Gỡ khó khăn, thúc tiến độ dự án kết nối giao thông khu vực Tây  Nguyên
Dự án nâng cấp quốc lộ 19 nối Gia Lai - Bình Định (giai đoạn 2) hiện còn một số khó khăn về mặt bằng, vật liệu. Ảnh: Nhật Tân

Vướng mắc giải phóng mặt bằng

Theo Ban Quản lý dự án (QLDA) 2, Bộ Giao thông vận tải (GTVT), Dự án tăng cường kết nối giao thông khu vực Tây Nguyên, quốc lộ (QL) 19 dài 143,6 km, có 8 gói thầu: Điểm đầu là Km50+00, QL19 thuộc huyện Tây Sơn, tỉnh Bình Định, điểm cuối Km241+00, QL19 thuộc huyện Đức Cơ, tỉnh Gia Lai; đi qua tỉnh Bình Định 17 km tỉnh Gia Lai 126,34 km, thực hiện từ năm 2017-2023; quy mô tiêu chuẩn đường cấp III đồng bằng.

Dự án có tổng mức đầu tư hơn 3.654 tỷ đồng. Trong đó, vốn vay IDA 150 triệu USD, vốn đối ứng 3,7 triệu USD, vốn viện trợ không hoàn lại của Chính phủ Australia cho công tác thiết kế kỹ thuật 2,1 triệu USD. Đến tháng 7/2022, Bộ GTVT quyết định bổ sung 500 tỷ đồng từ nguồn vốn ngân sách nhà nước cho dự án này. Nếu tính cả 2 giai đoạn, nguồn vốn đầu tư nâng cấp toàn tuyến QL19 lên đến gần 5.600 tỷ đồng. Dự án do Ban QLDA 2, Bộ GTVT là chủ đầu tư.

Hiện tại, dự án đang còn một số khó khăn, vướng mắc cần được tháo gỡ. Cụ thể, về giải phóng mặt bằng (GPMB) vẫn còn vướng mắc tại các gói thầu XL01, XL02, ảnh hưởng đến tiến độ thi công của dự án. Trong đó: Gói thầu số 1 còn vướng 36 hộ dân khu vực cầu Ba La và 12 hộ dân nằm rải rác theo tuyến đường; chưa di rời hàng cột điện dài 2,5 km khu vực Tây Giang và 1 cột điện trên đèo Km63+800. Gói thầu số 2 còn 2 hộ dân chưa bàn giao đất, do không thống nhất với phương án bồi thường. Gói thầu só 6 còn một số hộ dân tranh chấp không cho thi công hệ thống đường gom, rãnh thoát nước khu vực Bàu Cạn, Chư Prông.

Về vật liệu đất đắp nền đường, đến thời điểm này, tỉnh Gia Lai vẫn chưa cấp phép và gia hạn vật liệu đất đắp cho dự án nên việc điều phối đất từ đào nền đường tại gói thầu XL01 (địa phận tỉnh Bình Định) cho các gói thầu XL02, XL03 (địa phận tỉnh Gia Lai) gặp nhiều khó khăn. Bên cạnh đó, đoạn từ gói thầu XL04A - XL07 do đã vào mùa mưa nên việc triển khai thi công, đặc biệt là đối với thi công bê tông nhựa gặp nhiều khó khăn.

Dự án tăng cường kết nối giao thông khu vực Tây Nguyên tổng đầu tư 5.600 tỷ đồng

Dự án tăng cường kết nối giao thông khu vực Tây Nguyên có tổng mức đầu tư hơn 3.654 tỷ đồng. Trong đó, vốn vay IDA 150 triệu USD, vốn đối ứng 3,7 triệu USD, vốn viện trợ không hoàn lại của Chính phủ Australia cho công tác thiết kế kỹ thuật 2,1 triệu USD. Đến tháng 7/2022, Bộ Giao thông vận tải quyết định bổ sung 500 tỷ đồng từ nguồn vốn ngân sách nhà nước cho dự án này. Nếu tính cả 2 giai đoạn, nguồn vốn đầu tư nâng cấp toàn tuyến quốc lộ 19 lên đến gần 5.600 tỷ đồng. Dự án do Ban Quản lý dự án 2, Bộ Giao thông vận tải là chủ đầu tư.

Tại gói thầu XL05 vướng mắc mặt bằng tại phân đoạn điều chuyển khối lượng của Công ty Giang Tùng cho Công ty Tiến Dung KonTum, do trong quá trình triển khai bị một số cá nhân, tập thể cản trở thi công, do Công ty Giang Tùng trước đó vướng mắc công nợ với một số doanh nghiệp địa phương.

Đảm bảo tiến độ, chất lượng công trình

Lãnh đạo Ban QLDA 2 cho biết thêm, để đẩy nhanh tiến độ triển khai hoàn thành dự án theo yêu cầu, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội vùng Tây Nguyên, Ban QLDA 2 kiến nghị Bộ GTVT có ý kiến với hội đồng GPMB địa phương để tập trung, đẩy nhanh tiến độ tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc phát sinh để bàn giao mặt bằng “sạch” cho nhà thầu thi công tại các gói thầu XL-01, XL-02.

Đồng thời, Ban QLDA 2 cũng yêu cầu các nhà thầu tập trung máy móc, thiết bị, nhân lực, tranh thủ thời tiết thuận lợi để tổ chức thi công “3 ca, 4 kíp” đẩy nhanh tiến độ thi công, tổ chức thi công đồng thời tất cả các hạng mục công việc còn lại trên tuyến.

Kiểm soát chặt chẽ tiến độ theo ngày đối với các hạng mục chính, đảm bảo hoàn thành một số mốc tiến độ theo chỉ đạo của Bộ GTVT. Đối với các nhà thầu chưa đáp ứng các mốc tiến độ trên, yêu cầu có giải pháp để bù lại tiến độ bị chậm, trường hợp vẫn không đáp ứng yêu cầu Ban QLDA 2 có phương án điều phối thi công giữa các nhà thầu hoặc bổ sung nhà thầu đáp ứng năng lực để triển khai thi công ngay, bù lại tiến độ đã bị chậm, đáp ứng hoàn thành dự án.

Các nhà thầu gói thầu xây lắp (XL-02; XL-04A) cần phối hợp chặt chẽ với địa phương trong việc gia hạn và cấp phép khai thác các mỏ đất phục vụ thi công dự án; đồng thời, tiếp tục rà soát, tìm kiếm các mỏ vật liệu đủ điều kiện để phục vụ thi công dự án. Tư vấn giám sát, nhà thầu nghiêm túc thực hiện, tuân thủ theo các quy định về kiểm soát chất lượng công trình đảm bảo theo đúng chỉ dẫn kỹ thuật, tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật yêu cầu; tuyệt đối không được vì tiến độ mà bỏ qua chất lượng./.