Tránh được xu hướng tạm dừng sản xuất kinh doanh

Giá xăng dầu tăng cao thời gian qua khiến giá nhiều mặt hàng, dịch vụ cơ bản của xã hội gia tăng. Điều này gây khá nhiều khó khăn về mặt đời sống cho người dân, nhất là những đối tượng người lao động có thu nhập thấp.

Giảm giá xăng dầu tạo động viên lớn duy trì sản xuất, tránh suy giảm nguồn cung cuối năm
Giảm giá xăng tạo động viên lớn duy trì sản xuất, tránh suy giảm nguồn cung cuối năm. Ảnh minh họa

Theo Tổng cục Thống kê, trong 6 tháng đầu năm, giá xăng dầu tăng 51,83%, làm CPI tăng tới 1,87 điểm phần trăm trong tổng mức tăng chung 2,44%. Tính riêng trong quý II/2022, sau 7 lần tăng giá liên tiếp, giá xăng tăng 54,92% so với cùng kỳ năm trước, tác động làm CPI chung tăng 1,98 điểm phần trăm. Vì vậy, việc hạ nhiệt mạnh giá xăng dầu mới đây được cho là sẽ giúp kiềm chế lạm phát.

Theo một số chuyên gia, Việt Nam vẫn đang là nước xuất khẩu dầu thô. Khi giá dầu thô tăng lên sẽ giúp bù vào phần ngân sách bị mất đi khi Chính phủ hỗ trợ người dân. Như vậy, Chính phủ vẫn có thể tính toán lại nguồn thu và nhiệm vụ chi trong bối cảnh lạm phát trong tương lai.

Trả lời phóng viên TBTCVN xung quanh việc giảm giá xăng dầu, TS. Nguyễn Quốc Việt - Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu kinh tế và chính sách (VEPR) cho biết: “Tôi hoan nghênh hành động quyết liệt và quyết tâm hạ nhiệt giá xăng dầu của Chính phủ bằng việc giảm thuế bảo vệ môi trường. Khi Bộ Tài chính đề xuất, Chính phủ trình thì Uỷ ban Thường vụ Quốc hội họp thông qua luôn. Đây là điều rất đáng hoan nghênh”.

Theo TS. Nguyễn Quốc Việt, việc giảm giá xăng dầu thông qua giảm thuế bảo vệ môi trường này trước hết có tác động trợ giúp về mặt tinh thần cao, thể hiện sự đồng hành và quyết tâm của Nhà nước trong việc giảm giá hàng hóa tiêu dùng thiết yếu đã tăng tương đối mạnh dưới tác động từ giá xăng dầu, nhất là ở các khu vực đô thị lớn và những nơi có cầu dịch vụ tăng cao.

Hai là, trong bối cảnh khi có sự suy giảm sản xuất của rất nhiều các ngành, lĩnh vực mà xăng dầu là đầu vào cơ bản từ vận tải, logistic giao thông cho đến đánh bắt cá xa bờ, chăn nuôi thì việc hỗ trợ giảm thuế và quyết tâm giảm thuế xăng dầu sẽ tạo động viên rất lớn cho việc duy trì sản xuất, tránh xu hướng tạm dừng sản xuất kinh doanh khiến cho nguồn cung cuối năm có thể suy giảm, thậm chí nhiều lĩnh vực có thể rơi vào suy thoái. Ví dụ như trong chăn nuôi hiện đã có hiện tượng rã đàn, trong đánh bắt thủy sản có hiện tượng tàu nằm bờ dẫn tới hiện tượng suy giảm năng lực sản xuất, giảm nguồn cung trong cuối năm, càng gây áp lực khó khăn cho lạm phát vào cuối năm.

Tính toán các phương án thuế phù hợp khi giá xăng tiếp tục biến động tăng

Tuy nhiên, với mặt bằng biến động rất khó lường của giá xăng dầu thế giới tác động vào mặt bằng giá đầu vào cơ sở để tính giá xăng trong nước thì việc giảm thuế môi trường hiện nay vẫn chưa đủ để hạ nhiệt áp lực lạm phát hiện hữu vào cuối năm, đợt giảm giá xăng dầu gần nhất chủ yếu là do giá cả thế giới có đi xuống trong ngắn hạn.

Giảm giá xăng dầu tạo động viên lớn duy trì sản xuất, tránh suy giảm nguồn cung cuối năm
Giá xăng dầu thế giới được dự báo tiếp tục biến động khó lường và có xu hướng tăng. Ảnh minh họa

Theo TS. Việt, trong bối cảnh khi mà xung đột Nga - Ukraine tiếp tục phức tạp, nhất là khi các quốc gia phương Tây và Nga đang có những hành động trừng phạt kinh tế lẫn nhau dẫn đến tiếp tục gián đoạn các nguồn cung về năng lượng, và giá xăng dầu thế giới có thể tiếp tục tăng lên trong ngắn hạn.

Ông phân tích, cũng có thể trong mùa đông tới đây khi mà nhu cầu năng lượng càng cao hơn nữa, đặc biệt là thời gian tới khi Trung Quốc tiến tới từ bỏ chính sách Zero Covid và xử lý được tình trạng lây nhiễm ở trong lục địa, sẽ dẫn đến cầu về năng lượng, cầu về các nguyên nhiên vật liệu cơ bản của nền kinh tế tăng lên thì giá xăng dầu theo dự báo sẽ tiếp tục biến động khó lường và có xu hướng tăng chứ không giảm. Vì vậy, việc giảm thuế lần này dù rất tích cực nhưng vẫn chưa thể hạ nhiệt được áp lực lạm phát hiện hữu vào cuối năm.

Mặt khác, theo vị chuyên gia của VEPR, việc giảm loại thuế này như hiện nay đã là mức tối đa. “Theo tôi, Chính phủ nên nghiên cứu giảm những loại thuế tương đối đánh trên giá cơ sở của xăng dầu như thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế VAT thì dư địa đề xuất giảm sẽ lớn hơn và tác động giảm áp lực lạm phát cũng vì thế hiệu quả hơn”- TS. Nguyễn Quốc Việt đề xuất.

Theo lý giải của TS. Việt, hai loại thuế này đánh tương đối trên giá nhập khẩu, nên sẽ đẩy tính chủ động về phía doanh nghiệp và người dân, để có thể tính toán được chi phí đầu vào sát hơn với biến động của giá xăng dầu trên thế giới. Về phía Nhà nước, điều này cũng đòi hỏi cao hơn trong dự báo và tính toán cân đối thu chi ngân sách trong thời gian còn lại của năm 2022.

Không nên trợ giá xăng dầu

TS. Bùi Duy Tùng - giảng viên Kinh tế, Đại học RMIT cho rằng, việc trợ giá xăng dầu là một giải pháp không tối ưu. Trợ giá xăng dầu có thể làm cho người dân cảm thấy cuộc sống “nhẹ nhàng” hơn trong tức thì, tuy nhiên, khi Nhà nước cắt một phần to trong “miếng bánh ngân sách” để trợ giá xăng dầu thì phần cho những chi tiêu còn lại như giáo dục, y tế, quốc phòng sẽ bị thu hẹp lại. Nếu ngân sách không đủ thì Nhà nước phải đi vay để trợ giá. Ai là người sẽ trả nợ vay? Chính là người dân trong tương lai – con cái của chúng ta bây giờ.