Cục Thuế Hà Nam tập trung hỗ trợ DN vượt qua khó khăn, phục hồi sản xuất kinh doanh tạo doanh thu, qua đó tạo nguồn thu ổn định cho ngân sách nhà nước (NSNN). Ông Đỗ Hồng Nam – Phó Cục trưởng Cục Thuế Hà Nam nhấn mạnh khi trao đổi với phóng viên TBTCO.
* PV: Xin ông cho biết đôi nét về công tác thu NSNN trên địa bàn trong 5 tháng đầu năm?
- Ông Đỗ Hồng Nam: Tính đến hết ngày 28/5, Cục Thuế Hà Nam thu NSNN đạt 3.571 tỷ đồng, bằng 47,8% dự toán Bộ Tài chính giao, bằng 47,1% dự toán UBND tỉnh giao, tăng 8,5% so với cùng kỳ thực hiện.
Cùng với việc hỗ trợ DN vượt qua khó khăn, đơn vị tập trung triển khai kịp thời, có hiệu quả các nhóm giải pháp quản lý nguồn thu như: chống chuyển giá, trốn thuế, xử lý thu hồi nợ thuế...; tuyệt đối không để xảy ra tình trạng DN lợi dụng chính sách hỗ trợ về thuế của Nhà nước để trốn thuế. Ông Đỗ Hồng Nam |
Có 9 chỉ tiêu thu đơn vị thực hiện đạt và vượt tiến độ dự toán thu cả năm. Trong đó, khu vực DN có vốn đầu tư nước ngoài nộp đạt 42,7%; khu vực DN ngoài quốc doanh nộp đạt 42,8%; thu thuế thu nhập cá nhân đạt 51,9%; thu thuế bảo vệ môi trường đạt 47,3%; thu tiền cho thuê mặt đất, mặt nước đạt 56,6%; thu tiền sử dụng đất đạt 115,2%; thu từ hoạt động kinh doanh xổ số kiến thiết đạt 54,2%; thu khác ngân sách đạt 67%; thu từ quỹ đất công ích, hoa lợi và công sản đạt 72,2%.
Bên cạnh đó, còn 6 chỉ tiêu thu đơn vị thực hiện chưa đạt tiến độ dự toán thu cả năm. Trong đó, khu vực doanh nghiệp nhà nước (DNNN) trung ương nộp đạt 38,7%; khu vực DNNN địa phương nộp đạt 19,2%; thu lệ phí trước bạ đạt 37%; thu phí, lệ phí đạt 37,9%; thu thuế sử dụng đất phi nông nghiệp đạt 18,2%.
Do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 và Nghị định 100/2019/NĐ-CP của Chính phủ, 5 tháng đầu năm, khu vực DNNN địa phương nộp ngân sách sụt giảm khoảng 169 tỷ đồng so với cùng kỳ năm trước. Một số DN trọng điểm có số nộp ngân sách giảm là Công ty TNHH MTV Bia Sài Gòn- Phủ Lý; Công ty CP xi măng Vicem Bút Sơn…
* PV: Tính đến thời điểm hiện tại, trên địa bàn tỉnh có bao nhiêu DN, hộ kinh doanh bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 nộp đơn gia hạn thời gian nộp thuế, tiền thuê đất, thưa ông?
- Ông Đỗ Hồng Nam: Hà Nam được ghi nhận là top 10 địa phương thu hút vốn đầu tư nước ngoài tốt nhất cả nước. Tuy nhiên, DN hoạt động trên địa bàn đều là DN nhỏ và vừa, do đó hầu hết các DN đều bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19.
Người nộp thuế làm thủ tục thuế tại bộ phận "một cửa" Cục Thuế Hà Nam. Ảnh: T.N |
Qua thống kê sơ bộ cho thấy, trên địa bàn có 4.879 DN bị ảnh hưởng; có gần 4.000 hộ kinh doanh có doanh thu từ 100 triệu đồng trở lên được gia hạn nộp thuế GTGT và thuế thu nhập cá nhân theo Nghị định 41 của Chính phủ; có hơn 9.000 hộ cá nhân sản xuất kinh doanh có doanh thu dưới 100 triệu được hỗ trợ theo Nghị quyết 42 và Quyết định 15 của Thủ tướng Chính phủ.
Để hỗ trợ DN và hộ kinh doanh vượt qua khó khăn, Cục Thuế Hà Nam đã chủ động phối hợp với các Hiệp hội DN; Hội DN trẻ…, các cơ quan thông tin đại chúng của tỉnh, hướng dẫn DN thực hiện gia hạn nộp thuế ngay sau khi Nghị định số 41/2020/NĐ-CP của Chính phủ có hiệu lực; đặc biệt đơn vị tập trung hướng dẫn việc lập và gửi giấy đề nghị gia hạn nộp thuế thông qua môi trường điện tử nhằm tạo thuận lợi tối đa cho DN. Tính đến ngày 28/5, trên địa bàn đã có 417 DN nộp giấy đề nghị gia hạn thời hạn nộp thuế và tiền thuê đất.
* PV: Trước những khó khăn, thách thức, Cục Thuế Hà Nam có giải pháp cơ bản gì nhằm bù đắp khoản hụt thu thưa ông?
- Ông Đỗ Hồng Nam: Do ảnh hưởng của dịch bệnh, doanh thu của nhiều DN trọng điểm sụt giảm nghiêm trọng, dẫn đến số thuế phát sinh cũng bị sụt giảm theo. Trước mắt, đơn vị tập trung phối hợp với các ngành chức năng liên quan trên địa bàn hỗ trợ tối đa DN, hộ kinh doanh vượt qua khó khăn của dịch bệnh.
Cục Thuế Hà Nam xác định năm 2020, công tác thu ngân sách trên địa bàn sẽ gặp rất nhiều khó khăn, thách thức. Tuy nhiên, với lợi thế về thu hút đầu tư của tỉnh và hy vọng trong 7 tháng cuối năm khi dịch bệnh Covid-19 được kiểm soát, hoạt động sản xuất kinh doanh của cộng đồng DN trở lại bình thường sẽ tạo doanh thu, tạo công ăn việc làm cho người lao động, qua đó tạo ra nguồn thu cho NSNN.
Cùng với việc hỗ trợ DN vượt qua khó khăn, đơn vị tập trung triển khai kịp thời, có hiệu quả các nhóm giải pháp quản lý nguồn thu như: chống chuyển giá, trốn thuế, xử lý thu hồi nợ thuế...; tuyệt đối không để xảy ra tình trạng DN lợi dụng chính sách hỗ trợ về thuế của Nhà nước để trốn thuế, chây ỳ, nợ đọng tiền thuế. Bên cạnh đó, đơn vị cũng tiếp tục rà soát các trường hợp thuộc diện được khoanh nợ tiền thuế, xóa nợ tiền phạt chậm nộp, tiền chậm nộp đối với người nộp thuế không còn khả năng nộp NSNN theo Nghị quyết số 94/2019/QH14 của Quốc hội, báo cáo các cấp lãnh đạo có hướng xử lý cụ thể.
Trong công tác chống thất thu thuế, đơn vị triển khai mạnh công tác chống thất thu thuế ở các ngành, lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro thất thu thuế như: hoạt động kinh doanh xăng dầu; hoạt động kinh doanh bất động sản; hoạt động kinh doanh thương mại điện tử; hoạt động khai thác khoáng sản…, nỗ lực bù đắp những khoản hụt thu do ảnh hưởng của dịch bệnh./.
* PV: Xin cảm ơn ông!
Văn Tuấn (thực hiện)