Các địa phương cần nhìn lại cách tiếp cận nông thôn mới 9 tháng, Hà Nội huy động hơn 26.640 tỷ đồng xây dựng nông thôn mới Phó Thủ tướng Hồ Đức Phớc dự Lễ công bố huyện Tây Sơn đạt chuẩn nông thôn mới năm 2023

Tiêu chí về môi trường và an toàn thực phẩm mới đạt 80%

Chương trình xây dựng nông thôn mới (NTM) là một chương trình trọng tâm của Nghị quyết số 26-NQ/TW- Nghị quyết quan trọng về phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn.

Tính đến ngày 20/10/2024, cả nước có 6.320/8.162 xã (77,4%) đạt chuẩn NTM. Trong đó, 2.182 xã (34,6%) đạt chuẩn NTM nâng cao và 480 xã (7,6%) đạt chuẩn NTM kiểu mẫu.

Để đạt NTM cần thực hiện 19 tiêu chí qui định theo Bộ tiêu chí quốc gia về xây dựng NTM, vấn đề môi trường thuộc tiêu chí 17; trong đó, có 5 nội dung, đó là: Tỷ lệ được sử dụng nước sạch hợp vệ sinh theo quy chuẩn quốc gia; các cơ sở sản xuất kinh doanh đạt tiêu chuẩn về môi trường; không có các hoạt động gây suy giảm môi trường và có các hoạt động phát triển môi trường xanh, sạch, đẹp; nghĩa trang được xây dựng theo quy hoạch; chất thải, nước thải được thu gom và xử lý theo quy định.

Tiêu chí môi trường, là một trong những tiêu chí khó trong hành trình xây dựng nông thôn mới. Việc xây dựng NTM đặt ra mục tiêu, tiêu chí về môi trường cho các vùng nông thôn cũng vừa là thách thức vừa là động lực, là cơ hội để bộ mặt nông thôn khởi sắc trên đà phát triển.

Gỡ khó tiêu chí môi trường trong xây dựng nông thôn mới
Giữ gìn vệ sinh môi trường trong xây dựng nông thôn mới. Ảnh: TL

Tuy nhiên, theo nhận định của Văn phòng Điều phối nông thôn mới Trung ương (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn - NN&PTNT) phong trào xây dựng NTM ở một số địa phương chưa chú trọng nhiều đến công tác duy trì bền vững kết quả và nâng cao chất lượng các tiêu chí NTM sau đạt chuẩn, nhất là tiêu chí môi trường, thu nhập, an ninh trật tự xã hội…

Các địa phương cho biết, vấn đề môi trường trong xây dựng NTM trong thực tiễn còn gặp các vấn đề: Ô nhiễm môi trường đất, ô nhiễm môi trường nước, chất thải rắn ở nông thôn, biến đổi khí hậu, tình trạng đa thiên tai. Các vấn đề đó về cơ bản xuất phát từ những nguyên nhân, đó là hệ thống pháp luật về bảo vệ môi trường còn bất cập. Ý thức chấp hành, thực thi pháp luật về bảo vệ môi trường chưa nghiêm.

Dựa vào báo cáo của các địa phương, dự kiến đến hết năm 2024, Văn phòng điều phối NTM Trung ương cho biết, có khoảng 11 địa phương không hoàn thành mục tiêu, nhiệm vụ được giao năm 2024; bao gồm: Hà Giang, Tuyên Quang, Lào Cai, Bắc Kạn, Hòa Bình, Lai Châu, Thanh Hóa, Thừa Thiên Huế, Quảng Ngãi, Ninh Thuận, Long An.

Bà Nguyễn Hoàng Ánh - đại diện Cục Kiểm soát ô nhiễm môi trường (Bộ Tài nguyên và Môi trường) đánh giá, hiện nay chỉ tiêu về môi trường và an toàn thực phẩm trong xây dựng NTM trên cả nước chỉ đạt khoảng 80%, trong khi mục tiêu đến hết năm 2025 là phải đạt 90%. Thời gian còn lại không nhiều, nhưng tiến độ thực hiện rất chậm.

