Góp phần giảm chỉ số CPI

Theo Ths. Trần Thị Mơ - Giảng viên Khoa Thuế - Hải quan, Trường Đại học Tài chính – Maketing, nguyên nhân chính của lạm phát trên thế giới là do giá dầu thô và xăng dầu thành phẩm liên tục có xu hướng tăng cao, trong bối cảnh xung đột giữa Nga - Ucraina.

Trong thời gian tới, dự đoán giá bán lẻ xăng dầu tại Việt Nam vẫn có nguy cơ tiếp tục tăng cao, gây ra áp lực lạm phát và ảnh hưởng tiêu cực đến nền kinh tế nước ta. Nhìn nhận, phân tích, đánh giá từ việc giảm thuế bảo vệ môi trường (BVMT) đối với mặt hàng xăng dầu, Ths. Trần Thị Mơ cho rằng, đây được coi là giải pháp tình thế kịp thời và hiệu quả để giảm giá xăng dầu, góp phần giữ ổn định mặt bằng giá cả, giúp doanh nghiệp khôi phục sản xuất kinh doanh.

Tính từ đầu năm 2022 đến nay, giá xăng dầu bán lẻ trong nước đã được điều chỉnh 17 lần (giá xăng tăng 13 lần và giảm 4 lần, trong đó có 2 lần giảm sau khi thực hiện giảm mức thuế BVMT đối với xăng, dầu, mỡ nhờn, theo Nghị quyết số 18/2022/UBTVQH15).

Cũng theo phân tích của bà Mơ, xăng dầu là một mặt hàng thiết yếu trong đời sống người dân và là đầu vào của nhiều ngành sản xuất, nên sự biến động giá xăng dầu tác động đến rất nhiều đối tượng trong nền kinh tế. Do đó, việc giảm thuế BVMT đối với xăng dầu không phân biệt đối tượng áp dụng sẽ hỗ trợ tích cực cho nền kinh tế, doanh nghiệp và người dân. Nếu mức giảm phù hợp, doanh nghiệp khôi phục sản xuất kinh doanh tốt thì có thể đóng góp tích cực cho ngân sách nhà nước.

Nguồn: Petrolimex.com.vn
Nguồn: Petrolimex.com.vn

Bà Mơ cho rằng, biến động giá xăng dầu tăng, ngoài ảnh hưởng tới lĩnh vực vận tải thì cũng ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống người tiêu dùng và các cơ sở kinh doanh, buôn bán. Giá dầu giảm, nhiều lĩnh vực ngành nghề kinh tế trong nước được hưởng lợi, trong đó kinh doanh vận tải, hàng không, hoạt động đánh bắt xa bờ được hưởng lợi nhiều nhất do đây là những lĩnh vực tiêu thụ xăng dầu nhiều nhất. Hiện nay, chi phí nhiên liệu chiếm khoảng 30 - 40% trong cơ cấu giá thành vận tải hàng không; từ 35 - 40% giá thành vận tải đối với các dịch vụ xe container, xe tải nặng và khoảng 25% đối với các loại xe khác. Nếu thuế BVMT giảm 1 nghìn đồng/lít thì chi phí của doanh nghiệp vận tải sẽ giảm tương đương khoảng 5%. Các ngành nghề khác như sản xuất phân bón, nhựa, khai thác tài nguyên, đánh bắt thủy sản, luyện kim… cũng được hưởng lợi khi mà xăng dầu chiếm tới 20 - 30% chi phí đầu vào. Ngoài ra, giá xăng dầu giảm không những giúp người tiêu dùng hưởng lợi trực tiếp từ giá xăng, mà còn hưởng lợi gián tiếp từ việc giảm giá các loại mặt hàng dịch vụ.

Theo phân tích TS. Nguyễn Bích Lâm - nguyên Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, từ nay đến cuối năm mà không thay đổi như mức giá xăng dầu hiện nay thì bình quân xăng dầu cả năm 2022 so với năm 2021 sẽ tăng 44%, khi đó làm giảm CPI khoảng 0,11 điểm phầm trăm.

Người dân và doanh nghiệp phấn khởi

Anh Bùi Quang Huy, nhà ở khu phố 5, phường 25, quận Bình Thạnh, TP. Hồ Chí Minh, hành nghề chạy xe Grap đã hơn 5 năm nay chia sẻ, trong suốt mùa dịch Covid-19 ở TP. Hồ Chí Minh những người làm nghề chạy xe dịch vụ đã rất nhọc nhằn vượt qua khó khăn để mưu sinh, duy trì cuộc sống gia đình. Sau Tết Nguyên đán, dịch được khống chế, cuộc sống sôi động trở lại, những người hành nghề chạy xe dịch vụ chưa kịp vui mừng thì gặp phải tình trạng giá xăng dầu liên tục tăng giá. "Xăng tăng giá lên 33 nghìn đồng/lít, nhiều hôm chạy cả ngày, sau khi trừ chi phí không còn lời lãi được bao nhiêu, nhưng vẫn không thể tự ý tăng giá lấy thêm tiền của khách hàng. Vừa rồi giá xăng giảm xuống dưới 30 nghìn đồng/lít, chúng tôi rất mừng, vì mỗi ngày giảm chi phí một ít, mỗi tháng tính ra cũng được một khoản bù chi phí cả triệu đồng" - anh Bùi Quang Huy nói.

