cầu toàn hệ thống thuế tăng cường phối hợp với UBND các địa phương và các DN kinh doanh xăng dầu thực hiện việc phát hành HĐĐT từng lần bán hàng tại các cửa hàng kinh doanh bán lẻ xăng dầu.

Ông Phi Vân Tuấn - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế cho biết, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ Tài chính và các cơ quan, ban, ngành thuộc và trực thuộc tại trung ương và địa phương đã có nhiều chỉ đạo tổ chức triển khai thực hiện HĐĐT từng lần bán hàng tại các cửa hàng kinh doanh bán lẻ xăng dầu.

Đến nay, đã có nhiều địa phương triển khai đạt kết quả cao. Nhiều địa phương đạt tỷ lệ 100%; trên 80% số cửa hàng bán lẻ xăng dầu thực hiện phát hành HĐĐT từng lần bán hàng. Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, vẫn còn những địa phương có tỷ lệ đạt dưới mức 55% số cửa hàng bán lẻ xăng dầu thực hiện phát hành HĐĐT từng lần bán hàng.

Giao nhiệm vụ cụ thể cho từng công chức

Tổng cục Thuế "tiết lộ" số cây xăng dầu đã xuất hoá đơn sau từng lần bán hàng- Ảnh 1.

Theo quy định của Luật Quản lý thuế, khi bán hàng hóa, cung cấp dịch vụ, người bán phải lập HĐĐT để giao cho người mua, không phân biệt giá trị từng lần bán hàng hóa, cung cấp dịch vụ. Còn tại khoản 4 Điều 9 Nghị định số 123/2020/NĐ-CP quy định, thời điểm lập HĐĐT đối với trường hợp bán xăng dầu tại các cửa hàng bán lẻ cho khách hàng là thời điểm kết thúc việc bán xăng dầu theo từng lần bán. Người bán phải đảm bảo lưu trữ đầy đủ HĐĐT đối với trường hợp bán xăng dầu cho khách hàng là cá nhân không kinh doanh, cá nhân kinh doanh và đảm bảo có thể tra cứu khi cơ quan có thẩm quyền yêu cầu.

Như vậy, các quy định nêu trên bắt buộc các cửa hàng xăng dầu phải thực hiện phát hành HĐĐT theo từng lần bán hàng bắt buộc từ ngày 1/7/2022.

Để khắc phục những hạn chế trong quá trình triển khai thực hiện, Phó Tổng cục trưởng Phi Vân Tuấn yêu cầu các cục thuế địa phương tăng cường phối hợp với UBND các tỉnh, nhất là đối với các địa phương có kết quả chưa đạt cao. Các cục thuế này cần phối hợp với các đơn vị có kết quả cao để chia sẻ kinh nghiệm trong phối hợp triển khai thực hiện, đồng thời báo cáo những việc đã và đang triển khai để tìm ra nguyên nhân, từ đó có giải pháp phù hợp.

Phó Tổng cục trưởng Phi Vân Tuấn yêu cầu các giải pháp cục thuế đề ra phải gắn với thực tế, đi vào thực chất, hiệu quả. Theo đó, cục thuế các tỉnh, thành phố phải cụ thể hóa kế hoạch triển khai HĐĐT từng lần bán hàng tại các cửa hàng kinh doanh bán lẻ xăng dầu, trong đó giao nhiệm vụ cụ thể cho từng công chức của từng bộ phận. Thành lập các đoàn kiểm tra liên ngành, có thời gian, thông báo cụ thể, rõ ràng. Đẩy mạnh tuyên truyền để các cơ sở kinh doanh xăng dầu nhận thức đầy đủ quy định về nghĩa vụ pháp luật bắt buộc thực hiện lập HĐĐT từng lần bán hàng.

“Những nội dung xử lý thuộc phạm vi ngành Thuế về hóa đơn sẽ do ngành Thuế xử lý, những vấn đề về ngừng hoạt động, thu hồi giấy phép kinh doanh thuộc phạm vi của ngành khác thì kiến nghị UBND tỉnh chỉ đạo” - Phó Tổng cục trưởng Phi Vân Tuấn yêu cầu.

Được biết, thời gian tới, Tổng cục Thuế sẽ tiếp tục trình Bộ Tài chính có văn bản gửi Bộ Công thương, Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Công an, Bộ Thông tin và Truyền thông và Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại DN đề nghị phối hợp triển khai ngay các giải pháp đồng bộ, hiệu quả, quyết liệt yêu cầu các đơn vị kinh doanh xăng dầu lập HĐĐT từng lần bán hàng tại các cửa hàng bán lẻ xăng dầu và kết nối dữ liệu với cơ quan thuế theo quy định.

Tuyên truyền chính sách pháp luật tới từng doanh nghiệp

Triển khai Công điện số 1284/CĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Tài chính đã ban hành Công văn số 13348/BTC-TCT đề nghị Chủ tịch UBND tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương quan tâm chỉ đạo và phối hợp chặt chẽ, thường xuyên với Bộ Tài chính trong công tác triển khai HĐĐT đối với lĩnh vực kinh doanh bán lẻ, xăng dầu và Thông báo số 1144/TB-BTC phân công nhiệm vụ chi tiết cho các đơn vị thuộc và trực thuộc để triển khai thực hiện.

Theo đó, Tổng cục Thuế đã ban hành nhiều văn bản, công điện chỉ đạo các cục thuế thực hiện ngay việc tham mưu cho UBND tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương chỉ đạo các cơ quan, ban, ngành tại địa phương chủ động phối hợp với cơ quan thuế khẩn trương triển khai các giải pháp đồng bộ, hiệu quả, quyết liệt yêu cầu các đơn vị kinh doanh bán lẻ xăng dầu phát hành HĐĐT sau từng lần bán hàng theo quy định của pháp luật, chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và Bộ Tài chính.

Cùng với đó, Tổng cục Thuế đã giao cục thuế các địa phương tiếp tục giao nhiệm vụ, chỉ tiêu cụ thể đến từng lãnh đạo cấp phòng, chi cục thuế và từng công chức quản lý để thực hiện nhiệm vụ này. Đồng thời đẩy mạnh tuyên truyền chủ trương, chính sách quy định pháp luật về HĐĐT tới từng DN, cửa hàng kinh doanh bán lẻ xăng dầu, để các DN hiểu rõ, nhận thức đầy đủ trách nhiệm và cam kết thực hiện phát hành HĐĐT sau từng lần bán hàng theo quy định.