“Một phần nguyên nhân dẫn đến tình trạng này là do tiêu chí 17 và 18 liên quan đến môi trường hiện đang được hướng dẫn và chỉ đạo bởi nhiều bộ, gây ra khó khăn và bất cập cho các địa phương. Điều này khiến cho các tỉnh miền núi phía Bắc, Tây Nguyên và Tây Nam Bộ gặp khó khăn trong việc đạt được các chỉ tiêu này” - bà Ánh nêu thực tế.

Tiêu chí về môi trường không chỉ đòi hỏi nguồn tài chính mà còn cần sự tham gia tích cực của người dân. Nếu không có sự hợp tác và nỗ lực từ phía cộng đồng, tiêu chí có thể đạt được nhưng sẽ dễ dàng bị vi phạm và không bền vững; trong khi Nhà nước luôn chú trọng nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân, tiêu chí về môi trường cũng sẽ được tiếp tục nâng cao.

Nên có 1 - 2 mô hình xử lý chất thải rắn cấp tỉnh

Để giải quyết vấn đề môi trường trong xây dựng NTM, bà Nguyễn Hoàng Ánh đề xuất các địa phương cần tổ chức tốt công tác phân loại và thu gom chất thải theo Quyết định 925 của Thủ tướng Chính phủ. Trung bình mỗi tỉnh nên có 1-2 mô hình xử lý chất thải rắn cấp tỉnh để từ đó có thể nhân rộng và nâng cao hiệu quả cho tiêu chí môi trường.

Bên cạnh đó, các địa phương cần chủ động phân bổ nguồn lực để duy trì hoạt động của các điểm chôn lấp và xử lý rác thải, nhằm đảm bảo tiêu chí về môi trường mà không làm giảm chỉ số hài lòng của người dân.

Gỡ khó tiêu chí môi trường trong xây dựng nông thôn mới
Các địa phương cần tổ chức tốt công tác phân loại và thu gom chất thải theo Quyết định 925 của Thủ tướng Chính phủ. Ảnh: TL

Theo Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan, trong xây dựng NTM, tiêu chí về môi trường chưa có sáng kiến vượt qua các quy định cứng, dẫn đến hiệu quả môi trường chưa đạt yêu cầu cao.

Trước thực tế có nhiều địa phương đang gặp khó trong xây dựng NTM, Bộ trưởng yêu cầu cần phải xem xét phương pháp làm việc, hình thức kết nối giữa địa phương và các cơ quan ban ngành. Khi có vướng mắc cần phải trình bày liền, qua nhóm zalo đã có, để kịp thời nắm bắt và đưa ra phương án xử lý.

Bộ trưởng lưu ý, không vì những khó khăn mà hạ thấp tiêu chí để có thể dễ dàng hoàn thành. Thay vào đó, mỗi địa phương phải làm thật tốt những gì trong phạm vi khả năng của địa phương. Không phải là để lấy cái này bù cái kia mà là qua đó cho thấy tinh thần quyết tâm, tính chủ động trong thực hiện xây dựng NTM…

Bộ trưởng cũng đề nghị Văn phòng Điều phối NTM theo sát, đồng hành cùng các địa phương trong triển khai chương trình. Ban điều phối không phải chỉ chấm điểm mà còn phải tư vấn, hỗ trợ địa phương, cùng địa phương lý giải các vấn đề./.

Trong các tháng còn lại của năm 2024, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan yêu cầu các địa phương tập trung, quyết liệt chỉ đạo triển khai thực hiện Chương trình xây dựng NTM ở tất cả các cấp, các ngành để hoàn thành các mục tiêu về xã đạt chuẩn NTM, NTM nâng cao, NTM kiểu mẫu, huyện đạt chuẩn NTM, NTM nâng cao. Bộ trưởng cũng đề nghị các địa phương khẩn trương hoàn thành phê duyệt chi tiết dự án/đề án/kế hoạch thực hiện các mô hình thí điểm thuộc các chương trình chuyên đề xong trước ngày 30/11; thực hiện hiệu quả, đồng bộ các giải pháp huy động nguồn lực, trong đó, huy động tối đa nguồn lực của địa phương (tỉnh, huyện, xã) để tổ chức triển khai chương trình.