Các nhà bán lẻ lên phương án giảm giá thành sản phẩm

Ghi nhận từ các nhà bán lẻ tại TP. Hồ Chí Minh và khu vực phía Nam, ngay sau khi giá xăng giảm từ 11/7, các nhà bán lẻ sẽ triển khai chương trình kích cầu, thu hút người tiêu dùng từ các chương trình khuyến mại. Bên cạnh đó, các nhà bán lẻ đàm phán với các nhà cung cấp phương án giảm giá đầu vào đối với các mặt hàng, từ đó giảm giá thành sản phẩm để người tiêu dùng được tiếp cận nhiều hơn với hàng hóa chất lượng, giá cả hợp lý.

Tương tự như anh Huy, chị Bùi Hoàng Thảo chuyên bán tạp hóa ở bán đảo Thanh Đa, quận Bình Thạnh cho biết, khi được tin giá xăng dầu giảm trên 3 nghìn đồng/lít chị đã mạnh dạn lấy bổ sung thêm nhiều mặt hàng, nhiều chủng loại để tự cân đối buôn bán kiếm lời. Mấy hôm trước, chị không dám lấy thêm hàng vì nếu bán giá cao không những mất khách mà cũng chẳng lời lãi gì. “Ai cũng muốn xăng dầu giảm nữa để kéo theo hàng hóa giảm xuống… nhưng trong bối cảnh này mỗi lần nghe tin như thế này cũng là vui rồi” – chị Thảo chia sẻ.

Về phía cộng đồng doanh nghiệp đều có chung nhận xét, việc xăng, dầu diesel giảm trên 3 nghìn đồng/lít từ 0h ngày 11/7 là mức giảm khá lớn, thể hiện nỗ lực của Chính phủ, của Quốc hội đồng hành với người dân và doanh nghiệp.

Ông Ung Nho Dũng - Chủ tịch HĐQT Công ty Thương mại dịch vụ sản xuất giấy Khải Hoàn cho biết, đối với doanh nghiệp sử dụng nhiều phương tiện vận tải thì giảm giá xăng, dầu lần này đã giúp doanh nghiệp giảm lỗ. Đơn cử, ở công ty Khải Hoàn, bình quân mỗi chuyến xe tải từ TP. Hồ Chí Minh đi Gia Lai đang chịu chi phí dầu khoảng 15 - 20 triệu đồng/chuyến. Hiện xăng, dầu giảm trên 3 nghìn đồng/lít thì chi phí này giảm 10%, mỗi tháng chạy 10 chuyến thì cũng giảm được 15 - 20 triệu đồng/xe. Chúng tôi có 80 xe tải và 15 xe đầu kéo thì khoản này cũng đáng kể để bù sang cho những chi phí khác.

"Chắc chắn trong vài ngày tới chúng tôi sẽ điều chỉnh giảm giá cước vận tải cho khách hàng, tất nhiên khó giảm tương ứng với giảm giá xăng dầu. Bởi vì trong các lần điều chỉnh giá cước khi giá xăng, dầu tăng thì chúng tôi chỉ tăng một tỷ lệ nhỏ, vì tăng theo giá xăng dầu thì gánh quá nặng cho doanh nghiệp sản xuất, điều này đối tác, khách hàng hiểu rõ. Mỗi lần điều chỉnh tăng giá xăng dầu trước đây, chúng tôi ngồi lại với đối tác, bàn bạc đưa ra phương án điều chỉnh giá cước trên tinh thần đôi bên cùng chia sẻ áp lực, doanh nghiệp vận tải chấp nhận kinh doanh không có lợi nhuận, thậm chí là lỗ. Do vậy, lần này xăng, dầu diesel giảm trên 3 nghìn đồng/lít thì chúng tôi - những doanh nghiệp vận tải, tiến dần đến mức hòa vốn và có chút lãi" - chủ doanh nghiệp này chia sẻ.

Cần tính toán cẩn trọng để cân đối ngân sách

Theo nhận định của một số chuyên gia kinh tế, tâm lý lo ngại giá xăng ảnh hưởng đến cuộc sống vẫn đang thường trực trong cuộc sống người dân. Trên thực tế, việc điều hành giá xăng dầu trong thời gian qua cũng đã được Chính phủ tính toán kỹ lưỡng và có những điều chỉnh. Vấn đề được tính toán nhiều nhất là việc cắt giảm các khoản thuế liên quan đến xăng dầu.

Hiện mỗi lít xăng dầu bán ra thị trường phải chịu 4 loại thuế: gồm thuế giá trị gia tăng 10%, thuế nhập khẩu 10%, thuế tiêu thụ đặc biệt 10% và thuế bảo vệ môi trường (BVMT). Do vậy, việc giảm thuế BVMT đối với nhóm xăng, dầu đương nhiên sẽ góp phần hạn chế sự gia tăng chi phí sản xuất, góp phần giảm giá thành sản phẩm và ổn định lạm phát. Nhưng đi kèm với việc giảm thuế là nỗi lo mất cân đối ngân sách, kéo theo bất ổn kinh tế vĩ mô.

Phân tích về tình hình giá cả xăng dầu trên thế giới và trong khu vực hiện nay, các chuyên gia cho biết, thời gian qua, cũng có ý kiến cho rằng, mức giá xăng dầu ở Việt Nam chỉ mới ở mức trung bình so với thế giới khi dẫn chứng về mức giá xăng dầu ở Singapore. Giá xăng tại quốc gia này thậm chí còn vượt ngưỡng 55 nghìn đồng/lít.

Theo tính toán, việc áp dụng việc giảm thuế BVMT ở mức kịch khung như nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội thì ước tác động của giải pháp giảm sắc thuế này sẽ góp phần giảm chỉ số CPI bình quân năm 2022 khoảng 0,16%. Tuy vậy, các chuyên gia kinh tế cũng cho rằng cần tính toán các giải pháp để giúp cân đối ngân sách, đảm bảo ổn định kinh tế vĩ mô.